Đằng sau những trang phục lãnh đạo thế giới "diện" tại các kỳ APEC
Nếu trang phục APEC Singapore 2009 thể hiện sự đa văn hóa, đa sắc tộc lấy cảm hứng từ dạng kiến trúc Peranakan thì trang phục APEC Việt Nam 2006 lại đề cao tính chính trực và quân tử. Ngoài ra, có những trang phục còn được làm từ sợi của cây dứa hay được thiết kế để chống chọi với dạng thời tiết khắc nghiệt.
Đã thành thông lệ, cứ đến kỳ APEC, cả thế giới sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh của các vị lãnh đạo cấp cao trong các trang phục truyền thống của quốc gia đăng cai.
Những trang phục truyền thống này có thể là chiếc áo sơ mi lụa, bộ áo dài với khăn xếp tỉ mỉ hay chỉ đơn giản là một chiếc khăn len sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa và con người của đất nước chủ nhà tới bạn bè quốc tế.
Báo Công an nhân dân điểm lại một số trang phục truyền thống APEC trong những năm gần đây.
APEC PERU 2016
Năm 2016, nước chủ nhà Peru đăng cai APEC đã lựa chọn chiếc khăn len Vicuna truyền thống để lãnh đạo các nước thành viên tham dự khoác lên mình. Ảnh: Reuters
Chiếc khăn len này rất nổi tiếng vì được làm từ lông của loài lạc đà Vicuna đặc trưng của vùng Nam Mỹ, mang lại cảm giác mềm mịn và rất ấm áp. Ảnh: Reuters
APEC PHILIPPINES 2015
Đây là trang phục truyền thống của Philippines trong năm APEC 2015. "Các vị lãnh đạo sẽ cảm nhận được sự thoải mái và thân thiện bởi những chiếc sơ mi barong tagalog được dệt bằng lụa và sợi của cây dứa", nhà thiết kế Philippines Paul Cabral chia sẻ. Ảnh: Getty
Nhà thiết kế Paul Cabral cũng cho biết thêm, ông đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng các loại hoa văn để sáng tạo ra một chiếc sơ mi barong tagalog đặc biệt nhất dành cho các vị lãnh đạo thế giới tham dự APEC tại Philippines. Ảnh: apec2015.ph
APEC BẮC KINH 2014
Trang phục APEC 2014 được thiết kế từ một loại vải lụa đặc biệt nổi tiếng của Trung Quốc, với kỹ thuật thêu lụa Song Jin. Theo Beijing Review, kỹ thuật dệt lụa này đã được Liên Hợp quốc công nhận là một phần Di sản Văn hóa Phi vật thể của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã
Những chiếc áo lụa với phần cổ đặc trưng thời nhà Đường và màu sắc phù hợp như màu chàm hay màu đỏ thẫm thể hiện sự thống nhất và đồng thuận giữa các nước thành viên APEC. Ảnh: Tân Hoa Xã
APEC INDONESIA 2013
APEC 2013 tổ chức tại Indonesia đánh dấu sự trở lại của truyền thống mặc trang phục nước chủ nhà trong phiên chụp ảnh toàn thể, sau ba năm bị gián đoạn. Lần này, nước chủ nhà Indonesia đã lựa chọn trang phục truyền thống làm từ vải endek của người Bali, được dệt bằng tay và thường sử dụng trong các phong tục Ấn Độ giáo. Ảnh: Getty
Chính Đệ nhất phu nhân Indonesia Ani Yudhoyono lúc bấy giờ đã lựa chọn bốn màu là xanh dương, tím, xanh lá và đỏ cho bộ trang phục. Ảnh: Reuters
APEC SINGAPORE 2009
Lấy cảm hứng từ kiến trúc Peranakan của người Peranakan ở Singapore, trang phục truyền thống APEC 2009 được sáng tạo bởi nhà thiết kế Wykidd Song, với mong muốn phản ánh chân thực nhất bản sắc của một xã hội Singapore đa chủng tộc và đa văn hóa. Ảnh: Reuters
Chiếc áo sơ mi đặc trưng được nhấn bằng họa tiết hoa sen 21 cánh, tượng trưng cho 21 nền kinh tế APEC. Chất liệu sử dụng trong trang phục của các nam và nữ lãnh đạo là vải lanh và lụa, rất nhẹ và thoáng khí, phù hợp với khí hậu của đảo quốc sư tử. Ảnh: Tân Hoa Xã
APEC AUSTRALIA 2007
Các lãnh đạo thế giới trong bộ áo khoác Drizabone tại APEC 2007 ở Sydney, Australia. Ảnh: Getty
Bộ trang phục này được thiết kế đặc biệt để thích ứng với thời tiết khắc nghiệt tại một số khu vực của nước này. Ảnh: Getty
APEC VIỆT NAM 2006
Mẫu trang phục dành cho các nhà lãnh đạo tại APEC 2006 tổ chức ở Việt Nam là tác phẩm của sự kết hợp giữa nhà thiết kế Minh Hạnh và doanh nghiệp dệt lụa tơ tằm Toàn Thịnh. Ảnh: New China
Bộ áo dài khăn đóng thể hiện bản sắc Việt Nam, đề cao tính chính trực và quân tử - phản ánh qua trục dọc, ngang của chiếc áo và hình chữ "nhân" của vành khăn, cũng như triết lý "ngũ luân" thể hiện ở 5 nút cài. Ảnh: CNN
Về họa tiết, nhà thiết kế đã lựa chọn hoa sen - biểu tượng truyền thống của dân tộc, thể hiện sự thanh cao, tinh khiết, cũng như sức sống mạnh mẽ và ý chí bền bỉ vươn lên của đất nước và con người. Ảnh: CTV News