Dân TQ và phương Tây lên cơn sốt đá ngọc bích
Loại đá quý được ưa chuộng ở Trung Quốc đang gây ra cơn sốt với giới đại gia lắm tiền nhiều của phương Tây, với những sản phẩm có giá lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Nhiều diễn viên nổi tiếng bắt đầu tìm đến đá ngọc bích như một loại trang sức đắt đỏ.
Tháng 10 tới đây, một chiếc vòng ngọc bích xanh lục sẽ được bán ở nhà đấu giá danh tiếng Sotheyby với giá từ 6,5 tới 9 triệu USD (khoảng 20 tỉ đồng).
Ngọc bích là một loại đá quý được ưa chuộng ở Trung Quốc với giá trị văn hóa có từ cách đây hàng ngàn năm. Giá trị của nó được củng cố từ đời nhà Thanh khi vua chúa thường ban thưởng cho những vị quan liêm khiết.
Chiếc vòng ngọc bích có hai màu trắng xanh đẹp mắt.
Khi sự giàu có ở Trung Quốc gia tăng, nhu cầu ngọc bích tăng đột biến. Các mỏ cung cấp ở Myanmar sụt giảm số lượng khai thác cũng khiến giá của loại đá quý này bị đẩy lên chóng mặt. Ngoài những người Trung Quốc ưa chuộng ngọc bích từ lâu, gần đây một nhóm các quốc gia phương Tây cũng chú ý tới kiệt tác thiên nhiên này.
Chế tác ngọc bích từ đá nguyên khối.
“Khi Trung Quốc mở cửa thị trường trong vài thập kỷ qua, một làn sóng các nhà sưu tập đã đổ xô vào thị trường đông dân nhất hành tinh này. Trong 10 năm qua, việc buôn bán, trao đổi ngọc bích nói riêng và ngọc đổi màu nói chung đã tăng lên nhanh chóng”, Chin Yeow Quek, giám đốc phòng đá quý quốc tế của Sotheby ở châu Á, nói.
Giá ngọc bích tăng lên là điều không thể phủ nhận. Ngoài những chiếc vòng trị giá vài triệu USD, trang sức ngọc bích với màu sắc, chất lượng hoàn mỹ đã thu hút rất lớn tiền của đổ vào thị trường này.
Việc chế tác giúp gia tăng hoặc giảm bớt giá trị viên ngọc.
Một trong những sản phẩm trang sức đắt đỏ nhất chế tác từ ngọc bích là vòng cổ gắn kèm đá hồng ngọc và kim cương của Cartier. Chiếc vòng này thuộc sở hữu của Barbara Hutton được bán ở nhà đấu giá Sotheby Hong Kong tháng 4.2014 với giá 27,44 triệu USD (khoảng 610 tỉ đồng).
“Đây là một mức giá không tưởng”, Chiang Shiu-Fung, phó giám đốc và chuyên gia đá quý ở nhà đấu giá Christie châu Á, nói. Chiang trích lại một câu tục ngữ xưa ở Trung Quốc: “Vàng có giá, ngọc bích vô giá”.
Công nhân lành nghề đang mài ngọc.
Tuy nhiên, không phải mọi loại ngọc bích đều có giá giống nhau và việc phân biệt thật giả cũng không hề đơn giản. Đá ngọc bích chất lượng cao nhất, thuần khiết nhất có nhiều màu khác nhau, từ xanh nhạt pha đỏ tới tím, trắng, đen. Những viên đá quý giá nhất được chế tác thành trang sức.
Những loại đá ngọc bích chất lượng kém hơn sẽ mềm hơn, màu sắc phân bố không đều và phổ màu lớn hơn. Loại này sẽ dùng làm tượng hoặc đồ chạm trổ. Ngoài ra còn có ngọc bích chất lượng thấp làm từ đá công nghiệp đổ thêm màu hoặc polymer để tăng hiệu ứng hình ảnh.
Ngọc bích rất được ưa chuộng ở Trung Quốc.
Dù hầu hết các chuyên gia đá quý có thể thẩm định sự khác biệt giữa các sản phẩm nhưng tỉ lệ chính xác chỉ lên tới 80 hoặc 90%. “Nếu bạn muốn chính xác tuyệt đối, mẫu đá phải gửi tới phòng thí nghiệm”, Chiang nói.
Nếu một sản phẩm là ngọc bích nguyên bản thì sự chế tác, xử lý đá cũng giúp tăng hay giảm giá trị của nó. Chiang nói rằng “những viên đá tự nhiên, chưa được xử lý” được xếp hạng “đá loại A”.
Độ trong suốt là một tiêu chí đánh giá chất lượng ngọc bích.
“Trong thị trường đồ trang sức, dù loại đá là gì thì sản phẩm tự nhiên vẫn được ưa chuộng nhất. Con người có thể thêm nhiều màu khác nhau nhưng giá trị của viên đá sẽ bị giảm đi ít nhiều”, Chiang khẳng định.
Khi nói về những viên đá đổi màu chất lượng cao, nhu cầu của giới nhà giàu và trung lưu Trung Quốc đang gia tăng chóng mặt. Sự sụt giảm về số lượng đá ngọc bích khai thác ở Myanmar khiến vấn đề giá càng thêm khó kiểm soát.
Nhẫn gắn ngọc bích đẹp mê hồn.
Đá ngọc bích khan hiếm khiến các nhà sưu tập chú trọng vào màu sắc và độ trong suốt của viên đá. “Thị trường đá ngọc bích ở Trung Quốc tăng kỉ lục năm 2013 và 2014 nhưng những nhà sưu tập ngày càng kĩ tính hơn. Họ muốn những sản phẩm độc đáo và đặc biệt nhất”, Chin từ nhà đấu giá Sotheby nói.
Vòng cổ ngọc bích cũng là một món trang sức giá trị.
“Ngày nay, nhiều người thích các sản phẩm đơn giản nhưng có kiểu cách ấn tượng”, Chiang chia sẻ. “Những nhà sưu tập đá đổi màu trước tiên tìm kiếm chất lượng và vật liệu của viên đá quý”.
Ở thị trường bán lẻ, giá cả tăng cao của ngọc bích và nhận thức về loại đá này khiến nhiều người phương Tây để ý. Nicole Kidmand hay Jessica Chastain là những ngôi sao từng sở hữu loại đá quý giá này.
Chiếc bát bằng ngọc bích đắt giá.
Từ góc độ những người bán hàng xa xỉ, cá tính và sự độc đáo của sản phẩm là yếu tố quan trọng nhất để khách hàng lựa chọn. Eddy Hui, một giám đốc nghệ thuật từ phòng trưng bày đá quý Edward Chiu, Hong Kong, nhận định. Eddy nói rằng có một sự khác biệt rõ ràng giữa gu thẩm mỹ của châu Á và châu Âu.
Những món đồ bằng đá ngọc bích tinh xảo là sự lựa chọn của khách phương Tây.
“Mua đá đổi màu chủ yếu là người Trung Quốc và họ chú ý tới màu sắc, độ trong suốt. Khách hàng châu Âu thích yếu tố tinh xảo, cầu kỳ”, Eddy nói.