Dàn tên lửa Nga bào mòn năng lực phòng không Ukraine
Nga sử dụng đa dạng các loại tên lửa được khai hỏa từ đất liền, máy bay quân sự và tàu chiến nhằm khai thác lỗ hổng phòng không của Ukraine khi tập kích các mục tiêu quân sự trọng yếu.
Chỉ tính từ đầu tháng 5/2023, Nga đã tiến hành 9 đợt tập kích tên lửa quy mô lớn nhắm vào các mục tiêu quân sự trọng yếu ở Ukraine. Bất chấp các tuyên bố của Kiev về việc mạng lưới phòng không của họ đã đánh chặn hầu hết hoả lực đối phương, nhiều vụ nổ đã xảy ra ở một loạt khu vực, cho thấy hiệu quả tác chiến của lực lượng tên lửa Nga.
"Hỏa thần" Kalibr
Kalibr đóng vai trò mở màn trong chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái khi Moscow đã bắn 30 quả 3M14 Kalibr trong ngày đầu tiên chiến sự. Trong các đợt tập kích mới nhất, Kalibr tiếp tục được Moscow khai hoả về phía các mục tiêu ở nước láng giềng.
Tên lửa Kalibr được khai hỏa từ tàu chiến Nga. Ảnh: TASS
Kalibr là loại tên lửa hành trình hiện đại hàng đầu trong biên chế quân đội Nga, được thiết kế để khai hỏa từ tàu ngầm và tàu chiến mặt nước.
Kalibr được Nga lần đầu thực chiến năm 2015, thời điểm Nga khởi động chiến dịch can dự ở Syria. Kalibr khi đó được bắn đi từ tàu chiến trên biển Caspian, bay qua không phận Iran và Iraq, trước khi đánh trúng nhiều mục tiêu IS trong lãnh thổ Syria từ khoảng cách 1.500 km với sai số chưa tới 3m.
Sputnik cho hay, Kalibr có nhiều biến thể, hoạt động tương tự tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ; trong đó, đáng chú ý nhất là biến thể 3M14 được bắn từ tàu nổi có tầm hoạt động 2.500km, mang đầu nổ 400kg và bay ở vận tốc cận âm.
Kalibr sử dụng các hệ thống dẫn đường bằng định vị vệ tinh GLONASS, dẫn đường quán tính và radar chủ động ARGS-14E kèm theo một hệ thống đo độ cao và khớp ảnh địa hình giúp nó tự điều chỉnh đường đi theo thực địa và bám sát mặt đất cũng như mặt nước để tránh radar đối phương.
Tên lửa Kalibr được đưa vào ống phóng của tàu ngầm. Ảnh: RT
Tên lửa có thể được phóng từ bệ phóng thẳng đứng trên tàu chiến (Kalibr-NK) hoặc ống phóng lôi cỡ 533 mm (Kalibr-PL). Ở hệ thống Kalibr-PL, quả đạn nằm trong vỏ bọc và được động cơ phụ đẩy lên khỏi mặt nước, sau đó vỏ bảo vệ được tách rời và động cơ đẩy kích hoạt, tên lửa bắt đầu quá trình bay tới mục tiêu.
Hạm đội Biển Đen của Nga sở hữu nhiều chiến hạm có thể triển khai tên lửa Kalibr, gồm 3 tàu hộ vệ Đề án 11356M, 4 tàu tên lửa Đề án 21630 cùng 6 tàu ngầm Đề án 636.3, còn gọi là lớp Kilo cải tiến.
Kh-101/555 phóng từ oanh tạc cơ
Kh-101 và Kh-555 là hai mẫu tên lửa khai hoả từ oanh tạc cơ thường xuyên được Ukraine nhắc tới trong các báo cáo sau không kích của Nga. Trong đó, Kh-101 là tên lửa hành trình cận âm hiện đại, tàng hình có tầm bắn tối đa 4.500 km.
Mẫu vũ khí này được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp với đầu dò quang - điện tử, cũng như cập nhật vị trí và đường bay qua vệ tinh, giúp nó có khả năng thay đổi đường bay và mục tiêu linh hoạt.
Tên lửa Kh-101 treo trên giá oanh tạc cơ Tu-95MS. Ảnh: Drive
Với động cơ turbine phản lực TRDD-50A, Kh-101 bay hành trình ở vận tốc khoảng 700 km/h. Diện tích phản xạ radar chỉ 0,01 m2 cùng độ cao hành trình chỉ 30-70 m khiến Kh-101 rất khó bị phát hiện bởi những hệ thống cảnh giới mặt đất.
Mẫu còn lại, Kh-555 là phiên bản cải tiến của tên lửa Kh-55, có tầm bắn khoảng 2.000km. Ưu điểm của dòng tên lửa này là khả năng bay bám địa hình ở độ cao rất thấp để tránh bị phát hiện cũng như bắn hạ.
Kh-555 được lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh và đầu dò quang - điện tử, cho phép tăng độ chính xác tới 5 lần so với mẫu Kh-55 nguyên gốc. Mẫu Kh-555 đủ khả năng mang đầu nổ nặng 450kg. Dù không mang theo đầu đạn hạt nhân, nó vẫn có thể san phẳng một cơ sở quân sự loại nhỏ hoặc các kho, bãi tập kết thiết giáp, nhiên liệu.
Kh-22, mẫu tên lửa "không thể chặn"
Không quân Ukraine cách đây vài tháng gây sốc khi cho hay, từ tháng 2/2022 đến tháng 1/2023, Nga đã phóng hơn 200 quả Kh-22 vào các mục tiêu ở nước này, nhưng không quả nào bị đánh chặn. "Ngay cả những hệ thống hiện đại nhất trong biên chế của chúng tôi cũng không chặn được", không quân Ukraine nêu.
Oanh tạc cơ Tu-22 mang tên lửa Kh-22 của Nga. Ảnh: GettyImages
Kh-22 là vũ khí dành riêng cho oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M3, được thiết kế để tấn công các nhóm tác chiến tàu sân bay đối phương hoặc mục tiêu trọng yếu mặt đất. Mỗi máy bay Tu-22M3 có thể mang theo 3 quả Kh-22 treo dưới cánh và bụng.
Phiên bản Kh-22 thông thường có tầm bắn 600km, tốc độ tối đa hơn 5.000 km/h, trong khi phiên bản Kh-32 nâng cấp đạt tầm bắn đến 1.000km. Mỗi quả tên lửa loại này có thể mang đầu nổ thông thường nặng một tấn, dẫn đường bằng radar kết hợp hệ thống định vị hiện đại.
Khi đến gần mục tiêu, Kh-22 sẽ tăng độ cao bay, sau đó bổ nhào xuống ở tốc độ rất cao, gây sát thương lớn và khó bị đánh chặn.
Ukraine nhiều lần bày tỏ tin tưởng mẫu tên lửa phòng không MIM-104 Patriot của Mỹ có thể ngăn chặn Kh-22. Tuy nhiên, chưa có báo cáo nào về việc Kh-22 bị đánh chặn.
"Dao găm" Kinzhal
Tên lửa siêu vượt âm Kinzhal là cái tên được nhắc đến nhiều nhất kể từ khi hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất bắt đầu trực chiến ở Ukraine.
Tiêm kích MiG-31 mang tên lửa Kinzhal của Nga. Ảnh: ToI
Trong hai ngày 4 và 16/5, Ukraine khẳng định bắn hạ 7 quả Kinzhal do Nga khai hoả về phía Kiev bằng Patriot, nhưng hình ảnh mảnh vỡ do truyền thông Ukraine đăng tải được giới chuyên gia nhận xét là có nhiều điểm khác biệt so với mẫu Kinzhal mà Nga công khai.
Ở chiều ngược lại, Nga khẳng định đã phóng một quả Kinzhal phá huỷ đài radar và 5 xe phóng Patriot ở Kiev. Quan chức Mỹ sau đó thừa nhận trận địa Patriot trúng đạn, nhưng quả quyết thiệt hại khá nhẹ và đã được giải quyết.
Theo Sputnik, tên lửa siêu vượt âm Kinzhal có tốc độ tối đa khoảng Mach 10-12 (gấp 10-12 lần vận tốc âm thanh) và quỹ đạo bay phức tạp. Kinzhal là một trong 6 siêu vũ khí được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố năm 2018.
Khoảnh khắc một tên lửa phát nổ trên bầu trời Kiev sáng 16/5. Ảnh: Reuters
Để đạt được tốc độ, tên lửa Kinzhal được phóng từ tiêm kích MiG-31 và ứng dụng đường bay như tên lửa đạn đạo trong pha giữa, kết hợp với khả năng cơ động mạnh để tránh lá chắn tên lửa đối phương.
Tầm bắn tối đa tới 2.000 km của Kinzhal giúp tiêm kích MiG-31 không phải bay vào lưới phòng không quanh mục tiêu, bảo đảm an toàn cho phi công và máy bay.
Ngoài thiết bị dẫn đường quán tính, Kinzhal như được trang bị đầu dò radar chủ động, nhằm tăng độ chính xác và bảo đảm khả năng đánh trúng mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết. Một số nguồn tin cho rằng Kinzhal sử dụng định vị Glonass để hiệu chỉnh đường bay khi cần thiết.
Nga lần đầu tiên sử dụng tên lửa Kinzhal hồi tháng 3/2022, khi tấn công một kho vũ khí lớn ở tỉnh Ivano-Frankivsk, miền Tây Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 16/5 tuyên bố, một đòn tấn công chính xác bằng tên lửa siêu thanh Kinzhal đã đánh trúng và phá hủy hệ thống phòng thủ Patriot ở thủ đô Kiev của Ukraine.
Nguồn: [Link nguồn]