Đằng sau việc Trung Quốc tố Mỹ gây rối ở Biển Đông
Trung Quốc tiếp tục tố Mỹ gây rối ở Biển Đông nhằm thuyết phục các nước ASEAN đẩy nhanh tiến trình đàm phán COC theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu, một trong những cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ), dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao TQ La Chiếu Huy trong cuộc gặp đại sứ các nước ASEAN hôm 4-9, cho rằng Mỹ cố tình gây rối ở Biển Đông, đồng thời cản trở hòa bình, ổn định tại khu vực.
Thông điệp của phía TQ chuyển đến ASEAN diễn ra trong bối cảnh Mỹ liên tục gây sức ép đối với Bắc Kinh vì lý do: TQ không tuân thủ luật pháp quốc tế khi bác bỏ phán quyết Tòa Trọng tài 2016 vụ Philippines kiện TQ; xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa phi pháp nhiều thực thể ở Biển Đông, làm hủy hoại môi trường biển, mất an ninh khu vực; đe dọa, bắt nạt, quấy rối các hoạt động kinh tế, dân sự hợp pháp của các quốc gia láng giềng.
Trung Quốc muốn lôi kéo ASEAN…
Trên website của Bộ Ngoại giao TQ, Thứ trưởng La Chiếu Huy cho rằng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành, tạo sức ép lên nền kinh tế toàn cầu thì việc Mỹ “đàn áp toàn diện” TQ đã tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với sự ổn định của khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Phía TQ cáo buộc chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ nhắm vào việc răn đe Bắc Kinh, đẩy các nước ASEAN vào tình thế phải chọn phe (Mỹ hay TQ), điều đó trái lại với ý chí duy trì hòa bình, ổn định của các quốc gia tại khu vực.
Phía TQ cũng tố cáo Mỹ trong nửa đầu năm 2020 đã điều động máy bay quân sự thực hiện hơn 2.000 nhiệm vụ tại khu vực. Vì vậy, Thứ trưởng La Chiếu Huy kêu gọi ASEAN cùng bắt tay với TQ để bảo vệ hòa bình, ổn định, thúc đẩy tự do thương mại và chủ nghĩa đa phương tại khu vực. “ASEAN và TQ cần có những nỗ lực chung để thúc đẩy các cuộc họp bộ trưởng (giữa 10 nước thành viên ASEAN và TQ) để chuyển đi một thông điệp về sự đoàn kết, hợp tác và phát triển” - ông La Chiếu Huy nhấn mạnh.
Song song đó, phía TQ cũng phát đi tín hiệu bước tiếp theo trong hợp tác ở khu vực Đông Á sẽ tập trung vào bốn điểm chính. Một trong những điểm quan trọng là quản lý một cách hiệu quả tình trạng khác biệt, không thống nhất giữa TQ và ASEAN. “TQ đang hợp tác với các nước thành viên ASEAN để thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên về Biển Đông (DOC), tiếp tục thúc đẩy đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử về Biển Đông (COC), cũng như cùng nhau bảo vệ hòa bình, ổn định tại khu vực” - website Bộ Ngoại giao TQ viết.
Ba điểm còn lại mà TQ mong muốn thúc đẩy với ASEAN chính là tăng cường hơn nữa việc hợp tác chống đại dịch COVID-19; theo đuổi các hoạt động phục hồi nền kinh tế và xây dựng kế hoạch làm việc cho năm tiếp theo. Cụ thể, phía TQ thuyết phục ASEAN bằng “ngoại giao vaccine” khi tuyên bố sau khi TQ chế tạo thành công vaccine sẽ công bố bán ra thị trường toàn cầu với “giá cả phải chăng”. Ngoài ra, Bắc Kinh cho rằng bất chấp đại dịch, thương mại và đầu tư hai chiều ASEAN - TQ có xu hướng tăng. Trong sáu tháng đầu năm 2020, thương mại ASEAN - TQ đạt 300 tỉ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa ASEAN lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của TQ.
Phía TQ còn chuyển đi thông điệp năm 2021 sẽ đánh dấu kỷ niệm 30 năm thiết lập các quan hệ đối thoại giữa TQ và ASEAN. TQ hy vọng sẽ tận dụng cơ hội này để nhìn lại kinh nghiệm của mình với ASEAN và làm sâu sắc hơn, mở rộng hơn các chương trình hợp tác toàn diện, mang lại lợi ích cho khu vực.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của hải quân Mỹ tập trận trên Biển Đông vào tháng 7-2020. Ảnh: REUTERS
… Nhưng không thuyết phục
Dù cố gắng đưa ra nhiều thông điệp tích cực để cô lập Mỹ và lôi kéo ASEAN, những lý lẽ mà Bắc Kinh đưa ra hầu hết không thuyết phục. Thứ nhất, việc TQ tố Mỹ gây rối ở Biển Đông chủ yếu dựa vào cáo buộc đơn phương thay vì những bằng chứng thuyết phục. TQ đổ lỗi các hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ (FONOPs), hay như việc Mỹ triển khai hơn 2.000 hoạt động bay quân sự trong sáu tháng đầu năm 2020 đã gây bất ổn.
Tuy nhiên, các hoạt động FONOPs của Mỹ đến nay đều được Washington dựa vào nền tảng luật pháp quốc tế, trong đó bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mà TQ là thành viên. Việc xuất hiện của Mỹ tại khu vực cũng không bị ASEAN phản đối.
Thứ hai, TQ chuyển đi thông điệp Mỹ làm phức tạp tình hình, buộc các nước ASEAN “chọn phe” trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung. Trên thực tế, Washington nhiều lần gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng không buộc ai phải “chọn phe”. Thậm chí, chính Mỹ cũng không muốn các nước ASEAN rơi vào tình thế này vì bản thân Mỹ cũng không có lợi ích gì từ đó.
ASEAN ngày nay cũng là khối có sức mạnh tự chủ cao với lập trường khá nhất quán: Theo đuổi các biện pháp giải quyết tranh chấp hòa bình, thượng tôn pháp luật, trong đó có UNCLOS. Việc TQ nói “Mỹ ép các nước chọn phe” là cách nói làm nghiêm trọng quá mức tình hình nhằm thuyết phục ASEAN không chào đón Mỹ xuất hiện ở khu vực.
Thứ ba, TQ lấy DOC và COC ra làm “điểm tựa” để thuyết phục ASEAN ngồi vào bàn đàm phán. Thực tế, cách hành xử của TQ thời gian qua, từ việc đâm chìm tàu cá các nước, đơn phương lập quận đảo, xây đảo nhân tạo và quân sự hóa chúng, quấy rối hoạt động khai thác dầu khí của các nước... đều trái với tinh thần DOC, cản trở việc đàm phán thành công COC. Đến nay, dù ASEAN rất thiện chí và nỗ lực, TQ vẫn trì hoãn COC hoặc tìm cách đưa những điều khoản vô lý, trái với UNCLOS vào bộ quy tắc này để trục lợi (nhưng bất thành).
Bắc Kinh đang cố gắng chống trả những đòn tấn công khá toàn diện từ Mỹ: Từ kinh tế, chính trị - ngoại giao đến công nghệ, quân sự. Đây là cuộc đối đầu chiến lược và ASEAN sẽ không đứng về phía này để chống phía còn lại trong vòng xoáy chiến lược các nước lớn. ASEAN sẽ đứng về lập trường thượng tôn pháp luật để bảo vệ lợi ích cốt lõi của họ. Vì thế, rất khó để một TQ xem thường pháp luật thuyết phục ASEAN đứng về phía Bắc Kinh để cô lập Washington nếu Mỹ vẫn duy trì chủ trương hoạt động dựa theo luật pháp quốc tế.
Mỹ sẽ tiếp tục tấn công ngành công nghệ Trung Quốc Truyền thông quốc tế dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Lầu Năm Góc đang xem xét khả năng liệt công ty sản xuất chip bán dẫn SMIC, nhà sản xuất chip bán dẫn hàng đầu TQ, vào danh sách đen thương mại. Nếu điều này trở thành hiện thực, tất cả doanh nghiệp muốn giao dịch với SMIC của TQ sẽ phải xin giấy phép từ Bộ Thương mại Mỹ và việc cấp phép sẽ trở nên vô cùng khó khăn. Trước đó, 24 công ty của Mỹ cùng hàng chục cá nhân TQ đã bị đưa vào danh sách đen thương mại vì lý do giúp đỡ chính phủ TQ xây đảo nhân tạo, quân sự hóa phi pháp Biển Đông, gây hại môi trường biển, đi ngược lại với luật pháp quốc tế và đã được phán quyết tòa trọng tài 2016 kết luận vi phạm. Động thái này diễn ra sau khi các “ông lớn” công nghệ TQ như Tik Tok, Huawei đã bị Mỹ liên tục ra đòn tấn công vì nhiều cáo buộc khác nhau. Giới quan sát nhận định cuộc chiến công nghệ sẽ là một trong những mặt trận sôi động trong đối đầu Mỹ-Trung và sẽ không nằm ngoài vấn đề Biển Đông. |
Nguồn: [Link nguồn]
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong ngày 3/9, Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink nói rằng có một sự thay đổi lớn đã...