Đằng sau việc Nga “nắn gân” Nhật Bản ở quần đảo tranh chấp

Tháng 6 vừa qua, các chiến đấu cơ Nhật Bản có 35 lần xuất kích ngăn chặn máy bay quân sự Nga, so với 23 lần ngăn chặn máy bay Trung Quốc trong cùng một tháng.

Xe tăng Liên Xô được Nga trưng bày ở quần đảo Nam Kuril.

Xe tăng Liên Xô được Nga trưng bày ở quần đảo Nam Kuril.

Các chiến đấu cơ Nhật Bản phản ứng quyết liệt với sự hiện diện gia tăng trong vài tuần qua của máy bay quân sự Nga ở quần đảo tranh chấp phía bắc Hokkaido.

Hãng thông tấn Nga TASS ngày 9.8 đưa tin, Bộ quốc phòng Nga thông báo kế hoạch xây thêm 51 hạng mục công trình hạ tầng quân sự trên quần đảo Nam Kuril.

Quần đảo Nam Kuril là một chuỗi đảo thuộc quyền kiểm soát của Nga. Nhật Bản tuyên bố chủ quyền với 4 hòn đảo và gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.

3 ngày sau khi phát xít Nhật đầu hàng quân đồng minh trong Thế chiến 2, Liên Xô chiếm 4 hòn đảo nằm ở phía bắc Hokkaido từ tay người Nhật. Liên Xô và Nga sau này từng đề xuất trả lại 2 đảo cho Nhật Bản, nhưng Tokyo nhất quyết đòi lại cả 4 hòn đảo.

Kết quả là Nga và Nhật Bản đến nay vẫn chưa ký hiệp định hòa bình, dù đã nhất trí chấm dứt tình trạng chiến tranh và thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1956.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đến thăm quần đảo Nam Kuril.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đến thăm quần đảo Nam Kuril.

Vào tháng 6, quân đội Nga tập trận quy mô lớn kéo dài 5 ngày trên quần đảo tranh chấp, huy động hơn 10.000 binh sĩ cùng 500 xe quân sự, 30 máy bay và 10 tàu chiến. Cuộc tập trận dự kiến còn kéo dài tới hết tháng 8.

Giới quan sát nhận định, việc Nga tăng cường hiện diện ở quần đảo tranh chấp không chỉ nhằm gửi thông điệp “nắn gân” Nhật Bản, mà còn nhằm thể hiện sức mạnh với dư luận trong nước, cũng như thử phản ứng của Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Theo các nhà quan sát, những tranh chấp từng được coi là vấn đề song phương của Nga và Nhật Bản, đang ngày càng khiến Mỹ và Trung Quốc quan ngại, theo SCMP.

Cũng trong tháng 6, không quân lực lượng phòng vệ Nhật Bản (ASDF) đã 35 lần huy động chiến đấu cơ ngăn chặn máy bay quân sự Nga, mức cao nhất kể từ khi Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố số liệu thống kê (tháng 4.2020). Trong cùng khoảng thời gian, Nhật Bản có 23 lần huy động chiến đấu cơ ngăn chặn máy bay Trung Quốc.

Yakov Zinberg, giáo sư nghiên cứu Đông Á tại Đại học Kokushikan ở Tokyo, nói Moscow đã lần đầu tiên thể hiện sự công khai phản ứng với Nhật Bản, khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố vào ngày 8.7, rằng Nga không cho rằng nước này có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản.

“Đó là phản ứng khác lạ và gây bất ngờ của ông Lavrov, thể hiện lập trường cứng rắn của Nga như thời Liên Xô”, ông Zinberg nói.

Tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã đến thăm quần đảo tranh chấp, thông báo thúc đẩy hợp tác kinh tế, sẵn sàng miễn giảm thuế với các công ty nước ngoài thiết lập hoạt động ở quần đảo.

“Nga đang thử phản ứng của Mỹ, do chính sách ngoại giao của Nhật Bản bị Mỹ chi phối”, ông Zinberg nói. “Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn biết người đồng cấp Mỹ Joe Biden có quan điểm ra sao về quần đảo Nam Kuril”.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thể hiện quan điểm ủng hộ, sẵn sàng đảm bảo an ninh cho Nhật Bản trong tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đang thử phản ứng của Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đang thử phản ứng của Mỹ.

Tuy nhiên, Washington chưa làm điều tương tự với quần đảo tranh chấp Nga-Nhật, ông Zinberg nói.

Hồi tháng 6, ông Putin nói sẵn sàng ký hiệp ước hòa bình với Nhật Bản và hai nước cùng chia sẻ lợi ích chiến lược trong khu vực. Nhưng rất ít khả năng Nga đơn giản là trả lại 4 hòn đảo tranh chấp cho Nhật Bản.

Quần đảo Nam Kuril là cửa ngõ chiến lược để tàu chiến Nga từ căn cứ tại Vladivostok, hướng ra Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, Nga đang muốn thể hiện sự cứng rắn để thúc đẩy sự ủng hộ trong nước, trước cuộc bầu cử Quốc hội Nga vào tháng 9 tới.

Đảng nước Nga Thống nhất hậu thuẫn ông Putin đang ngày càng bị thu hẹp ảnh hưởng, đặc biệt lại ở vùng Viễn Đông. “Nga muốn thể hiện lập trường không nhượng bộ quốc gia khác ở vùng Viễn Đông, cũng như cam kết thúc đẩy đầu tư”, ông Zinberg nhận định.

James Brown, phó giáo sư quan hệ quốc tế, chuyên các vấn đề về Nga, tại Đại học Temple ở Tokyo, cho rằng Nga cảm thấy không hài lòng khi Nhật Bản lựa chọn phản ứng cứng rắn. “Nhật Bản cứng rắn hơn thì Nga cũng có cách để gây khó dễ”, ông Brown nói.

Bên cạnh đó, vấn đề càng phức tạp hơn khi Trung Quốc được cho là đã thay đổi lập trường.

Tháng trước, sau khi Thủ tướng Nga Mishustin tới quần đảo tranh chấp với Nhật Bản, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên một mặt nói đó là vấn đề của Nga và Nhật, một mặt nói “Trung Quốc tin tưởng nhất quán rằng kết quả của cuộc chiến chống phát xít thắng lợi cần được tôn trọng và duy trì một cách nghiêm túc”.

Tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn đến đồn đoán rằng Bắc Kinh đang nghiêng về Moscow trong vấn đề này, khác với quan điểm trước đây. “Đó cũng có thể được hiểu là lời cảnh báo của Trung Quốc gửi tới Nhật Bản, khi Tokyo thường thể hiện lập trường cứng rắn về Đài Loan.”, ông Brown nói thêm.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ coi 20.000 cư dân Nga sống ở quần đảo tranh chấp là công dân Nhật

Cư dân Nga sống ở quần đảo Nam Kuril (Nhật Bản gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc) được quan chức cơ quan nhập cư Mỹ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN