Đằng sau việc oanh tạc cơ chiến lược Nga và TQ tuần tra chung trên biển Hoa Đông
Oanh tạc cơ chiến lược của Nga và Trung Quốc ngày 22.12 đã cùng tham gia nhiệm vụ tuần tra trên biển Hoa Đông, thể hiện mối quan hệ quân sự gắn kết giữa hai quốc gia láng giềng.
Tu-95 và H-6K là hai mẫu oanh tạc cơ chiến lược có khả năng mang theo bom hạt nhân.
Quân đội Nga thông báo hai oanh tạc cơ chiến lược Tu-95 và 4 oanh tạc cơ H-6K của Trung Quốc đã cùng thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển Nhật Bản và biển Hoa Đông.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, nhiệm vụ tuần tra chung nhằm “phát triển và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện Nga-Trung, nâng cao hơn nữa mức độ hợp tác giữa quân đội hai nước, mở rộng khả năng hành động chung và củng cố sự ổn định chiến lược”.
Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh nhiệm vụ tuần tra chung “không trực tiếp nhắm đến bất kì quốc gia nào”.
Đây là lần thứ hai Nga và Trung Quốc đưa oanh tạc cơ chiến lược tuần tra chung trong khu vực. Lần đầu tiên là vào tháng 7.2019.
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã huy động tiêm kích F-15 bám sát phi đội máy bay Nga và Trung Quốc. Phía Nhật Bản cũng công bố ảnh chụp các máy bay Nga, Trung Quốc.
Bình luận về chuyến bay tuần tra chiến lược chung lần thứ hai giữa không quân Nga và Trung Quốc, tờ Thời báo Hoàn Cầu đăng bài xã luận, coi đây là tín hiệu mạnh mẽ gửi đến khu vực.
Đường bay của máy bay Nga và Trung Quốc trong chuyến tuần tra chung ngày 22.12.
Mỹ đang gây sức ép với Trung Quốc và Nga đồng thời trên nhiều lĩnh vực, lôi kéo các quốc gia khác vào cuộc đối đầu địa chính trị. Tuy nhiên, chỉ cần Nga và Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ chiến lược lẫn nhau và cùng nhau vượt qua thách thức, chiến lược lôi kéo đồng minh của Mỹ sẽ thất bại, Hoàn cầu nhận định.
Viễn cảnh Mỹ đè bẹp cả Nga và Trung Quốc là điều mơ tưởng. Thay vì thành lập liên minh quân sự, Nga và Trung Quốc theo đuổi mối quan hệ hợp tác chiến lược cùng có lợi, không giống như chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Hoàn Cầu viết.
Các quốc gia như Úc luôn giúp Mỹ gây hấn với Trung Quốc, dù phải trả giá. Hoàn Cầu đặt câu hỏi, rằng Anh và các quốc gia khác trong nhóm Ngũ Nhãn có lợi ích gì khi gây sức ép với Trung Quốc?
Anh đang gặp nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19 lây lan mạnh, khiến nhiều quốc gia đóng cửa biên giới với Anh. Nhưng Mỹ chưa làm những điều cần thiết để hỗ trợ đồng minh, bao gồm cả việc cung cấp vaccine, Hoàn Cầu viết.
Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc có vị trí địa lý gần gũi với Nga và Trung Quốc. Các quốc gia này nên duy trì quan hệ thân thiện với Nga và Trung Quốc, thay vì đánh giá sai chiến lược và cương quyết theo Mỹ.
Hoàn Cầu coi đây là thông điệp mà chuyến bay tuần tra chiến lược của Nga và Trung Quốc truyền tải tới các quốc gia ở khu vực Đông Á.
Tu-95 của Nga hay H-6K của Trung Quốc đều là các oanh tạc cơ chiến lược chủ lực. Hai mẫu máy bay này có thể được trang bị bom hạt nhân hoặc tên lửa hành trình, tạo ra sức mạnh răn đe hạt nhân đáng kể.
Nguồn: [Link nguồn]
Oanh tạc cơ chiến lược tàng hình Xian H-20 do Trung Quốc nghiên cứu và sản xuất, có năng lực tấn công tầm xa đáng kể,...