Đằng sau việc tên lửa đạn đạo nặng 2 tấn của Ukraine tái xuất trong xung đột với Nga

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Quân đội Ukraine đã sử dụng tên lửa đạn đạo Tochka-U để tập kích các mục tiêu Nga trong tháng 1 và gần đây là tháng 3/2025. Mẫu tên lửa nặng 2 tấn này từng biến mất vào cuối năm 2023.

Đằng sau việc tên lửa đạn đạo nặng 2 tấn của Ukraine tái xuất trong xung đột với Nga - 1

Tên lửa đạn đạo Tochka-U khai hỏa trong xung đột ở Ukraine. Nguồn: Forbes.

Khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Ukraine thừa hưởng một kho tên lửa đạn đạo Tochka với khoảng 500 quả. 31 năm sau, thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, kho tên lửa Tochka-U của quân đội Ukraine được cho là chỉ còn khoảng 90 quả hoạt động, theo tạp chí Forbes.

Mẫu tên lửa nặng 2 tấn, tầm bắn 110 km với đầu đạn 450 kg và hệ thống dẫn đường quán tính này sử dụng động cơ nhiên liệu rắn một tầng. Tuy nhiên, nhiên liệu rắn không có tuổi thọ vĩnh viễn. Ukraine đã phải loại bỏ nhiều tên lửa đạn đạo Tochka do hết niên hạn sử dụng.

Dù vậy, Lữ đoàn Tên lửa số 19 của Ukraine, đơn vị cũng vận hành hệ thống pháo phản lực HIMARS do Mỹ cung cấp, vẫn tiếp tục sử dụng Tochka-U để tấn công các khu vực tập kết và tuyến hậu cần của Nga ngay sau tiền tuyến.

Các bức ảnh và video được công bố vào tháng 1 và tháng 3 năm nay xác nhận rằng lữ đoàn này vẫn đang vận hành Tochka-U. Thậm chí, những quả tên lửa này có vẻ như vừa mới được sản xuất.

Tuy nhiên, nhà máy sản xuất Tochka-U đặt tại Nga, và khó có khả năng Ukraine có thể thiết lập dây chuyền sản xuất mới, Forbes phân tích.

Nguồn gốc tên lửa Tochka-U mới đến từ đâu?

Binh sĩ Ukraine nạp đạn tên lửa Tochka-U. Ảnh: Forbes.

Binh sĩ Ukraine nạp đạn tên lửa Tochka-U. Ảnh: Forbes.

“Theo một số đồn đoán, quân đội Ukraine đã khôi phục lại các tên lửa trước đây được coi là không thể sử dụng”, nhóm phân tích Conflict Intelligence Team của Ukraine nhận định. Điều này đồng nghĩa với việc tháo rời, tiếp nhiên liệu và tân trang lại các thành phần tên lửa.

Lữ đoàn Tên lửa số 19 đã hai lần nhận được lô Tochka-U được tân trang. Trong năm đầu tiên của cuộc chiến quy mô lớn, từ đầu năm 2022 đến đầu năm 2023, đơn vị này đã sử dụng hết số tên lửa Tochka-U còn lại. Trong 6 tháng tiếp theo, các bệ phóng Tochka-U gần như không hoạt động.

Đến tháng 11 năm 2023, lữ đoàn này tái xuất, khai hỏa Tochka-U vào các mục tiêu ở vùng Belgorod và Donetsk. Nhưng chẳng bao lâu sau, kho tên lửa lại cạn kiệt và các bệ phóng lại tạm dừng hoạt động. Đến tháng 1/2025, Tochka-U lại xuất hiện trở lại trên chiến trường.

Ai đứng sau việc phục hồi Tochka-U?

Rất có thể Ukraine đã tận dụng ngành công nghiệp chế tạo tên lửa lâu đời. Nhà máy Yuzhmash (hay còn gọi là Pivdenmash) tại Dnipro, miền nam Ukraine, vốn là một trong những tổ hợp công nghiệp vũ trụ lớn nhất châu Âu, sản xuất nhiều loại tên lửa và linh kiện cho cả mục đích quân sự lẫn dân sự.

Điện Kremlin từng tuyên bố không kích phá hủy xưởng Tochka-U tại nhà máy Yuzhmash vào tháng 4/2023. Tháng 11 năm ngoái, Nga tiếp tục nã tên lửa Oreshnik vào nhà máy nhưng không rõ mức độ thiệt hại cụ thể.

Yuzhmash được cho là vẫn duy trì hoạt động. Nhà máy có thể đã khôi phục hoặc phân tán các cơ sở sản xuất để tránh bị xung đột phá hủy hoàn toàn.

Theo tạp chí Forbes, Tochka-U không phải là loại tên lửa quá phức tạp. Nếu Yuzhmash có thể sản xuất động cơ lớn cho các tên lửa không gian, thì họ hoàn toàn có khả năng tái chế những quả Tochka-U nhỏ hơn nhiều. Và với số lượng lớn Tochka-U bị bỏ lại từ thời Liên Xô, Ukraine có đủ thân tên lửa cũ để tái sử dụng.

Tuy nhiên, tốc độ phục hồi những quả Tochka-U này dường như rất chậm. Đây cũng là lý do khiến Lữ đoàn Tên lửa số 19 chỉ có thể sử dụng loại vũ khí này một cách không liên tục.

Hệ thống tên lửa phòng không mới này của Ukraine được trang bị tên lửa dẫn đường không đối không tầm ngắn R-73, có nguồn gốc từ Liên Xô, nhưng nay...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - Forbes ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN