Đằng sau việc 58.000 người chết vì bị rắn cắn mỗi năm ở Ấn Độ
Himar Jatt, một nông dân Ấn Độ, đi chăn thả lạc đà trong khu rừng ngập mặn ở Bachau, một quận nhỏ thuộc bang Gujarat, Ấn Độ thì bất ngờ cảm thấy nhói đau ở chân trái.
Nhiều người ở Ấn Độ bị rắn cắn không chỉ một lần. Ảnh minh họa: India Times
Đây không phải lần đầu tiên người đàn ông 37 tuổi này bị rắn cắn: Jatt đã bị rắn cắn 3 lần trong 2 năm. Tuy nhiên, lần này, cơn đau dữ dội hơn trước. Bàn chân của anh bắt đầu tím tái.
Khi bàn chân bắt đầu ngả sang màu đen, Jatt biết rằng mình đã bị rắn độc cắn. Anh nhờ em trai đưa tới một ngôi đền, nơi một tu sĩ địa phương giúp chữa trị bằng một mảnh vải. Trong 2 tiếng, Jatt liên tục chà mảnh vải ướt vào chân và lẩm nhẩm cầu nguyện nhưng không hiệu quả.
Lúc trở về nhà, người đàn ông 37 tuổi đã bất tỉnh và máu trào khỏi miệng. Sáng hôm sau, em trai đưa Jatt tới bệnh viện cách nhà 3 giờ lái xe. Jatt phải nằm viện 10 ngày và được tiêm hàng chục liều kháng nọc độc trước khi phẫu thuật.
"Tôi đang đếm những ngày cuối cùng điều trị ở viện với cơn đau dữ dội ở chân tới mức tôi chỉ muốn hét lên. Tôi chưa từng trải qua điều gì như thế này trong đời", người đàn ông Ấn Độ chia sẻ với tờ DW (Đức).
Nọc độc rắn đã lan ra khắp cơ thể và khiến người Jatt bị liệt trong gần 2 tháng.
Hàng chục nghìn người bị rắn cắn chết mỗi năm
Sau khi bị rắn độc cắn, nhiều người dân Ấn Độ thường tìm tới thầy lang địa phương hoặc tu sĩ để chữa trị mà không tới bệnh viện. Ảnh minh họa: Indian Times
Baruah Bhil, hàng xóm của Jatt, cũng bị rắn độc cắn khi đi làm vào năm ngoái, nhưng không được cứu sống như Jatt. Baruah tử vong ngay ngày hôm sau.
Trước đó, Baruah đã tới gặp một thầy lang địa phương để được điều trị nhưng không được khuyên dùng bất cứ loại thuốc nào. Cái chết của người đàn ông này khiến người dân bất ngờ và có ác cảm với phương pháp điều trị của các thầy lang địa phương, Jatt nói với DW.
Theo một nghiên cứu vào năm 2020, trung bình Ấn Độ có khoảng 58.000 người chết mỗi năm do bị rắn cắn. Các chuyên gia cho rằng con số thực tế có thể lớn hơn rất nhiều vì không ít vụ không được ghi nhận.
Các bác sĩ và chuyên gia y tế công cộng đã đưa ra một số lý do dẫn đến số người chết lớn trong "cuộc khủng hoảng rắn cắn" này ở Ấn Độ, bao gồm việc thần thánh hóa loài rắn; không được đưa tới cơ sở y tế kịp thời; quá tin vào thầy lang địa phương; và một bộ phận lớn dân cư nông thôn sống gần các cánh đồng hoặc khu rừng.
Ấn Độ có hơn 300 loài rắn, trong đó có 62 loài được xác định là có độc. Những loài nguy hiểm nhất gồm rắn cạp nia Ấn Độ, rắn lục Russell và rắn hổ mang Ấn Độ.
Việc bị rắn độc cắn chưa được chú ý
Trong 15 năm qua, Dayal Majumdar, một chuyên gia hàng đầu Ấn Độ về điều trị rắn độc cắn, đã tới thăm những ngôi làng nhỏ ở khu vực Radha Nagar, thuộc bang Tây Bengal, Ấn Độ - nơi có nhiều người chết vì rắn cắn.
Trong những chuyến đi đó, ông Majumdar chứng kiến sự thiếu hụt nghiêm trọng các thuốc kháng nọc độc và các cơ sở điều trị rắn cắn. Vị chuyên gia này cho rằng đây chính là nguyên nhân chính khiến số người chết vì rắn cắn ở khu vực này tăng cao.
"Tại Ấn Độ, việc bị rắn cắn không nhận được sự quan tâm đúng mực vì nó thường xảy ra với nông dân ở các vùng thôn quê hẻo lánh", ông Majumdar nói.
Vị chuyên gia này còn cho rằng giải quyết "cuộc khủng hoảng chết chóc" này không phải việc dễ dàng và tin rằng sự can thiệp khẩn cấp của chính phủ Ấn Độ là cần thiết. Ông vận động người dân tại các ngôi làng ở Tây Bengal hãy tìm tới trung tâm y tế gần nhất nếu bị rắn cắn. Majumdar không khuyến khích mọi người chữa bệnh bằng đức tin hoặc tin theo các thầy lang địa phương.
Việc bị rắn độc cắn chưa được quan tâm ở Ấn Độ. Ảnh minh họa: India Times
"Những cái chết liên quan đến rắn cắn rất ít được báo cáo ở bang Tây Bengal. Điều này khiến các chuyên gia và bác sĩ gặp khó khăn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng rắn cắn này", ông Majumdar nói.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xem việc trúng độc do bị rắn cắn là một loại bệnh vào năm 2017. Tuy nhiên, tại Ấn Độ, việc bị rắn cắn chưa được xếp vào danh sách căn bệnh đáng chú ý, làm giảm mức độ nghiêm trọng của việc này.
Một số chuyên gia cho rằng người dân Ấn Độ thiếu nhận thức về cách điều trị phù hợp sau khi bị rắn cắn. Avinash Visvanathan, tổng thư ký Hiệp hội Friends of Snake (tạm dịch: Bạn của Rắn) - tổ chức phi lợi nhuận ở Ấn Độ hoạt động vì mục đích bảo tồn loài rắn - đã tổ chức nhiều chương trình nâng cao nhận thức trên toàn Ấn Độ để dạy người dân cách xử lý sau khi bị rắn độc cắn.
Visvanathan tin rằng việc bị rắn độc cắn là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng đang bị "thờ ơ" ở Ấn Độ.
"Điều đầu tiên chúng ta cần làm là xem việc bị rắn cắn là một căn bệnh đáng chú ý vì nó sẽ giúp hiểu được mức độ của cuộc khủng hoảng rắn cắn ở Ấn Độ. Việc này cũng giúp chính phủ chú trọng hơn về vấn đề này và can thiệp khẩn cấp", ông Visvanathan nói.
Tòa án Ấn Độ gần đây cảnh báo xu hướng sử dụng sinh vật máu lạnh kịch độc để làm công cụ giết người, tạo hiện trường giống như một vụ tai nạn.
Nguồn: [Link nguồn]