Đằng sau đại thảm họa vỡ đập ở Libya
Nhiều người cho rằng vụ vỡ đập ở Libya là một thảm họa tự nhiên, nhưng không ít ý kiến đã nhắc đến sự thất bại của con người trước đại thảm họa này.
Người dân mắc kẹt trên con đường bị tàn phá nặng nề do mưa bão ở thành phố Shahhat, Libya, ngày 11/9. Ảnh: Reuters
Al Jazeera ngày 14/9 đưa tin, quá trình trục vớt các thi thể dạt vào bờ biển Derna vẫn tiếp tục, trong khi số người chết ngày càng tăng.
Cùng ngày, tổ chức Red Crescent (Trăng lưỡi liềm đỏ) Libya cho biết, hơn 11.300 người được xác nhận đã thiệt mạng sau khi bão Daniel đổ bộ vào thành phố Derna, miền đông Libya, trong các ngày 10/9 và 11/9, dẫn đến vỡ 2 con đập và gây ra lũ lụt nghiêm trọng quét qua thành phố.
Thị trưởng thành phố Derna cho biết, số người chết trong thảm họa vỡ đập còn có thể lên tới 20.000 người vì nhiều người bị cuốn ra biển và chưa được tìm thấy.
Luồng nước quét qua thành phố Derna được mô tả giống như một trận sóng thần khổng lồ.
Nhiều người, trong đó có một số chính trị gia Libya, cho rằng những gì xảy ra hoàn toàn là kết quả của một thảm họa tự nhiên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng các yếu tố như tham nhũng, khả năng bảo dưỡng duy tu cơ sở hạ tầng công cộng kém và nhiều năm chia rẽ về chính trị khi tồn tại song song 2 chính phủ đối lập, đã khiến Libya không có sự chuẩn bị trước khi bão Daniel đổ bộ.
"Tình trạng hỗn loạn chung cũng đồng nghĩa với việc có nhiều tranh cãi về việc phân bổ vốn", Claudia Gazzini, nhà phân tích cấp cao về Libya của tổ chức International Crisis Group (Bỉ), cho biết. Theo bà Gazzini, trong 3 năm qua, không có ngân sách phát triển dành cho cơ sở hạ tầng xuống cấp và không có vốn phân bổ cho các dự án dài hạn.
"Và không chính phủ nào trong 2 chính phủ đủ khả năng và sự ủng hộ để thực hiện các kế hoạch lớn ở Libya, trong đó có phát triển cơ sở hạ tầng", bà Gazzini nói thêm.
Các lực lượng quân sự hỗ trợ 2 chính phủ ở Libya đã giao tranh nhiều lần kể từ năm 2014. Hai chính phủ cũng không tổ chức được cuộc bầu cử Tổng thống theo kế hoạch vào năm 2021.
Một ví dụ cụ thể về việc thiếu đầu tư cho cơ sở hạ tầng chính là việc 2 con đập ở gần thành phố Derna bị vỡ, gây ra hậu quả thảm khốc khiến hàng chục nghìn người thương vong.
Nói với Al Jazeera ngày 12/9, ông Ahmed Madroud, phó thị trưởng thành phố Derna, nói rằng các con đập đã không được bảo trì đúng cách kể từ năm 2002. Điều đó có nghĩa là cả 2 chính phủ đối lập, chính quyền trước đó của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi và các chính quyền sau khi ông Gaddafi bị lật đổ năm 2011, đều không đảm bảo duy trì cơ sở hạ tầng quan trọng.
Năm ngoái, một bài viết của các nhà nghiên cứu tại Đại học Omar Al-Mukhtar (Libya) cảnh báo rằng 2 con đập cần được quan tâm khẩn cấp, đồng thời chỉ ra rằng "có nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng" trong khu vực có 2 con đập. Nhưng không có bất cứ động thái nào của 2 chính phủ.
Vòng xoáy bạo lực
Cảnh tan hoang ở thành phố Derna, nơi từng được mệnh danh là thủ đô văn hóa của Libya. Ảnh: AP
Sự tàn phá do lũ lụt gây ra là thảm kịch gần nhất ở thành phố Derna, nơi có khoảng 90.000 - 125.000 dân. Derna từng được mệnh danh là thủ đô văn hóa của Libya, trước khi các nhóm cực đoan như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiếm giữ vào năm 2014.
4 năm sau, tướng nổi dậy Khalifa Haftar, được coi là người có quyền lực nhất ở miền đông Libya, đã kiểm soát thành phố Derna - nơi duy nhất ở miền đông không chấp nhận sự thống trị của tướng Haftar. Thành phố này bị bao vây và xé nát bởi các đợt oanh tạc dữ dội cũng như giao tranh ác liệt trên bộ giữa 2 phía.
Vòng xoáy bạo lực suốt nhiều năm qua đã để lại những "vết sẹo" lớn ở Derna khi chính quyền miền đông Libya không đầu tư vào bất kỳ chương trình tái thiết lớn nào ở đây.
Ông Hani Shennib, chủ tịch Hội đồng Quốc gia về quan hệ với Libya của Mỹ và là người thường xuyên tới Derna, cho biết: "Bệnh viện duy nhất còn hoạt động ở Derna là một biệt thự cho thuê có 5 phòng ngủ".
"Điều này không quá lạ lẫm. Nó đã diễn ra suốt 42 năm. Các quan chức chính phủ đều ghé qua Derna, đưa ra các tuyên bố ủng hộ thành phố nhưng sau đó thì hoàn toàn phớt lờ", ông Shennib nói thêm.
Vị chủ tịch Hội đồng Quốc gia về quan hệ với Libya của Mỹ còn cho biết: "Tình trạng xuống cấp ở 2 con đập gần Derna đã xảy ra từ rất lâu và được cảnh báo nhiều lần, trong đó có các cảnh báo từ năm 2011. Nhưng không quan chức nào chú ý".
Tham nhũng
Một đoạn đường bị sạt lở nghiêm trọng sau khi bão Daniel đổ bộ vào miền đông Libya. Ảnh: Reuters
Theo Al Jazeera, nhiều người đang đổ lỗi cho chính quyền địa phương, cáo buộc họ cẩu thả trong việc lập kế hoạch ứng phó với bão Daniel.
Ngày 9/9, một ngày trước khi bão Daniel đổ bộ, hội đồng thành phố Derna đăng một thông báo trên Facebook: Áp đặt lệnh giới nghiêm và yêu cầu người dân ở khu vực gần bờ biển sơ tán. Ngày 11/9, họ gọi tình hình ở thành phố là "thảm họa" và kêu gọi viện trợ quốc tế khẩn cấp.
Nói trên đài Al Arabiya ngày 13/9, thị trưởng thành phố Derna, ông Abdulmenam al-Ghaithi, bác bỏ các chỉ trích về hành động của chính quyền thành phố. Ông Abdulmenam nói rằng thành phố đã "thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa cần thiết" và đã thông báo cho người dân. Nhưng nhiều người không cho là như vậy.
"Giới chức thành phố Derna phải chịu trách nhiệm. Việc họ không hành động bất chấp mối đe dọa rõ ràng đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng", Anas El Gomati, người sáng lập và giám đốc Viện Sadeq (Libya), nói.
Nhưng vấn đề vượt ra ngoài phạm vi chính quyền địa phương, xuất phát từ tình trạng tham nhũng kéo dài nhiều năm và việc dỡ bỏ cơ sở hạ tầng công cộng, ông El Gomati nói.
"Việc bỏ bê bảo trì cơ sở hạ tầng quan trọng của Libya dẫn đến việc vỡ đập, khiến thành phố bị nhấn chìm", ông El Gomati nói thêm. "Tham nhũng và quản lý tài chính yếu kém là nguyên nhân đằng sau tình trạng cơ sở hạ tầng yếu kém, gây khó khăn cho Libya trong nhiều thập kỷ. Các chính quyền đều có trách nhiệm trong việc này. Chính cơ quan đầu tư quân sự đã chiếm đoạt cơ sở hạ tầng công cộng ở miền đông Libya, phá hủy để lấy kim loại bán phế liệu".
Sau sự cố vỡ 2 con đập, các chuyên gia ước tính, thành phố Derna, miền đông Libya, phải hứng chịu lượng nước khổng lồ tương đương 12.000 lần lượng nước của một bể bơi...
Nguồn: [Link nguồn]