Đảng Dân chủ vạch chiến lược 4 mặt trận kiềm chế ông Trump

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Đảng Dân chủ đang tính toán chiến lược 4 mặt trận trong đó có một “con bài mặc cả” nhằm kiềm chế chương trình nghị sự của chính quyền Tổng thống Trump.

Thời gian qua, đặc biệt sau khi Tổng thống Donald Trump và nội các mới nhậm chức, đảng Dân chủ có vẻ yên ắng. Song nếu quan sát kỹ thì đảng này đang tính toán chiến lược để kiềm chế chương trình nghị sự của chính phủ Tổng thống Trump mà bên Dân chủ cho là có nhiều nội dung gây lo ngại.

Nổi bật trong chiến lược của đảng Dân chủ, hiện các nhà lập pháp đảng này đang cảnh báo về kịch bản đóng cửa chính phủ vào tháng 3 tới để kìm hãm nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump trong việc cải tổ chính phủ liên bang bằng cách đóng băng chi tiêu và giải thể các cơ quan, theo tờ The Hill.

Con bài mặc cả

Ngày càng nhiều nhà lập pháp đảng Dân chủ cho rằng thời hạn 14-3 để tài trợ cho chính phủ và ngăn chính phủ đóng cửa sẽ mang đến cho đảng này đòn bẩy tốt nhất để gây sức ép buộc Tổng thống Trump hủy bỏ kế hoạch giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và các cơ quan khác.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và ông Chuck Schumer - khi đó là Lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện vào năm 2018. Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và ông Chuck Schumer - khi đó là Lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện vào năm 2018. Ảnh: GETTY IMAGES

Đảng Dân chủ cho biết theo truyền thống họ cố gắng làm mọi cách để tránh việc đóng cửa chính phủ nhưng hiện đảng này cảnh báo rằng việc này có thể là điều không thể tránh khỏi nếu ông Trump không kiềm chế tỉ phú Elon Musk và Bộ Hiệu suất Chính phủ (DOGE).

Đơn cử, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Andy Kim cho biết ông cùng với những đồng nghiệp trong đảng Dân chủ sẵn sàng đóng cửa chính phủ liên bang vì những hành động gần đây của Tổng thống Trump. “Tôi không thể ủng hộ những nỗ lực sẽ tiếp tục tình trạng vô luật pháp mà chúng ta đang chứng kiến ​​khi nói đến các hành động của chính quyền này. Việc chúng ta có thể hỗ trợ tài chính cho chính phủ theo cách đó chỉ khiến họ đảo ngược tình thế, phá hủy chính phủ. Đó không phải là điều nên được phép” - ông Kim nói trên chương trình “Meet the Press” của đài NBC hôm 9-2.

Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez cho biết đảng Dân chủ tại Hạ viện sẵn sàng sử dụng đòn bẩy của họ đối với dự luật chi tiêu để đạt hiệu quả tối đa. "Nếu đảng Dân chủ tại Thượng viện không có can đảm để làm những gì cần thiết vào thời điểm này, tôi tin rằng đảng Dân chủ tại Hạ viện sẽ làm" - bà Ocasio-Cortez nói với đài CNN.

Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ đang chịu áp lực rất lớn từ các thành viên trong đảng, các nhà tài trợ và cử tri của họ nhằm tăng cường phản đối chương trình nghị sự của Tổng thống Trump. Theo The Hill, Lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries và Lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer đã thảo luận về cách tốt nhất để sử dụng thời hạn chính phủ đóng cửa trong việc đối phó ông Trump.

Trong một lá thư gửi các đồng nghiệp vào đầu tuần này, ông Schumer nhấn mạnh rằng đảng Dân chủ không muốn đóng cửa chính phủ nhưng kịch bản này có thể xảy ra nếu đảng Cộng hòa không nhượng bộ để giành được sự ủng hộ của đảng Dân chủ.

“Dự luật tại Thượng viện yêu cầu 60 phiếu bầu và các đảng viên Dân chủ tại Thượng viện sẽ sử dụng phiếu bầu của chúng ta để giúp ổn định con tàu cho người dân Mỹ trong thời kỳ hỗn loạn này. Những người Cộng hòa có trách nhiệm và nghĩa vụ phải nghiêm túc và làm việc theo cách lưỡng đảng để tránh đóng cửa” - ông Schumer cho hay.

Lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện lập luận rằng nếu quốc hội không đạt được dự luật tài trợ cho chính phủ trước thời hạn ngày 14-3, thì lỗi sẽ thuộc về ông Trump và đảng Cộng hòa.

Ông Schumer cũng đã đưa ra chiến lược 4 mặt trận nhằm ứng phó Tổng thống Trump. Ngoài việc sử dụng thời hạn chính phủ đóng cửa làm đòn bẩy để áp dụng các biện pháp kiềm chế đối với chính quyền mới về mặt lập pháp, ông Schumer cho biết đảng Dân chủ sẽ phản công thông qua giám sát lập pháp, pháp lý, và truyền thông.

Trong khi đó, ông Jeffries cuối tuần rồi cũng đã bắt đầu cuộc thảo luận về việc sử dụng dự luật tài trợ chính phủ làm đòn bẩy đối với Tổng thống Trump, nói rằng những nỗ lực của chính quyền Trump nhằm đóng băng tài trợ và sa thải các nhân viên liên bang “cần phải được chấm dứt trong dự luật tài trợ chính phủ sắp tới".

Trước đó, ông Jeffries hôm 6-2 đệ trình dự luật được thiết kế để ngăn chặn tỉ phú Elon Musk tiếp cận các hệ thống thanh toán nhạy cảm của Bộ Tài chính. Mới đây, một nhóm gồm 16 nghị sĩ đảng Dân chủ hôm 11-2 đã đệ trình một dự luật nhằm ngăn chặn chính quyền Trump giải thể USAID.

Các đảng viên Dân chủ tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ đang xem xét một cách nghiêm túc thời hạn đóng cửa chính phủ như một đòn bẩy quan trọng để nhằm làm chậm lại hoặc ngăn chặn việc Tổng thống Trump và tỉ phú Elon Musk đóng băng các khoản thanh toán liên bang, sa thải các nhân viên liên bang và kế hoạch cắt giảm chi tiêu của chính phủ lên tới hàng nghìn tỉ USD.

Vẫn chưa thống nhất

Kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức vào ngày 20-1, đảng Dân chủ nói chung đã không thống nhất trong việc đưa ra phương án đối phó ông và công việc của các đồng minh thân cận của tổng thống.

Lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries (phía sau) và Lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer. Ảnh: POLITICO

Lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries (phía sau) và Lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer. Ảnh: POLITICO

Một số thành viên của đảng Dân chủ đã bày tỏ sự thất vọng với phản ứng của đảng này đối với hành động của Tổng thống Trump trong những tuần đầu nhậm chức. Tuần rồi, Hạ nghị sĩ Jared Golden cho rằng phản ứng của đảng Dân chủ cho đến nay không tỏ ra hiệu quả và ông thấy thất vọng về điều đó. Ông Golden cho biết ông không muốn phản ứng ngay lập tức với những phát biểu của ông Trump hàng ngày, mà chủ yếu là đánh giá tác động từ các hành động của tổng thống và sau đó “đưa ra ý kiến về việc liệu tôi có nghĩ rằng ông ấy đã làm hiệu quả hay làm suy yếu lợi ích của Mỹ hay không".

Về "con bài mặc cả” đóng cửa chính phủ, đảng Dân chủ cũng đang chia rẽ về việc nên thúc đẩy mối đe dọa này đến mức nào, vì lo ngại đảng Dân chủ có thể bị đổ lỗi cho việc cắt giảm ngân sách khiến hàng trăm nghìn nhân viên liên bang phải nghỉ việc và làm gián đoạn các dịch vụ của chính phủ trên khắp cả nước.

Một số đảng viên Dân chủ cảnh báo rằng nỗ lực đóng cửa USAID không đáng để xảy ra một cuộc chiến căng thẳng có thể dẫn đến việc chính phủ đóng cửa rộng rãi, vì điều này có thể giúp DOGE dễ dàng loại bỏ các công việc liên bang trong khi người lao động bị tạm nghỉ việc.

Bên cạnh đó, chiến lược gia Dân chủ David Axelrod đã cảnh báo rằng ông Trump sẽ rất vui lòng có một cuộc chiến với các đảng viên Dân chủ về việc cắt giảm viện trợ nước ngoài, vì có tới 56% người Mỹ đồng ý với ông về việc làm này, theo khảo sát của Reuters/Ipsos.

Một số đảng viên Dân chủ hàng đầu lo ngại rằng ngay cả khi họ giành được các nhượng bộ về chính sách, ông Trump sẽ chỉ phớt lờ luật pháp. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mark Warner đặt câu hỏi liệu ông Trump có giữ lời hứa đối với các nhượng bộ mà ông có thể đồng ý về USAID hoặc các nhân viên liên bang bị sa thải trong một thỏa thuận về dự luật tài trợ vào tháng tới hay không.

Một số người cho rằng cơn thịnh nộ của đảng Dân chủ nên hướng vào Tổng thống Trump và công việc của ông, chứ không phải vào tỉ phú Elon Musk và DOGE.

3 thách thức với đảng Dân chủ trong "cuộc chiến" đóng cửa chính phủ

Theo tờ Politico, đảng Dân chủ sẽ phải đối mặt với những phức tạp chính trị thực sự khi tham gia "cuộc chiến" đóng cửa chính phủ.

Thứ nhất, đảng Dân chủ sẽ phải áp dụng một chiến thuật mà họ đã tránh xa từ lâu: bắt chính phủ làm con tin cho đến khi họ đạt được điều họ muốn. Đảng Dân chủ chưa bao giờ thoải mái với việc chính phủ đóng cửa và có rất ít lý do để nghĩ rằng các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ sẽ cảm thấy tự tin khi làm như vậy vào lúc này.

Thứ hai, còn có thông điệp khó khăn về việc giải thích cho người Mỹ rằng việc đóng cửa chính phủ để cứu chính phủ. Lập luận này có thể hợp lý ở thủ đô Washington, D.C, nhưng khá khó hiểu đối với mọi người Mỹ ở những nơi khác. Đảng Dân chủ cũng biết rằng trong cuộc chiến này, những ai truyền tải thông điệp tốt hơn sẽ giành chiến thắng.

Cuối cùng, một thực tế chính trị tại Washington, D. C là Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa đang chiếm ưu thế chính trị vào lúc này.

Nhiều nhân vật cấp cao trong đảng Dân chủ cho rằng cơn thịnh nộ của đảng Dân chủ nên hướng vào Tổng thống Trump thay vì tỉ phú Elon Musk.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨNH KHANG ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN