Đảo chính Niger: ECOWAS lên tiếng sau hạn chót, Mỹ liên lạc chính quyền quân sự

Các lãnh đạo ECOWAS sẽ thảo luận về tình hình ở Niger trong cuộc họp thượng đỉnh sắp tới, trong khi đó Mỹ nói đã liên lạc trực tiếp với chính quyền quân sự Niger.

Hôm 7-8, hãng Reuters đưa tin lãnh đạo các nước thuộc Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) sẽ họp về tình hình ở Niger vào ngày 10-8, sau khi thời hạn để chính quyền quân sự Niger trao trả quyền lực cho chính phủ dân sự (6-8) đã qua.

Chờ quyết định ECOWAS

Cụ thể, người phát ngôn của ECOWAS Amos Lungu thông báo các lãnh đạo của tổ chức này sẽ họp thượng đỉnh bất thường về vấn đề Niger tại thủ đô Abuja (Nigeria) vào ngày 10-8 tới.

Tướng Abdourahamane Tiani - lãnh đạo chính quyền quân sự Niger sau đảo chính phát biểu vào ngày 6-8. Ảnh: Sam Mednick/AP

Tướng Abdourahamane Tiani - lãnh đạo chính quyền quân sự Niger sau đảo chính phát biểu vào ngày 6-8. Ảnh: Sam Mednick/AP

“Các lãnh đạo ECOWAS sẽ xem xét và thảo luận tình hình chính trị và những diễn biến gần đây ở Niger tại cuộc họp thượng đỉnh” - phát ngôn viên Amos Lungu cho hay.

Thông báo trên đánh dấu lần đầu tiên ECOWAS lên tiếng sau khi thời hạn mà tổ chức này đưa ra để yêu cầu chính quyền quân sự Niger phục chức cho Tổng thống Mohamed Bazoum và khôi phục chính quyền dân sự ở Niger đã qua vào hôm 6-8.

Tuy nhiên không có bất kỳ hành động nào từ ECOWAS sau hạt chót. Giới lãnh đạo đảo chính Niger từ chối yêu cầu khôi phục chính quyền dân sự, thay vào đó thông báo đóng không phận và tuyên bố sẽ bảo vệ đất nước.

Mỹ liên lạc phe đảo chính Niger

Ở một diễn biến liên quan, trong cuộc họp báo hôm 7-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho hay Washington đã liên lạc trực tiếp với các lãnh đạo chính quyền quân sự Niger để thúc giục họ từ chức.

Bên cạnh đó, ông Miller nói rằng Mỹ đang “liên lạc chặt chẽ” với giới lãnh đạo ECOWAS và "sử dụng ngoại giao” để đưa Niger trở lại chế độ dân sự.

“Cánh cửa cơ hội chắc chắn vẫn còn rộng mở. Chúng tôi tin rằng chính quyền quân sự nên đứng sang một bên” - ông Miller nói.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn tờ La Stampa, Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani đề xuất ECOWAS nên gia hạn thời hạn để chính quyền quân sự Niger trao trả quyền lực, đồng thời nhấn mạnh "ngoại giao là con đường duy nhất”.

ECOWAS có những lựa chọn nào đối với tình hình ở Niger?

Theo hãng Reuters, ECOWAS có những lựa chọn như sau:

1. Can thiệp quân sự

Trong quá khứ, ECOWAS từng sử dụng biện pháp can thiệp quân sự vào một số nước trong khu vực, song chưa bao giờ tiến hành ở Niger. Bên cạnh đó, các nước thuộc ECOWAS cũng chia rẽ về vấn đề này.

Chuyên gia cảnh báo việc lên kế hoạch cho một cuộc can thiệp quân sự mất nhiều tuần và biện pháp này mang lại rủi ro rất lớn, bao gồm nguy cơ về một cuộc chiến kéo dài và bất ổn ở Niger cũng như toàn bộ khu vực.

Bên cạnh đó, Tướng Abdourahamane Tiani - lãnh đạo chính quyền quân sự Niger sau đảo chính hôm 26-7 - từng là chỉ huy tiểu đoàn của lực lượng gìn giữ hòa bình ECOWAS ở Bờ Biển Ngà vào năm 2003, do đó ông Tiani am hiểu cách thức của một cuộc can thiệp quân sự.

Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu Djiby Sow thuộc Viện Nghiên cứu An ninh (Senegal), nếu ECOWAS không hành động, uy tín của tổ chức sẽ bị ảnh hưởng.

2. Chiến dịch đặc biệt

Theo nhà nghiên cứu Ikemesit Effiong thuộc công ty tư vấn SBM Intelligence (Nigeria), chiến dịch này sẽ có sự tham gia của số lượng nhỏ quân nhân, tập trung vào việc chiếm giữ các địa điểm hành chính và an ninh trọng điểm, đưa Tổng thống Bazoum ra khỏi nơi giam giữ và khôi phục chính phủ dân sự.

ECOWAS có thể đề nghị Mỹ và Pháp chia sẻ thông tin tình báo.

Tuy nhiên lựa chọn này có nhiều rủi ro. Sự xuất hiện của quân đội nước ngoài có thể gây ra bạo lực khi đối mặt với những người ủng hộ chính quyền quân sự Niger và phản đối bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào.

3. Hỗ trợ "chống lại đảo chính"

Viện dẫn Niger là một quốc gia rộng lớn, đa dạng sắc tộc và ông Bazoum giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2021 với 56% phiếu bầu, các nhà phân tích an ninh và ngoại giao nhận định có sự chia rẽ rõ ràng trong các lực lượng vũ trang của Niger sau đảo chính và các cường quốc có thể lợi dụng điểm này.

4.Chờ đợi một cuộc bầu cử

ECOWAS có thể loại bỏ biện pháp can thiệp quân sự, thay vào đó kêu gọi chính quyền quân sự Niger tổ chức bầu cử để quay lại chế độ dân sự. Lãnh đạo quân sự Niger cho biết họ sẵn sàng thảo luận về điều này.

Dù vậy, lựa chọn này cũng đi kèm rủi ro cho khu vực vì sẽ làm suy yếu nền kinh tế Niger - một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới - và có thể tạo điều kiện cho quân đội Niger tìm kiếm thêm sự ủng hộ.

Nguồn: [Link nguồn]

Hết hạn chót ”tối hậu thư” cho phe đảo chính ở Niger, vì sao khối Tây Phi chưa động tĩnh?

Khối Tây Phi, vốn có phản ứng "rắn" với cuộc đảo chính ở Niger, giờ đây dường như bị chia rẽ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨNH KHANG ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN