Đáng sợ "tử thần" vùng cao nơi binh sĩ Trung - Ấn đụng độ
Sau hơn 4 thập kỷ chỉ xảy ra một số ẩu đả, xô xát nhỏ, vụ đụng độ đêm 15.6 khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng đang khiến tình hình căng thẳng biên giới Trung - Ấn trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết.
Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đứng gác trong giá lạnh tại một hội nghị quân sự ở khu vực biên giới (ảnh: India Today)
Hiện chưa có thông tin chính xác về số thương vong của quân đội Trung Quốc trong vụ đụng độ. Thung lũng Galwan – nơi xảy ra đụng độ đẫm máu – là khu vực mà cả Trung Quốc và Ấn Độ đều tuyên bố chủ quyền. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều cáo buộc đối phương xâm phạm vùng kiểm soát của họ.
Trung Quốc và Ấn Độ đều đã tái triển khai lực lượng ở khu vực Ladakh, làm dấy lên lo ngại leo thang căng thẳng trong bối cảnh nhiều vòng đàm phán chưa ngã ngũ.
Là một phần của dãy Himalaya, Ladakh có khí hậu rất lạnh lẽo và khắc nhiệt. Ngay cả trong mùa hè, nhiệt độ của khu vực này cũng ở mức có thể đóng băng được nước. Ladakh nằm trên độ cao 4.200 mét so với mực nước biển – gấp đôi độ cao có thể khiến con người xuất hiện các triệu chứng của bệnh sợ độ cao.
Điều này đồng nghĩa với việc bất cứ người nào đặt chân đến vùng đất này đều phải trải qua các tình trạng đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi.
Trong một tuyên bố năm 1959, Thủ tướng Ấn Độ lúc bấy giờ là ông Jawaharlal Nehru miêu tả Ladakh là khu vực rộng lớn nhưng không có người ở. Nơi có khí hậu khắc nghiệt tới nỗi một ngọn cỏ dại cũng khó mọc nổi.
Độ cao và nhiệt độ lạnh giá ở Ladakh được cho là “lưỡi hái của tử thần”, khiến một số binh sĩ Ấn Độ đang bị thương thiệt mạng trong vụ đụng độ đêm 15.6.
Quân đội Ấn Độ ban đầu xác nhận chỉ có 3 người thiệt mạng, nhưng con số thương vong tiếp tục tăng lên khi các binh sĩ bị thương không thể chịu đựng được khí hậu khắc nhiệt.
Nhà sử học người Anh Neville Maxwell từng miêu tả Ladakh là khu vực "không ai sống được và không gì phát triển nổi".
Xe cơ giới Ấn Độ di chuyển ở vùng biên giới (ảnh: India Today)
Tuy nhiên, đây lại là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng mà cả Ấn Độ và Trung Quốc đều muốn sở hữu. Chiến tranh Trung - Ấn năm 1962 nổ ra, khiến hàng nghìn binh sĩ hai bên tử vong và kết quả là Đường kiểm soát thực tế (LAC) hình thành.
“Ladakh là khu vực kết nối Trung Quốc và đồng minh Pakistan. Hai nước có thể thiết lập một hành lang kinh tế với trung tâm là Ladakh. Đây cũng là khu vực có ý nghĩa quan trọng giúp Trung Quốc kiểm soát 2 khu tự trị là Tây Tạng và Tân Cương”, Harsh V. Pant – giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Hoàng gia London – nhận định.
“Bất kỳ hành động từ Ấn Độ nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền tại Ladakh đều có thể đe dọa đến các mục tiêu địa chiến lược của Trung Quốc ở Trung Á. Trung Quốc đã đầu tư hơn 60 tỷ USD nhằm xây dựng hành lang kinh tế với Pakistan. Ladakh còn là khu vực quan trọng đối với kế hoạch mở rộng sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc”, Happymon Jacob – phó giáo sư nghiên cứu chính trị tại Đại học Jawaharlal Nehru – nhận định.
Năm ngoái, Ấn Độ đã hoàn thành một con đường mới chạy rất gần LAC. Ấn Độ cho rằng, việc kiến thiết cơ sở hạ tầng của nước này chỉ nhằm phát triển kinh tế vùng biên giới nhưng Trung Quốc tỏ ra không hài lòng, theo CNN.
“Những hành động khiến căng thẳng gia tăng gần đây của Trung Quốc có thể là cách họ phản ứng với con đường mới của Ấn Độ. Trung Quốc cho rằng, Ấn Độ đang cố tình thay đổi hiện trạng của LAC vì mục đích quân sự”, Aidan Milliff – chuyên gia tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) – nhận xét.
Quân đội Trung Quốc tung ảnh hạ gục nhiều binh sĩ Ấn Độ hồi đầu tháng 6 (ảnh: SCMP)
Địa điểm của vụ đụng độ đêm 15.6 – thung lũng Galwan – là khu vực có địa hình tương đối thấp so với phần còn lại ở Ladakh. Binh sĩ Trung - Ấn có thể di chuyển dễ dàng ở hơn ở khu vực này. Đây cũng là nơi xảy ra vụ đụng độ dẫn đến chiến tranh biên giới Trung - Ấn năm 1962.
Ở thung lũng Galwan, mùa đông thời tiết trở nên rất lạnh với tuyết rơi dày. Phần lớn khu vực này không thể tiếp cận vào mùa đông. Ngay cả vào mùa hè, thời tiết có chuyển biến tốt hơn thì độ cao và nhiệt độ ở thung lũng Galwan vẫn gây ra vô số khó khăn cho việc di chuyển, tiếp tế.
“Cả quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đều biết rõ độ cao trên 4.000 mét với địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nhiệt ở Galwan là yếu tố có thể thay đổi cục diện mọi cuộc chiến”, ông Aidan Milliff nhận xét.
“Việc đi thẳng lên vùng núi cao là rất nguy hiểm. Ngay cả với những người lính trẻ, khỏe mạnh, họ cũng có thể mắc các bệnh về phổi và não. Trong chiến tranh biên giới Trung - Ấn năm 1962, một số đơn vị Ấn Độ đã bỏ qua việc huấn luyện thích nghi và tiến thẳng lên vùng núi cao ở Ladakh. Kết quả là 15% binh sĩ Ấn Độ bị mắc chứng sưng phổi - chứng bệnh có thể khiến một người khỏe mạnh tử vong chỉ sau 12 giờ từ lúc bắt đầu có dấu hiệu mắc”, ông Aidan Milliff cho biết.
Khi hoạt động ở Ladakh, động cơ diesel rất khó khởi động, trực thăng vận cũng phải giảm tải mặc dù nhu cầu nhu yếu phẩm của các binh sĩ ở vùng này cao hơn bình thường. Thậm chí, việc sử dụng súng cũng khó khăn hơn khiến các loại pháo và súng phải được tinh chỉnh để phù hợp với thời tiết.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau vụ 20 quân nhân thiệt mạng trong đụng độ đêm 15.6, dư luận Ấn Độ đang sôi sục đòi hỏi chính phủ có các biện...