Đằng sau việc Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ thôi ‘ngáng chân’ Thụy Điển

Sau giai đoạn bất đồng kéo dài hơn 1 năm, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa đồng ý ủng hộ Thụy Điển trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Điều gì khiến nhà lãnh đạo này thay đổi suy nghĩ?

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố ủng hộ Thụy Điển vào NATO ngay trước thềm thượng đỉnh NATO tại Vilnius. (Ảnh: DW)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố ủng hộ Thụy Điển vào NATO ngay trước thềm thượng đỉnh NATO tại Vilnius. (Ảnh: DW)

Hai lần trong 1 ngày, ông Erdogan khiến phương Tây kinh ngạc: đầu tiên là ra thêm điều kiện cho việc Thụy Điển vào NATO, sau đó lại thỏa hiệp vào phút cuối.

Trước khi Ankara thông báo sẽ ủng hộ, ông Erdogan gây ngạc nhiên cho tất cả mọi người. Tại một cuộc họp báo trước khi rời Istanbul để lên đường dự thượng đỉnh NATO tại Vilnius, ông nêu một điều kiện nữa cho việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO.

Ông Erdogan nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã phải chờ ở cánh cổng Liên minh châu Âu (EU) hơn 50 năm. “Mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ vào EU, sau đó chúng tôi sẽ mở đường cho Thụy Điển, giống như chúng tôi đã mở đường cho Phần Lan”, ông nói.

Bối rối với yêu cầu này, Brussels gạt bỏ đòi hỏi của ông Erdogan, nhấn mạnh rằng NATO và EU là hai tiến trình riêng biệt. Tuy nhiên, tuyên bố chung của NATO cho biết Thụy Điển sẽ “tích cực ủng hộ những nỗ lực nhằm tiếp thêm sinh lực cho tiến trình của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm gia nhập EU, bao gồm hiện đại hóa Liên minh hải quan EU – Thổ Nhĩ Kỳ và tự do hóa thị thực”.

Dù báo chí Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đây là chiến thắng của ông Erdogan, các chuyên gia đánh giá điều này không phải thành tựu mới của Ankara, vì Thụy Điển từ lâu đã là một trong những nước thành viên EU ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia liên minh này.

Ông Ozgur Unluhisarcikli, giám đốc văn phòng Quỹ Marshall Đức tại Ankara, tin rằng bước đi của ông Erdogan gửi đi một thông điệp quan trọng.

“Tôi nghĩ sau cuộc bầu cử vừa qua, ông Erdogan đang muốn có quan hệ tích cực hơn với Mỹ và châu Âu, và ông ấy muốn được họ chấp nhận. Hãy nghĩ về điều ông ấy nói về việc mở đường vào EU. Không có gì xảy ra cả, nhưng ông ấy muốn nói điều này: Đừng loại trừ tôi”, ông Unluhisarcikli nói.

Một khả năng khác là Thổ Nhĩ Kỳ, khi phải đối mặt với mức lạm phát cao kỷ lục và đồng nội tệ mất giá mạnh, đang muốn thay đổi chính sách cân bằng giữa Nga và phương Tây, theo hướng nghiêng về phương Tây, chủ yếu vì lý do kinh tế.

Ankara có thể giành được lợi thế kinh tế khi hiện đại hóa Liên minh hải quan EU – Thổ Nhĩ Kỳ. Việc hiện đại hóa này là nhằm mở rộng sang các sản phẩm nông sản, ngành dịch vụ và mua sắm chính phủ, chứ không chỉ dừng lại ở các sản phẩm công nghiệp. Các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn tự bảo vệ họ trước những thỏa thuận thương mại phức tạp của EU với nước thứ 3.

Tiến trình đàm phán để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU bắt đầu từ năm 2005, đến nay vẫn chưa đạt tiến triển cụ thể nào. Đặc biệt sau cuộc đảo chính thất bại tháng 7/2016, khiến đàm phán rơi vào bế tắc vì những biện pháp chống khủng bố mà Ankara áp dụng nhưng phương Tây chỉ trích là vi phạm nhân quyền.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua thêm tiêm kích F-16 của Mỹ. (Ảnh: AA)

Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua thêm tiêm kích F-16 của Mỹ. (Ảnh: AA)

Cơ hội cài đặt lại

Các nhà quan sát ở châu Âu cho rằng, để khôi phục lại quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU, Ankara trước hết phải bình thường hóa quan hệ với Hội đồng châu Âu (CoE), một tổ chức quốc tế được thành lập để bảo vệ nhân quyền, dân chủ và pháp quyền ở châu Âu. Tổ chức này độc lập với EU, nhưng không quốc gia nào có thể trở thành thành viên của EU mà không tham gia CoE trước.

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của CoE, nhưng quan hệ hai bên không suôn sẻ trong những năm gần đây vì Ankara không chấp hành phán quyết của Tòa án nhân quyền châu Âu.

Dù hành trình vào EU của Thổ Nhĩ Kỳ có thể không phải cái đích khả thi trong tương lai gần, quyết định của Ankara đối với Thụy Điển có thể mở ra một giai đoạn mới với Washington.

Những trao đổi ngoại giao với Mỹ gần đây góp phần dẫn đến đồng thuận ở Vilnius. Tổng thống Mỹ Joe Biden hoan nghênh quyết định của người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ trước thềm thượng đỉnh NATO.

Trước thềm thượng đỉnh, một thông báo quan trọng khác được phát đi từ Vilnius. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Mỹ có thể xúc tiến quy trình chuyển giao các máy bay tiêm kích F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi hỏi ý kiến Quốc hội.

Dù cả Ankara và Washington đều khẳng định hai vấn đề này không liên quan, nhưng những diễn biến vừa qua dẫn đến suy luận rằng việc ông Erdogan thôi phản đối Thụy Điển đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ tiến gần hơn đến thương vụ F-16.

“Những chiếc F-16 có thể không được bàn giao ngay, nhưng có thể đó là sự bảo đảm mạnh mẽ rằng chúng sẽ được bàn giao”, Asli Aydintasbas, một nhà báo từng thường trú ở Thổ Nhĩ Kỳ viết trong bài đăng trên Washington Post.

Theo Aydintas, quy trình thiết lập lại quan hệ có thể diễn ra nếu cả Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây chọn đúng quân bài.

Ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bị các nghị sĩ Mỹ ”dội gáo nước lạnh”

Nhà Trắng nói sẽ cụ thể hóa việc cung cấp chiến đấu cơ F-16 đời mới cho Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara "bật đèn xanh" cho phép Thụy Điển gia nhập NATO. Nhưng các nghị sĩ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang - DW ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN