Dân làng Ấn Độ sẵn sàng nếu Trung Quốc tấn công biên giới
Người dân sống ở 3 ngôi làng gần điểm nóng tranh chấp chủ quyền Trung-Ấn cảm thấy sự xáo trộn khi quân đội hiện diện thường trực trong khu vực.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 của Ấn Độ. Ảnh minh họa.
Theo India Express, 3 ngôi làng Kupup, Gnathang và Dzuluk nằm ở khu vực gần nhất dẫn đến điểm nóng tranh chấp Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan.
Ở một trong 3 ngôi làng đó, quán cà phê của bà Nima Lhamu chỉ cách cao nguyên tranh chấp Doklam vỏn vẹn 9km. Đây sẽ nơi xảy ra chiến tranh ác liệt một khi căng thẳng Trung-Ấn vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Người chủ quán cà phê ở độ tuổi khoảng 30 nói: “Nếu mọi chuyện ổn thì nó sẽ ổn thôi. Nếu không ổn, chúng tôi sẽ đi lánh nạn. Còn hiện tại chúng tôi vẫn phải kinh doanh”.
Bà Lhamu nói mình chưa từng chứng kiến sự hiện diện của các binh sĩ quân đội ở mức quy mô đến vậy trong khu vực này.
Gần 350 binh sĩ Ấn Độ đóng quân thường trực ở Doklam. Ấn Độ điều thêm một lữ doàn hiện diện gần khu vực. Các đơn vị khác được lệnh sẵn sàng phản ứng với mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Ở ngôi làng Kupup, cách Doklam chỉ 5 km, cứ mỗi phút lại có xe tải quân sự đi qua, mang theo hàng tiếp tế. Con đường dẫn đến làng Gnathang lân cận thì luôn luôn có binh sĩ Ấn Độ canh gác.
Tại một quán cà phê ở làng Gnathang, các binh sĩ Ấn Độ đang tận hưởng bữa ăn buổi chiều. Một trong số họ nói đến thời tiết lạnh giá ở khu vực tranh chấp và việc không bên nào chịu xuống thang. Họ cũng nhắc đến việc đặt mìn ở Doklam để ngăn bước tiến của quân Trung Quốc.
Dân làng ở các khu vực gần điểm nóng tranh chấp đều nhận được lệnh yêu cầu sẵn sàng. Quân đội Ấn Độ nói mọi người dân phải luôn mang theo tài sản giá trị, giấy tờ liên quan để rời đi ngay khi có tình huống xấu xảy ra.
“Một sỹ quan cấp tá thường đến Kupup và nói với chúng tôi về việc không nên hoảng sợ. Ông ấy nói người Trung Quốc từng bất ngờ tấn công trong quá khứ nên người Ấn Độ phải luôn cảnh gác”, một cư dân địa phương nói.
Người dân Ấn Độ sẵn sàng ở lại giúp đỡ quân đội chiến đấu nếu Trung Quốc tấn công.
Tại khu vực Nathu La ở bang Sikkim, vì yếu tố chiến lược quan trọng mà quân đội Ấn Độ đã yêu cầu mọi người dân phải sơ tán. “Từng có một quán cà phê ở Nathu La. Nhưng giờ đây không còn người dân nào sinh sống nữa. Chỉ những người đem hàng tiếp tế đến cho quân đội mới được tiếp cận khu vực”.
Ngoài sự hiện diện thường trực của quân đội, người dân Ấn Độ sống gần biên giới cũng bị ảnh hưởng bởi nguồn hàng khan hiếm từ Trung Quốc và làn sóng khách du lịch ngày càng suy giảm.
“Nguy cơ chiến tranh đã khiến các du khách lo lắng. Chúng tôi không còn tiếp đón nhiều khách du lịch như trước”, Gopal Pradhan, chủ một chuỗi nhà nghỉ ở Gnathang nói.
“Chúng tôi không muốn rời làng. Nếu có chuyện gì xảy ra, chúng tôi sẽ ở lại hỗ trợ quân đội. Chúng tôi không thể chạy xa được”, Pema Sherpa, một người dân khác chia sẻ.
Theo những cụ già từng trải qua chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962, một khi Trung Quốc chiếm được Doklam, nước này sẽ nắm quyền kiểm soát Sikkim và cả đất nước Bhutan nhỏ bé.
“Nhiều cụ già kể về khoảnh khắc viên đạn bắn sượt qua đầu, về việc binh sĩ quân đội ăn ở cùng họ ở làng trong cuộc chiến tranh năm 1962. Chúng tôi sẵn sàng đối mặt với điều đó. Nhưng cũng nhiều người lo ngại chiến tranh Trung-Ấn sẽ là khởi đầu của Thế chiến 3”, một người phụ nữ mỉm cười nói.
Đoạn video xuất hiện ngày 19.8 đã hé lộ cảnh hàng chục lính TQ ẩu đả với binh sĩ quân đội Ấn Độ ở khu vực chấp.