Đánh thuế toàn cầu đối với các tỉ phú, liệu có dễ?

Chuyên gia nhận định việc đánh thuế toàn cầu đối với các tỉ phú là điều không dễ thực hiện do những người này di chuyển nhiều nơi và phải đóng nhiều khoản thuế khác nhau.

Trong tuần này, Hội nghị Các bộ trưởng tài chính và Các thống đốc ngân hàng trung ương G20 diễn ra tại São Paulo (Brazil). Tại hội nghị, các nước đã bắt đầu thảo luận về mức tối thiểu trong việc đánh thuế toàn cầu đối với các tỉ phú, theo đài CNN.

Đề xuất đánh thuế toàn cầu đối với các tỉ phú

Theo Cơ quan Giám sát thuế Liên minh châu Âu (EU), những người siêu giàu ở các nước lớn đóng thuế ít hơn nhiều so với người bình thường. Theo đó, tài sản của họ hầu như không bị đánh thuế, với mức thuế suất thực tế chỉ dao động ở mức từ 0% đến 0,5%.

Hội nghị Các bộ trưởng tài chính và Các thống đốc ngân hàng trung ương G20 tại São Paulo (Brazil). Ảnh: REUTERS

Hội nghị Các bộ trưởng tài chính và Các thống đốc ngân hàng trung ương G20 tại São Paulo (Brazil). Ảnh: REUTERS

Nhiều tỉ phú đã trốn thuế, khai thác lỗ hổng trong hệ thống thuế và chuyển tài sản sang các quốc gia có thuế suất thấp hơn. Điều này đang tước đi nguồn thu nhập vô cùng cần thiết của các chính phủ, đặc biệt vào thời điểm kinh tế khó khăn.

Tại hội nghị, ông Gabriel Zucman – giám đốc Cơ quan Giám sát thuế EU – cho rằng: “Thuế lũy tiến là trụ cột chính của các xã hội dân chủ”. Ông Zucman cũng nhấn mạnh các quy định thuế nhiều lỗ hổng đã không “đánh thuế đúng cách những cá nhân có khả năng nộp thuế cao nhất”.

Tương tự, một báo cáo vào tháng trước của tổ chức phi chính phủ Oxfam ghi nhận rằng “tại các quốc gia như Brazil, Pháp, Ý, Anh và Mỹ, người siêu giàu phải trả mức thuế thực tế thấp hơn so với người lao động trung bình”. Theo Oxfam, gần 80% tỉ phú của thế giới sống ở các nước G20.

Cơ quan Giám sát thuế EU đề xuất ấn định mức tối thiểu 2% trong việc đánh thuế toàn cầu đối với các tỉ phú. Mức thuế này được đề xuất áp dụng đối với tài sản ròng của các tỉ phú – nghĩa là giá trị tài sản của họ sau khi trừ đi các khoản nợ. Cơ quan Giám sát Thuế EU ước tính việc đánh thuế như vậy có thể giúp các chính phủ thu về 250 tỉ USD mỗi năm.

Không dễ thực hiện

Theo CNN, con đường đi đến việc thực thi đánh thuế toàn cầu đối với các tỉ phú như trên có thể mất một thời gian rất dài.

Một số tỉ phú trong danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2023 của tạp chí Forbes. Ảnh: FORBES

Một số tỉ phú trong danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2023 của tạp chí Forbes. Ảnh: FORBES

“Đây chỉ là sự khởi đầu của con đường. Các cuộc đàm phán về mức thuế tối thiểu đối với các tập đoàn đã mất nhiều năm. Nhưng giờ chúng ta đã đạt được nó. Điều này đã tạo nên tiền lệ (cho việc đánh thuế toàn cầu đối với các tỉ phú)” – ông Quentin Parrinello, cố vấn chính sách cấp cao tại Cơ quan Giám sát thuế EU, nói.

Tuy nhiên, ông Arun Advani – giáo sư kinh tế tại Đại học Warwick (Anh) – cho rằng việc đặt ra mức thuế toàn cầu đối với các tỉ phú sẽ phức tạp hơn việc thực hiện so với việc đặt ra mức thuế áp dụng cho các tập đoàn.

Theo ông Advani, các công ty đa quốc gia có chi nhánh ở nhiều quốc gia, giúp dễ dàng xác định nước nào có quyền đánh thuế. Từ đó, các bên liên quan có thể dễ đánh giá liệu công ty đó có trả đủ mức thuế tối thiểu toàn cầu hay không. Ngược lại, các tỉ phú thường hay di chuyển giữa các nước và có tài sản ở nhiều nơi nên sẽ khó xác định nước nào có quyền đánh thuế họ.

Ông Advani cho biết các cá nhân cũng thường phải trả số thuế cao hơn các công ty. Điển hình, các cá nhân phải trả thuế đánh vào thu nhập và đóng góp an sinh xã hội.

“Việc hài hòa tất cả những điều đó trên phạm vi quốc tế là một điều khá khó thực hiện” – ông Advani nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Tổ chức Oxfam International cho biết tổng tài sản của 5 người giàu nhất thế giới đã tăng hơn gấp đôi lên 869 tỉ USD kể từ năm 2020, trong khi 5 tỉ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo KHOA ĐIỀM ([Tên nguồn])
Chuyện về những tỷ phú giàu nhất thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN