Danh tướng TQ bị gian thần "dìm", được dân tôn là ông Phúc trong "Phúc-Lộc-Thọ"

Nguyên soái Đại Đường Quách Tử Nghi là một trong số những vị tướng hiếm hoi trong lịch sử Trung Quốc có cái kết viên mãn, dù cuộc đời đối mặt với vô số lời gièm pha, đố kỵ từ các đại thần khác.

Danh tướng TQ bị gian thần "dìm", được dân tôn là ông Phúc trong "Phúc-Lộc-Thọ" - 1

Quách Tử Nghi là danh tướng hiếm hoi có cái kết viên mãn trong lịch sử Trung Quốc.

So với các danh tướng kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc, Quách Tử Nghi thời nhà Đường có phần khác biệt. Ông trải qua nhiều năm chinh chiến, thành danh khá muộn nhưng cũng lập được nhiều công lao với nhà Đường.

Quách Tử Nghi trước sau nhất mực trung thành với triều đình, không tỏ ra kiêu ngạo. Dù thưởng phạt bất công nhưng ông không hề tỏ ý bất mãn, mặt khác lại được tướng sĩ hết lòng vì biết cách đối nhân xử thế.

Ông được đánh giá là một trong những công thần hiếm hoi có kết cục viên mãn trong lịch sử Trung Quốc.

Nguyên soái Đại Đường

Quách Tử Nghi nổi danh khá muộn, người ta chỉ biết đến ông khi được vua Đường Huyền Tông giao nhiệm vụ đi dẹp loạn An Sử năm 755, khi đó ông đã 59 tuổi. Đây được coi là một trong những phong trào nổi loạn lớn nhất lịch sử Trung Quốc, khiến nhà Đường suy yếu sau một thời gian dài phồn thịnh.

Suốt 8 năm dẹp loạn An Sử, Quách Tử Nghi là người có công trạng lớn nhất. Với phong thái điềm tĩnh, ông sử dụng chiến thuật trì hoãn không vội giao chiến, khiến đối phương nản lòng mà mắc sai lầm trước. Cứ mỗi lần như vậy, Quách Tử Nghi đem quân truy kích, tiêu hao không ít sinh lực địch.

Trong giai đoạn cuối chiến dịch, Quách Tử Nghi cùng nhiều tướng lĩnh khác thống lĩnh 60 vạn quân đi đánh An Khánh Tự, con trai An Lộc Sơn - người khởi xướng loạn An Sử ở Nghiệp Thành. Các tướng khi đó đều dưới quyền hoạn quan Ngư Triều Ân.

Ngư Triều Ân không hiểu việc quân sự, đưa ra quyết sách sai lầm, khiến quân Đường thua to rồi đổ tội cho Quách Tử Nghi, khiến ông bị giáng chức. Nhưng danh tướng nhà Đường không nản lòng, chấp nhận bị giam lỏng ở kinh cho đến khi triều đình lại phải nhờ cậy đến ông vì không ai biết dẹp loạn.

Danh tướng TQ bị gian thần "dìm", được dân tôn là ông Phúc trong "Phúc-Lộc-Thọ" - 2

Loạn An Sử là một trong những cuộc khởi nghĩa quy mô lớn nhất lịch sử Trung Quốc, khiến nhà Đường suy yếu. Ảnh minh họa.

Thắng lợi của Quách Tử Nghi trên chiến trường đóng vai trò quan trọng dẫn đến cuộc nổi binh biến Loạn An Sử chính thức chấm dứt năm 763.

Đến thời vua Đường Túc Tông, Quách Tử Nghi chỉ được trọng dụng khi quân Thổ Phiên và bộ lạc Hồi Hột từ Tây Tạng kéo xuống quẫy nhiễu. Sử sách Trung Quốc mô tả cách ông dùng tiếng nói của mình để thuyết phục kẻ địch rút lui, dù quân địch đông tới 20-30 vạn người.

Quách Tử Nghi khi đó 70 tuổi, đích thân gặp chỉ huy quân địch để thuyết phục. Bởi Quách Tử Nghi từng có thời gian chiến đấu bên cạnh người bộ lạc Hồi Hột, nên ông tin rằng có thể thuyết phục họ quay sang đánh Thổ Phiên.

Tờ Vision Times của Trung Quốc chép rằng, con trai Quách Tử Nghi khuyên: “Bọn chúng đều là loài hổ lang, cha là đại nguyên soái làm sao lại tự dấn thân vào hang cọp”. Tử Nghi đáp lời: “Đất nước đang thời chiến loạn. Nếu ta có thể thuyết phục quân Hồi Hột đứng về phía mình, thì còn gì phải đắn đo?’’.

Tướng quân Hồi Hột vẫn còn nghi hoặc nên sai binh sĩ chuẩn bị nghênh chiến. Thấy thế, Tử Nghi cởi bỏ áo giáp và vũ khí, từ từ tiến lại gần. Sự tử tế và độ lượng của Quách Tử Nghi rất được người Hồi Hột nể trọng. Khi nhận ra ông, họ lập tức quỳ xuống hành lễ. Nhờ vậy mà Quách Tử Nghi có thể chiến thắng mà không cần phải đánh trận, giúp nhà Đường dẹp yên mối lo từ Tây Tạng.

Ông Đa Phúc

Theo Secret China, mối quan hệ giữa hoạn quan Ngư Triều Ân và nguyên soái Quách Tử Nghi diễn ra căng thẳng hơn những gì thực tế. Bề ngoài, ông luôn tránh va chạm với những người luôn đố kỵ với chiến công và sự sủng ái của vua dành cho ông.

Danh tướng TQ bị gian thần "dìm", được dân tôn là ông Phúc trong "Phúc-Lộc-Thọ" - 3

Quách Tử Nghi sau này được người Trung Quốc tôn là Ông Đa Phúc, trong bộ ba "Phúc-Lộc-Thọ".

Nhưng Ngư Triều Ân thì không, hoạn quan nhà Đường được cho là thuê người đi phá hoại phần mộ của cha Quách Tử Nghi, sử sách Trung Quốc chép.

Vua Đường Đại Tông từng lo đến chuyện Tử Nghi dấy binh làm phản. Quách Tử Nghi nói rằng, mộ phần tổ tiên bị đào bới là chuyện nhà, nếu như dấy binh tạo phản, thì lại liên quan đến an nguy của đất nước. Đại trượng phu nên lấy quốc sự làm trọng.

Quách Tử Nghi cố nén đau đớn và phẫn hận, cho rằng chuyện như vậy là do mình bị trời phạt. Ông khóc trước phần mộ tổ tiên rằng: “Đây nhất định là bởi ta tội nghiệt sâu nặng, chọc giận Ngọc Đế, nên cố ý để cho ta mang lấy tội danh bất trung bất hiếu này!”, theo Secret China.

Nhờ cách sống khoan dung độ lượng, biết suy nghĩ thấu đáo mà Quách Tử Nghi phục vụ trong 4 đời vua Đường. Ông qua đời năm 85 tuổi, giúp con cháu, gia tộc được hưởng nhiều vinh hoa, phú quý.

Người Trung Quốc về sau cảm phục trước công lao và tấm lòng của Quách Tử Nghi, tôn ông làm Ông Đa Phúc trong bộ ba Tam Đa “Phúc-Lộc-Thọ” nổi tiếng. Quách Tử Nghi xuất thân trong gia đình quý tộc, nhưng cả đời gắn bó với binh nghiệp, đích thân dẫn quân ra trận.

Ông được đánh giá là sống rất liêm khiết, thẳng ngay, không vì vinh hoa, phú quý mà làm mất nhân cách. Cuộc đời viên mãn của Quách Tử Nghi được người đời sau ở Trung Hoa coi là một tấm gương để học theo.

Đại tướng TQ bách chiến bách thắng chết thảm dưới tay gian thần

Nguyên Soái Nhạc Phi thời Nam Tống đã giao chiến với quân Kim tổng cộng 126 lần và không một lần thất bại, quyết đòi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN