Đằng sau việc đảo quốc Thái Bình Dương mời Mỹ xây căn cứ quân sự

Đảo quốc Palau đã mời Mỹ xây dựng một căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình. Đó là dấu hiệu cho thấy Thái Bình Dương đang trở nên ngày càng quan trọng về mặt chiến lược khi các quốc gia trong khu vực này chọn hợp tác với Washington hoặc Bắc Kinh. 

Nhóm tàu sân bay Theodore Roosevelt di chuyển qua khu vực Thái Bình Dương hồi tháng 1/2020. Ảnh: Navy

Nhóm tàu sân bay Theodore Roosevelt di chuyển qua khu vực Thái Bình Dương hồi tháng 1/2020. Ảnh: Navy

Theo RT, không nhiều người ở phương Tây từng nghe nói về Palau, một quần đảo ở phía tây Thái Bình Dương. Nằm gần Papua New Guinea và Philippines, Palau có dân số khoảng 17.000 người, ít hơn mức trung bình của một thị trấn nhỏ. 

Nhưng tầm quan trọng của đảo quốc này lại tỷ lệ nghịch với kích thước và quy mô dân số của nó. Thoạt nghe, có vẻ các đảo quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương không liên quan nhiều đến thế giới chính trị đương đại, nhưng trên thực tế, chúng nằm ngay trung tâm của một trong những cuộc đấu tranh địa chính trị quy mô lớn của thế giới - "chiến tranh Lạnh" Mỹ - Trung. 

Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh, Palau được xem là một địa điểm chiến lược quan trọng bậc nhất. 

Tom Fowdy, nhà phân tích người Anh về chính trị và quan hệ quốc tế, nhận định, khu vực Thái Bình Dương đã trở thành bàn cờ trong ván cờ quân sự giữa 2 nước, khi Trung Quốc tìm cách bao vây khu vực ngoại vi của Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh nhắm mục tiêu cân bằng quân sự ở "sân sau" của mình. 

Giữa Mỹ và Trung Quốc, Fowdy cho rằng Palau đã đưa ra lựa chọn của họ khi quyết định trở thành đối tác ngoại giao với Đài Loan, hòn đảo không nhận được nhiều sự ủng hộ của các đảo quốc trong khu vực Thái Bình Dương. Và giờ đây, Palau lại muốn mời Mỹ xây dựng một căn cứ quân sự ở quốc đảo này. 

Kể từ khi Thế chiến II kết thúc, những vùng đất rộng lớn ở Thái Bình Dương là khu vực mà Mỹ "thống trị" và có sức ảnh hưởng hơn cả. Sự xâm nhập của Washington vào khu vực Thái Bình Dương bắt đầu từ thế kỷ 19. Kể từ đó, Washington đã sáp nhập nhiều phần của Thái Bình Dương vào lãnh thổ như Hawaii, Guam, American Samoa, quần đảo Marshall...

Với sự bùng nổ của Thế chiến II và xung đột với Nhật Bản, chiến lược "nhảy đảo" của Mỹ đã biến khu vực này thành một khối quân sự chiến lược rộng lớn, củng cố vị trí cường quốc toàn cầu. 

Tuy nhiên, cán cân quyền lực đang chuyển dịch. Sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách một cường quốc thế giới và hiện đại hóa hải quân, cộng với ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này ở nhiều vùng biển, đã cho phép Bắc Kinh tạo ảnh hưởng lớn hơn ở khu vực Thái Bình Dương.

Mục tiêu của Bắc Kinh không phải là tranh giành quyền bá chủ với Washington, mà là để đạt được mục tiêu an ninh.

Dù Mỹ gán cho Trung Quốc cái mác "mối đe dọa", nhưng thực tế Bắc Kinh đang bị "vây quanh" bởi hàng loạt căn cứ hải quân của Mỹ và các đồng minh. 

Là một phần của chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở", Washington đã tìm cách tăng cường sức mạnh hải quân của mình trong khu vực. 

Vậy Palau đang ở đâu trong bàn cờ chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc? Đảo quốc Thái Bình Dương này đã chọn đứng về phía Mỹ, khi là một trong những đảo quốc đồng minh của Đài Loan, trong khi không có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc. 

Nhiều đảo quốc ở Thái Bình Dương cũng giống như Palau, liên minh với Mỹ. Tuy nhiên, sức mạnh kinh tế Trung Quốc ngày càng phát triển và điều này khiến nhiều đảo quốc ở Thái Bình Dương thay đổi thái độ với Bắc Kinh. 

Trung Quốc ngày càng thành công trong việc khiến các quốc gia Thái Bình Dương thân Đài Loan "thay lòng đổi dạ" bằng các cam kết đầu tư mà Đài Bắc không thể sánh được. Năm 2019, Kiribati và quần đảo Solomon lên tiếng ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc". 

Mỹ và các đồng minh lo ngại Palau có thể làm điều tương tự trước sức hút từ Trung Quốc, nhất là khi đảo quốc này đang gặp khó khăn trong phát triển kinh tế. 

Tuy nhiên, Palau vẫn hợp tác với Đài Loan, theo Fowdy. Ngoài ra, đảo quốc này giờ đây còn hướng đến mục tiêu duy trì tầm quan trọng của mình bằng cách mời Mỹ lập căn cứ quân sự. Động thái này sẽ giúp Palau gia tăng ảnh hưởng và nhận được nhiều hỗ trợ ngoại giao. Không có lý do nào khiến Mỹ lại từ chối một lời đề nghị như vậy khi Washington đang tập trung cao vào việc quân sự hóa Khu vực Thái Bình Dương. 

Điều này không có nghĩa là Trung Quốc đứng ngoài cuộc. Các đảo khác như Tonga, Samoa hay Vanuatu đều nằm trong sáng kiến "Vành đai Con Đường" của Trung Quốc, và có những đồn đoán cho rằng Trung Quốc đang cân nhắc xây dựng căn cứ trong khu vực. 

Palau "ngoảnh mặt" với Trung Quốc không đồng nghĩa các đảo quốc khác trong khu vực cũng có khuynh hướng như vậy. Thậm chí, các đảo quốc khác còn hồ hởi khi hợp tác cùng Bắc Kinh chống lại sự "thống trị" hơn 7 thập kỷ của Mỹ và Úc tại khu vực. 

Theo Fowdy, về bản chất, trò chơi chính trị lớn xuyên Thái Bình Dương đang nóng dần lên. Cả Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục lôi kéo các đảo quốc Thái Bình Dương đứng về phía họ, nhằm thực hiện các chiến lược lớn trong tương lai. Palau nhận thấy đây là một cơ hội và các đảo quốc Thái Bình Dương khác cũng vậy. 

TQ vô tình ”tiếp sức” cho chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ?

Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đạt được...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - RT ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN