Đằng sau việc EU hoãn lộ trình cắt khí đốt Nga
Thông tin Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục hoãn lộ trình cắt khí đốt Nga làm dấy lên nhiều đồn đoán về khó khăn của châu lục trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào năm 2022, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Song đến nay khối này vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt Nga.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, cùng với việc không tìm được nguồn cung thay thế, nhiều doanh nghiệp châu Âu bắt đầu tính đến phương án nối lại nhập khẩu khí đốt Nga.
Đằng sau việc EU hoãn lộ trình cắt khí đốt Nga là nhiều vấn đề phức tạp. Ảnh: SHUTTER STOCK
EU hoãn lộ trình cắt khí đốt Nga
Tờ Financial Times ngày 15-4 dẫn các nguồn tin rằng EU tiếp tục hoãn việc công bố kế hoạch xóa bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Theo nguồn tin, kế hoạch - trong đó sẽ nêu chi tiết các bước để cắt giảm sự phụ thuộc năng lượng của EU vào Nga vào năm 2027 - ban đầu dự kiến công bố vào tháng 2, đã bị hoãn lại cho đến tháng 3 và sau đó lại hoãn tiếp với lịch dự kiến công bố là vào tháng 5.
EU từ chối bình luận về nguyên nhân của việc trì hoãn. Tháng trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã cam kết sẽ loại bỏ dần khí đốt của Nga vì đó là “điều bắt buộc”.
Các diễn biến trên xuất hiện trong bối cảnh các lãnh đạo ngành năng lượng ở châu Âu gần đây công khai bàn luận về việc nối lại nhập khẩu khí đốt từ Nga - điều mà một năm trước còn bị xem là “không tưởng”.
“Nếu đạt được hòa bình hợp lý tại Ukraine, chúng ta có thể quay lại mức nhập [khí đốt từ Nga] khoảng 60 thậm chí 70 tỉ mét khối mỗi năm, bao gồm cả khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)” - ông Didier Holleaux, Phó Chủ tịch điều hành của tập đoàn Engie (Pháp), nói với hãng tin Reuters. Chính phủ Pháp hiện nắm giữ một phần cổ phần của Engie. Tập đoàn này từng là một trong những khách hàng lớn nhất mua khí đốt từ tập đoàn dầu khí Gazprom (Nga).
“Châu Âu sẽ không bao giờ quay lại nhập 150 tỉ mét khối khí từ Nga như trước chiến tranh nhưng tôi dám cá là có thể nhập lại khoảng 70 tỉ mét khối" - theo ông Patrick Pouyanne, Tổng Giám đốc điều hành của tập đoàn năng lượng Pháp TotalEnergies.
Nhờ sản xuất lượng lớn điện hạt nhân, hiện Pháp đã có một trong những hệ thống cung ứng năng lượng đa dạng nhất châu Âu. Trong khi đó an ninh năng lượng ở Đức đáng quan ngại hơn khi Berlin từng phụ thuộc nặng nề vào khí đốt giá rẻ từ Nga và hiện có ít lựa chọn thay thế.
Tại Khu công nghiệp hóa chất Leuna – một trong những cụm công nghiệp hóa chất lớn nhất của Đức, một số doanh nghiệp cho rằng khí đốt Nga nên được nối lại càng sớm càng tốt.
“Chúng tôi đang trong một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và không thể tiếp tục chờ đợi” - ông Christof Guenther, Giám đốc điều hành của InfraLeuna – đơn vị vận hành khu công nghiệp hóa chất Leuna, cho biết.
Ông Guenther nói rằng ngành công nghiệp hóa chất của Đức đã cắt giảm việc làm suốt năm quý liên tiếp, điều chưa từng xảy ra trong nhiều thập niên. “Mở lại các đường ống sẽ giúp giảm giá năng lượng nhiều hơn bất kỳ chương trình trợ giá nào hiện nay” - ông Guenther lưu ý.
Tương tự, ông Klaus Paur, Giám đốc điều hành của Leuna-Harze, một công ty hóa dầu tại khu công nghiệp Leuna, chia sẻ với Reuters: “Chúng tôi cần khí đốt từ Nga, chúng tôi cần năng lượng giá rẻ bất kể nó đến từ đâu. Chúng tôi cần đường ống Nord Stream 2 vì chúng tôi phải kiểm soát chi phí năng lượng”.
Theo ông Daniel Keller - Ủy viên phụ trách kinh tế bang Brandenburg, phía ngành công nghiệp đang gây áp lực buộc chính phủ Đức phải tìm nguồn thêm cung năng lượng.
Đằng sau động thái của EU
Một cơ sở khí đốt tại Nga. Ảnh: TASS
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào năm 2022, các nhà lãnh đạo EU đã cam kết sẽ tiến đến chấm dứt phụ thuộc vào dầu khí của Nga. Theo thống kê của EU, khối này đã nhập khẩu khoảng 52 tỉ mét khối khí đốt từ Nga trong năm 2024, giảm đáng kể so với mức 150 tỉ mét khối vào năm 2021. Tuy vậy, năm ngoái, châu Âu lại mua một lượng kỷ lục LNG từ Nga, và lượng khí nhập khẩu từ Moscow đã tăng 18%, theo tổ chức tư vấn năng lượng Ember.
Giới quan sát cho rằng việc thiếu nguồn cung, cũng như những đòn thuế quan từ Mỹ - nhà cung cấp năng lượng lớn cho châu Âu hiện nay, là lý do khiến doanh nghiệp châu Âu trì hoãn thực hiện cam kết từ bỏ năng lượng Nga.
Trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào nhiên liệu Nga, châu Âu đã tìm các đa dạng hóa nguồn cung, bao gồm việc nhập thêm nhiên liệu từ Mỹ. Theo hãng tư vấn năng lượng ICIS, trong vài năm trở lại đây, Mỹ đã trở thành nhà cung cấp LNG lớn nhất của EU, cung cấp 45% nhu cầu LNG của khối vào năm 2024, cao gấp ba lần so với năm 2021. Xu hướng này được cho là sẽ tiếp tục trong năm 2025 vì nhu cầu LNG của châu Âu dự kiến sẽ tăng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang có mối quan hệ “xa cách” với các đồng minh châu Âu, đồng thời sử dụng năng lượng như một con bài mặc cả trong đàm phán thương mại, giới doanh nghiệp ngày càng lo ngại rằng việc phụ thuộc vào Mỹ đã trở thành một điểm yếu của châu Âu.
Theo bà Tatiana Mitrova, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của ĐH Columbia (Mỹ), các căng thẳng thuế quan gần đây đã làm gia tăng lo ngại của châu Âu về sự phụ thuộc vào khí đốt Mỹ. “Ngày càng khó để xem LNG của Mỹ là một mặt hàng trung lập: vào một thời điểm nào đó, nó có thể trở thành công cụ địa chính trị” - bà Mitrova nói với Reuters.
Nếu cuộc chiến thương mại leo thang, Mỹ có thể sẽ hạn chế xuất khẩu LNG – một rủi ro tuy nhỏ nhưng không thể bỏ qua, theo ông Arne Lohmann Rasmussen - chuyên gia phân tích trưởng tại Global Risk Management.
Một nhà ngoại giao cấp cao của EU (đề nghị giấu tên) cũng đồng tình và cho rằng không ai có thể loại trừ khả năng “Mỹ tận dụng đòn bẩy này”.
Ngoài ra, trong trường hợp giá khí đốt tại thị trường nội địa Mỹ tăng mạnh do nhu cầu từ ngành công nghiệp và trí tuệ nhân tạo, Mỹ có thể cắt giảm xuất khẩu sang tất cả các thị trường, ông Warren Patterson, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Tập đoàn ngân hàng ING (Hà Lan), nhận định.
Bên cạnh lo ngại về sự không chắc chắn từ năng lượng Mỹ, châu Âu cũng đang gặp khó khăn trong việc đa dạng hóa nguồn cung. Theo Reuters, các cuộc đàm phán giữa châu Âu với Qatar về LNG đã rơi vào bế tắc. Châu lục này cũng đang đẩy mạnh triển khai năng lượng tái tạo nhưng tốc độ hiện tại vẫn chưa đủ để EU cảm thấy an toàn.
Trong bối cảnh này, các tiếng nói kêu gọi nối lại nhập khẩu khí đốt từ Nga được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng ở châu Âu. Có thông tin rằng bất kỳ luật nào EU ban hành để ngăn dòng chảy khí đốt Nga có thể bị Hungary và Slovakia phủ quyết, vì hai nước này hiện đang nhận phần lớn lượng khí đốt còn lại qua đường ống của Nga chuyển đến EU.
Dù vậy, vẫn có ý kiến phản đối việc EU nối lại nhập khẩu khí đốt từ Nga. Ngày 16-4, Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Mathieu Bihet nói với tờ POLITICO rằng mọi cuộc thảo luận về việc khôi phục quan hệ năng lượng với Nga đều là “ảo tưởng”.
“Tất cả những điều này chỉ là những cuộc tranh luận mang tính lý thuyết. Tôi cho rằng hiện tại việc này không thực tế” - ông Bihet nói về các cuộc thảo luận kêu gọi châu Âu nối lại việc mua nhiên liệu Nga.
Nhiều quan chức Mỹ không hài lòng khi EU tiếp tục viện trợ Ukraine Một số quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump tỏ ra không hài lòng với việc các nước châu Âu tiếp tục ủng hộ Ukraine, tờ The Economist ngày 15-4 dẫn nguồn tin ngoại giao. Theo nguồn tin, một số quan chức Lầu Năm Góc đã đặt câu hỏi với một đồng minh châu Âu (không nêu tên) rằng vì sao nước này vẫn tiếp tục gửi viện trợ quân sự cho Ukraine. Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh các đồng minh châu Âu tiếp tục nỗ lực thể hiện một mặt trận thống nhất trong vấn đề Ukraine, cam kết hỗ trợ bổ sung và chuẩn bị lực lượng để giám sát một thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng. Trong khi đó. Mỹ từ chối cung cấp bảo đảm an ninh cho Kiev và chưa công bố bất kỳ gói viện trợ mới nào. Thay vào đó, Washington muốn đóng vai trò trung gian đạt cho một thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Ukraine. Những thông tin gần đây cho thấy nội bộ chính quyền Tổng thống Trump vẫn chia rẽ trong cách tiếp cận vấn đề Ukraine. Trong khi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và Đặc phái viên của tổng thống Mỹ về Ukraine - ông Keith Kellogg được cho là đã kêu gọi lập trường cứng rắn hơn với Nga, thì Đặc phái viên của ông Trump về Trung Đông - ông Steve Witkoff bày tỏ lạc quan về khả năng tăng cường tiếp xúc với Moscow. |
Hiện TurkStream trở thành tuyến đường ống duy nhất vận chuyển khí đốt Nga đến châu Âu sau khi thỏa thuận quá cảnh kéo dài 5 năm giữa Moscow và Kiev...
Nguồn: [Link nguồn]
-18/04/2025 05:30 AM (GMT+7)