Dân TQ và cơn sốt mỏ chim đắt gấp 5 lần ngà voi
Hiện nay, giới lắm tiền nhiều của tại Trung Quốc mong mỏi có được một sản phẩm điêu khắc từ mỏ chim hồng hoàng nhằm thể hiện đẳng cấp thượng lưu của mình.
Chim hồng hoàng có chiếc mỏ rất đặc biệt.,
Trung Quốc đang ngày càng có nhiều người giàu, thậm chí số tỉ phú đô la còn vượt cả Mỹ. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ động vật quý hiếm là rất lớn vì đây là cách để họ thể hiện đẳng cấp vượt trội của mình. Loạt bài sau đây điểm tên những thú chơi xa xỉ kiểu này của giới nhà giàu Trung Quốc xưa nay. |
Hơn 700 năm qua, ngà voi đã là một thứ được người Trung Quốc săn lùng. Một thứ “ngà quý” khác cũng đang trở thành cơn sốt trong thời gian gần đây: mỏ chim hồng hoàng. Loại chim đặc biệt với chiếc mỏ to bản, đặc ruột đang là thú chơi mới của dân nhà giàu Trung Quốc. Bất chấp giá cao gấp 5 lần ngà voi, chim hồng hoàng vẫn bị săn lùng ráo riết.
Trong hàng trăm năm qua, các thợ thủ công Trung Quốc đã chế tác các sản phẩm cao cấp cho giới vua chúa và đại gia từ chiếc mỏ của chim hồng hoàng. Hiện nay, giới lắm tiền nhiều của tại Trung Quốc mong mỏi có được một sản phẩm điêu khắc từ mỏ chim hồng hoàng nhằm thể hiện đẳng cấp thượng lưu của mình.
Chỉ duy nhất chim hồng hoàng Đông Nam Á là có mỏ đặc ruột.
Loài chim đặc biệt này sinh sống ở các rừng mưa nhiệt đới tại Đông Nam Á, phân bố ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Chim hồng hoàng có kích thước lớn, da trần quanh cổ màu xanh hoặc anh đào, đuôi đen trắng nổi bật. Chúng phát tiếng kêu rất lớn trong rừng.
Không ai muốn thử sức một cú đối đầu trực diện với chim hồng hoàng, bởi đầu chim nặng khoảng 3kg với một khối sừng lớn. Chiếc “mũ sắt” này có thể chiếm tới 11% trọng lượng của chim hồng hoàng.
Tác phẩm chế tác tinh xảo dưới bàn tay của nghệ nhân Trung Quốc.
Trên thế giới có 60 loài chim hồng hoàng phân bố ở Châu Phi và Châu Á, hầu hết là loài mỏ sừng rỗng, duy chỉ có loài chim hồng hoàng ở Đông Nam Á là có mỏ sừng đặc. Con đực dùng chiếc “mũ sắt” này để đánh nhau tranh giành con cái. Chúng thường ăn hoa quả, đặc biệt là quả hạch nên thường được gọi bằng cái tên “những người nông dân trong rừng” vì giúp phát tán các hạt cây đi xa.
Phần mỏ sừng của loài chim này là nguyên nhân khiến nó bị truy tìm gắt gao. Do thói quen giao chiến giữa con đực với nhau nên phần mỏ của chúng đặc biệt cứng. Việc chế tác các đồ mỹ nghệ tinh xảo từ mỏ chim hồng hoàng có lịch sử hơn 2.000 năm tại Indonesia. Dân trên đảo Borneo thường sử dụng vật liệu này làm đồ trang trí trong nhà cửa.
Mỏ chim hồng hoàng có giá gấp 5 lần ngà voi.
Sau này, khi thương mại hai chiều Trung Quốc-Indonesia được thiết lập, mỏ chim hồng hoàng trở thành “cơn sốt”. Ghi chép cho thấy mỏ chim hồng hoàng đã được triều cống từ đời nhà Đường và nhà Minh.
Tới đầu thế kỉ 20, nhu cầu sử dụng mỏ chim hồng hoàng giảm dần và tới khoảng năm 1950 thì chấm dứt hẳn. Chính điều này giúp số lượng loài chim hồng hoàng trong tự nhiên gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên từ năm 2012, mọi chuyện lại diễn biến theo chiều hướng xấu hơn. Riêng năm 2013, các nhà khoa học tính toán có 6.000 con chim bị bắn chết để lấy sừng.
Đây là những sản phẩm được giới nhà nhàu Trung Quốc "thèm khát".
Năm 2015, loài chim này được Tổ chức Thiên nhiên Quốc tế đưa vào mức độ gần như tuyệt chủng. Nhu cầu quá lớn ở Trung Quốc khiến số lượng loài chim này sụt giảm theo. Khách du lịch Trung Quốc ồ ạt tới Indonesia, mua mỏ chim hồng hoàng rồi về nước. Hong Kong là địa điểm trung chuyển ưa thích dành riêng cho ngà voi và chim hồng hoàng.
Mối lo chim hồng hoàng tuyệt chủng ở Indonesia là có cơ sở khi số lượng ngoài tự nhiên giảm nhanh chóng. Ngoài ra, những khu rừng cọ nơi chim sinh sống cũng bị đốn hạ, dành chỗ cho các đồn điền cao su. Năm 2015, các nhà khoa học dự báo rằng chỉ còn 3 đời nữa là chim hồng hoàng sẽ tuyệt chủng hoàn toàn.
Mỏ chim hồng hoàng đặc ruột và phù hợp với các tác phẩm điêu khắc tỉ mỉ.
Tờ Telegraph cho biết một lo ngại nữa là những kẻ săn trộm sẽ tìm tới Malaysia hay Thái Lan để tìm kiếm chim hồng hoàng. Khi nhu cầu gia tăng và giá một mỏ chim tăng đột biến, chắc chắn những kẻ săn trộm sẽ không dừng lại ở biên giới Indonesia. Cách duy nhất giải quyết tình trạng này là cấm triệt để các hoạt động buôn bán trái phép.
______
Từ một loài phát triển mạnh ở những cánh rừng nhiệt đới Nam Mỹ, loài báo gấm Bolivia đang bị săn bắt quá mức để thoả mãn thú chơi của nhà giàu Trung Quốc. Đón đọc bài tiếp theo xuất bản ngày 1.5.
Giới nhà giàu Trung Quốc coi ngà voi là vật mang lại nhiều may mắn và thành công cho người sở hữu.