Đằng sau cuộc đảo chính rúng động ở Niger
Trước cuộc binh biến cuối tháng 7/2023, đã có 4 lần đảo chính xảy ra ở Niger kể từ khi nước này giành độc lập.Theo chuyên gia, ở những lần đó, lãnh đạo phe đảo chính có cớ để biện minh cho động thái của họ dựa trên hoàn cảnh thực tế. Tuy nhiên, điều này dường như không đúng với cuộc đảo chính mới.
Tổng thống Niger Mohamed Bazoum. Ảnh: AP
Niger có một lịch sử chính trị đầy biến động với 5 lần đảo chính quân sự kể từ khi giành độc lập. Cuộc binh biến mới nhất vào cuối tháng 7 ở quốc gia Tây Phi này có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn trong khu vực, giảm tầm ảnh hưởng của các nước phương Tây đồng thời tăng sự hiện diện của Nga. Mời độc giả cùng tìm hiểu về sự kiện và những vấn đề xoay quanh trong loạt bài lần này. |
Ngày 26/7, Tổng thống Niger Mohamed Bazoum bị bắt trong một cuộc đảo chính của quân đội quốc gia Tây Phi do tướng Abdourahmane Tchiani lãnh đạo.
Quân đội Niger viện lý do lo ngại về tình hình an ninh tiếp tục xấu đi cũng như việc quản lý kinh tế và xã hội yếu kém của chính quyền ông Bazoum. Tướng Tchiani sau đó giải tán chính phủ và tự tuyên bố là tân Tổng thống Niger vào ngày 28/7.
Trong 4 lần đảo chính trước, lãnh đạo chính quyền dân sự có người phải ngồi tù, bị quản thúc tại gia hay thậm chí là bị sát hại.
Lịch sử đầy biến động
Tháng 4/1974, Đại tá Seyni Kountche, Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Niger, lãnh đạo một cuộc đảo chính, chấm dứt 14 năm nắm quyền của Tổng thống Niger Hamani Diori, đình chỉ hiến pháp và giải tán quốc hội.
Ông Kountche sau đó thành lập Hội đồng Quân sự Tối cao, gồm 12 thành viên, kiểm soát các công việc của chính phủ.
Vị Đại tá, đứng đầu quân đội 2.500 người khi đó, cáo buộc ông Diori và chính phủ dân sự Niger không giải quyết được "tình hình thảm khốc" do 6 năm hạn hán và nạn đói gây ra. Ông Kountche còn cho rằng ông Diori không giải quyết được tình trạng tham nhũng kéo dài nhiều năm.
Theo Britannica, ông Diori bị chính quyền quân sự bỏ tù từ năm 1974 đến năm 1980. Sau đó, cựu Tổng thống Niger bị quản thúc tại gia đến năm 1987.
Hơn 20 năm sau cuộc binh biến đầu tiên, người dân Niger tiếp tục chứng kiến một cuộc đảo chính khác vào năm 1996. Quân đội Niger năm đó đã lật đổ chính quyền dân sự của Tổng thống Mahamane Ousmane vào tháng 1, tuyên bố rằng bế tắc chính trị ở Niger đe dọa tới cải cách kinh tế. Ông Ousmane, Tổng thống đầu tiên của Niger được bầu theo hình thức bỏ phiếu, bị giam lỏng tại dinh Tổng thống.
Đại tá Ibrahim Bare Mainassara. Ảnh: DR
Đại tá Ibrahim Bare Mainassara, Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Niger, trở thành lãnh đạo mới của quốc gia Tây Phi. Ông Mainassara tuyên bố, cuộc đảo chính là một khởi đầu mới thay vì một sự chấm dứt nền dân chủ.
Tuy nhiên, 3 năm sau, vì không giữ đúng cam kết, Mainassara trở thành nạn nhân của một cuộc đảo chính quân sự. Thậm chí, kết cục của nhà lãnh đạo này còn thê thảm hơn người tiền nhiệm.
Tháng 4/1999, ông Mainassara bị sát hại trong một cuộc phục kích tại sân bay Niamey. Các binh lính bất mãn là những người đứng sau vụ việc. Đây được xem là động thái mở đường cho cuộc đảo chính lần thứ 3 trong lịch sử chính trị đầy biến động ở Niger.
Daouda Malam Wanke, chỉ huy lực lượng bảo vệ Tổng thống, lên nắm quyền và tuyên bố rằng Niger sẽ bầu cử tổng thống cũng như trở lại với chế độ dân sự vào năm 2000.
Mamadou Tandja, một chính trị gia Niger, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, đánh bại cựu Thủ tướng Mahamadou Issoufou. Các nhà quan sát quốc tế mô tả cuộc bầu cử diễn ra hậu đảo chính năm 1999 là tự do và công bằng.
Nhưng biến động chính trị ở Niger chưa dừng ở đó. Một thập kỷ sau, quốc gia Tây Phi chứng kiến cuộc đảo chính lần 4. Một nhóm sĩ quan quân đội tự xưng là Hội đồng Phục hồi Dân chủ Tối cao, do tướng Salou Djibo dẫn đầu, đã bắt giữ Tổng thống Tandja và các bộ trưởng của chính quyền dân sự sau một cuộc đấu súng.
Hiến pháp bị đình chỉ và mọi cơ quan nhà nước bị giải tán. Chính quyền quân sự cam kết biến Niger thành "một tấm gương về dân chủ và quản trị tốt" sau khi cáo buộc ông Tandja sửa hiến pháp.
Căng thẳng chính trị gia tăng ở Niger kể từ khi ông Tandja giải tán quốc hội năm 2009 và kéo dài nhiệm kỳ của mình sau một cuộc trưng cầu dân ý về nhiệm kỳ thứ 2.
Cuộc bầu cử tổng thống mới được tổ chức vào đầu năm 2011. Chính trị gia Mahamadou Issoufou là người giành chiến thắng.
Lịch sử năm 1999 lặp lại trong năm 2023 khi vào ngày 26/7, các thành viên lực lượng bảo vệ tổng thống, do tướng Omar Tchiani dẫn đầu, đã bắt giữ và giam lỏng Tổng thống Mohamed Bazoum, làm dấy lên mối lo ngại về bất ổn trong khu vực và quốc tế.
Quân đội Niger tuyên bố mọi cơ quan nhà nước đều dừng hoạt động, biên giới trên bộ và trên không bị đóng tạm thời. Lệnh giới nghiêm cũng được áp dụng ở một số nơi. Ngày 28/7, tướng Tchiani tự xưng là tân Tổng thống Niger.
Bộ trưởng Ngoại giao Niger Hassoumi Massoudou kêu gọi các binh sĩ trả tự do cho ông Bazoum và hứa giải quyết các yêu cầu của họ thông qua đối thoại nhưng không được chấp nhận.
Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS), Mỹ, Pháp và Liên Hợp Quốc lên án cuộc đảo chính, gọi đó là hành vi "vi hiến". ECOWAS ngày 30/7 đưa ra "tối hậu thư" yêu cầu phe đảo chính phải khôi phục chức vụ cho ông Bazoum trong 1 tuần, nếu không mọi biện pháp (có cả can thiệp quân sự) sẽ được tính đến.
Sau hạn chót 1 tuần, chính quyền quân sự phớt lờ "tối hậu thư" của ECOWAS. Mọi sự chú ý đều đổ dồn vào các động thái tiếp theo của ECOWAS và chính quyền quân sự Niger.
3 nguyên nhân sâu xa
Tướng Abdourahmane Tiani, lãnh đạo chính quyền quân sự, phát biểu trước những người ủng hộ đảo chính ở thủ đô Niamey ngày 6/8. Ảnh: Getty Images
Theo The Conversation, cuộc đảo chính ngày 26/7 sẽ có tác động đáng kể đến hòa bình, ổn định ở Niger và toàn bộ vùng Sahel, một khu vực nằm giữa sa mạc Sahara và vùng Sudan ở châu Phi.
Dù Niger gần đây trải qua chế độ dân chủ dài nhất kể từ khi giành độc lập, nguy cơ đảo chính vẫn luôn rình rập ở nước này. Khi ông Bazoum được bầu làm Tổng thống năm 2021, đã có một âm mưu đảo chính dự kiến diễn ra 2 ngày trước lễ nhậm chức của ông. Các vệ sĩ của ông Bazoum đã ngăn chặn được âm mưu này.
Là một nhà khoa học chính trị có chuyên môn về an ninh quốc tế, phân tích xung đột ở châu Phi, bao gồm cả kiến thức về Niger, ông Olayinka Ajala - giảng viên chính trị và quan hệ quốc tế, thuộc Đại học Leeds Beckett (Anh) - cho rằng, cuộc đảo chính cuối tháng 7 cho thấy những rạn nứt sâu sắc trong nước. Nó chỉ ra rằng quân đội Niger không hoàn toàn chấp nhận nền dân chủ.
Phe đảo chính đã đổ lỗi cho tình trạng mất an ninh gia tăng và thiếu tăng trưởng kinh tế. Bất chấp sự gia tăng của các lực lượng nước ngoài, đặc biệt là từ Mỹ và Pháp, và các căn cứ quân sự ở Niger, chính quyền dân sự của ông Bazoum không ngăn được các cuộc tấn công của quân nổi dậy. Có một số nhóm nổi dậy như các "chân rết" của al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay Boko Haram hoạt động ở Niger.
Những cuộc tấn công của các nhóm nổi dậy kể trên khiến hàng nghìn người chết và phải di dời ở Niger trong thập kỷ qua. Hàng trăm thanh niên đã tụ tập ở thủ đô Niamey để ăn mừng cuộc đảo chính tháng 7, họ hô vang "Wagner". Theo nhà khoa học chính trị Ajala, điều này cho thấy nhiều người ở Niger tin rằng quân đội kết hợp với tập đoàn lính đánh thuê Wagner sẽ đối phó quân nổi dậy tốt hơn chính quyền dân sự.
Ngoài tình trạng mất an ninh và kinh tế trì trệ, ông Ajala cho rằng có 3 vấn đề khác dẫn đến cuộc đảo chính vào tháng 7, gồm vấn đề sắc tộc, sự hiện diện của lực lượng nước ngoài và sự yếu kém của các cơ quan khu vực.
Thứ nhất, cuộc tranh luận về sắc tộc và tính hợp pháp của Tổng thống Bazoum là một vấn đề nổi bật trong chiến dịch bầu cử gần nhất. Ông Bazoum là người có gốc Ả Rập (nhóm thiểu số ở Niger) và luôn bị xem là người có nguồn gốc nước ngoài.
Điều đó khiến vị Tổng thống không được lòng giới quân sự Niger, vốn chủ yếu gồm các nhóm sắc tộc đa số, dù cho ông nhận được 56% phiếu bầu và cùng đảng với cựu Tổng thống Mahamadou Issoufou.
Thứ hai, sự hiện diện của nhiều lực lượng quân đội và các căn cứ nước ngoài ở Niger không được quân đội đón nhận. Họ cho rằng điều đó khiến quân đội Niger suy yếu.
Niger là một đồng minh quan trọng của các nước phương Tây trong công cuộc đối phó lực lượng nổi dậy trong khu vực. Các khoản đầu tư khổng lồ của Pháp vào lĩnh vực khai thác mỏ của Niger là lý do khác khiến quốc gia Tây Phi phải chú ý đến an ninh.
Năm 2019, Mỹ mở một căn cứ máy bay không người lái ở Niger dù bị nhiều người phản đối. Lý do phản đối là vì căn cứ máy bay không người lái có thể khiến Niger trở thành mục tiêu của các phần tử khủng bố, làm gia tăng tình trạng bất ổn ở nước này.
Năm 2022, Pháp và các đồng minh châu Âu khác đã rút quân khỏi Mali, nước láng giềng của Niger. Tổng thống Niger khi đó đã mời Pháp đưa quân đồn trú tại nước này. Giới lãnh đạo quân đội và một số cá nhân có ảnh hưởng ở Niger không hài lòng về việc này và tố cáo sự gia tăng lực lượng nước ngoài ở quốc gia Tây Phi.
Đầu tháng 8/2023, tướng Abdourahamane Tiani, thủ lĩnh phe đảo chính ở Niger, tuyên bố quốc gia Tây Phi này đơn phương "chấm dứt ngay lập tức" mọi thỏa thuận hợp tác quân sự với Pháp, bao gồm thỏa thuận cho phép 1.500 binh sĩ Pháp đóng quân ở Niger. Điều này càng cho thấy, quân đội không "chào đón" sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở Niger.
Thứ ba, nhà khoa học chính trị Ajala cho rằng, việc các tổ chức khu vực như ECOWAS hay Liên minh châu Phi (AU) không thể đưa ra lập trường vững vàng phản đối việc quân đội đảo chính ở Guinea, Burkina Faso hay Mali đã tạo thêm động lực cho quân đội Niger đảo chính.
Trong 4 năm qua, có 7 cuộc đảo chính trong khu vực. Ba trong số đó đã thành công. Lãnh đạo khối ECOWAS và AU đã đe dọa trừng phạt 3 quốc gia này nhưng không có gì quyết liệt hơn để răn đe hoặc ngăn chặn sự việc tương tự có thể xảy đến với các nước khác trong khu vực.
Trong một hội nghị bàn tròn về tác động của việc can thiệp quân sự vào Tây Phi, một lãnh đạo tới từ khu vực này tuyên bố vẫn giữ các cách thức liên lạc cởi mở với những người đứng đầu chính quyền quân sự ở 3 nước như một phép lịch sự. Theo ông Ajala, điều này tạo ấn tượng rằng không có sự ngăn cản nào với việc quân đội tiếp quản quyền lực.
Sự khác biệt
Người ủng hộ chính quyền quân sự tập trung tại thủ đô Niamey, Niger, ngày 3/8. Ảnh: AP
"Đảo chính năm 2023 khác gì so với các cuộc chính biến trước đó?". Leonardo A. Villalón, giáo sư Khoa học Chính trị và Nghiên cứu châu Phi, tại Đại học Florida (Mỹ), xem vấn đề mà câu hỏi trên gợi ra là rất thú vị.
Niger thường được mô tả là nơi dễ xảy ra đảo chính. Lịch sử 5 lần đảo chính kể từ khi nước này giành độc lập đã chứng minh nhận định đó. Nhưng ở 4 lần trước, hoàn cảnh thực tế cho phép các lãnh đạo phe đảo chính biện minh cho hành động của họ là cần thiết, hoặc ít nhất là chính đáng. Điều đó dường như không đúng với cuộc đảo chính cuối tháng 7, giáo sư Villalón bình luận.
Cuộc đảo chính đầu tiên ở Niger (1974) diễn ra trong bối cảnh hạn hán và nạn đói kéo dài trên khắp vùng Sahel, trong đó có Niger. Bối cảnh đó gây ra mức độ thất vọng và tuyệt vọng về những thiếu sót của chính quyền dân sự, đồng thời giúp quân đội có lý do để đảo chính với trọng tâm mới là tập trung vào sự phát triển.
Các cuộc đảo chính tiếp theo vào các năm 1996, 1999 và 2010, đều được châm ngòi bởi các cuộc khủng hoảng chính trị cụ thể. Năm 1996, chế độ dân chủ mới thành lập từ năm 1993 nhận thấy bị bế tắc bởi các thể chế khiến ngành hành pháp và lập pháp khó có thể phối hợp cùng nhau. Quân đội Niger khi đó biện minh rằng cuộc đảo chính là một bước cần thiết để giải tỏa bế tắc này.
Ba năm sau, những người đảo chính năm 1996 đã không giữ đúng lời hứa và bị lật đổ. Tổng thống Ibrahim Bare Mainassara bị sát hại.
Như lời cam kết của giới lãnh đạo đảo chính năm 1999, một năm sau, Niger đã thông qua hiến pháp và bầu ra chính phủ dân sự mới. Tuy nhiên, sau 10 năm cầm quyền (2 nhiệm kỳ), Tổng thống Mamadou Tandja cố kéo dài nhiệm kỳ vượt giới hạn cho phép trong hiến pháp, gây ra cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài. Cuối cùng, quân đội lại vào cuộc. Năm 2010, binh lính tấn công dinh Tổng thống và bắt giữ ông Tandja sau một cuộc đấu súng đẫm máu. Quân đội biện minh cho cuộc đảo chính này là bước cần thiết để chấm dứt khủng hoảng và ngăn sự xói mòn của nền dân chủ.
Theo giáo sư Villalón, 4 cuộc đảo chính ở Niger có thể được xem như những nỗ lực nhằm "khởi động lại" tiến trình tiến tới dân chủ ở Niger. Nhưng điều này dường như không đúng với cuộc đảo chính mới nhất ở Niger.
Tổng thống Bazoum nắm quyền được 2 năm. Dù gây tranh cãi, chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử năm 2021 vẫn được chấp nhận rộng rãi.
Ông Bazoum lên nắm quyền với lời hứa cải thiện an ninh quốc gia, đầu tư vào giáo dục và chống tham nhũng. Giáo sư Villalón cho rằng, Niger dưới thời ông Bazoum đã đạt được một số tiến bộ theo các cam kết đó. Đồng thời, không có bế tắc chính trị hay bất kỳ cuộc khủng hoảng quy mô lớn nào đủ để làm lý do biện minh cho cuộc đảo chính.
--------------------------
Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum là một trong số ít các lãnh đạo thân phương Tây ở khu vực Tây Phi. Khi chính quyền dân sự của ông Bazoum bị lật đổ, điều đó không khác nào một đòn giáng mạnh vào phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Pháp. Hai cường quốc hàng đầu thế giới bị ảnh hưởng như thế nào từ binh biến ở Niger. Mời quý độc giả đón đọc ở bài kỳ tới, đăng 11 giờ ngày 12/8.
Nguồn: [Link nguồn]
Vài ngày sau khi Tổng thống Niger bị phế truất trong một cuộc đảo chính quân sự, hàng nghìn người biểu tình ủng hộ đảo chính đã tập trung tại Đại sứ quán Pháp ở thủ...