Dân Kharkiv dưới làn đạn Nga, và lựa chọn không dễ dàng
TP Kharkiv thường xuyên hứng không kích từ Nga, khiến cuộc sống người dân đối mặt nguy hiểm và khó khăn.
Kharkiv là một trong những TP lớn của Ukraine. Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào năm 2022, TP này thường xuyên chứng kiến những đợt không kích của Nga, khiến cuộc sống của hơn 1,3 triệu người đang sinh sống tại đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo hãng tin Reuters, ông Oleg Filchakov – công tố viên TP Kharkiv cho biết số vụ tấn công vào TP này ngày càng tăng kể từ tháng 10 năm ngoái. Đáng chú ý, trong ba tháng đầu năm 2024, số cuộc tấn công của Nga vào TP đã tăng lên 130, tăng 35% so với quý 4 năm 2023.
Người dân đi dọc con phố cạnh các tòa nhà lịch sử bị hư hại vì một trong những cuộc tấn công bằng UAV của Nga ngày 13-1. Ảnh: Valentyn Ogirenko/REUTERS
Ông Filchakov cũng cảnh báo về khả năng Kharkiv sẽ trở thành Aleppo (TP của Syria từng bị đánh bom nặng nề có sự tham gia của Nga) thứ hai, trong tình cảnh Nga tăng cường tấn công TP chỉ cách biên giới nước này vài km.
Dù sống dưới làn đạn của Nga, người dân TP Kharkiv vẫn kiên cường trụ bám với nơi sống của mình.
Linh hoạt với hoàn cảnh
Trái ngược với những TP khác của Ukraine, Kharkiv vẫn là một đô thị sôi động với nhiều hàng quán, doanh nghiệp kinh doanh như thường dù hiểm nguy lúc nào cũng rình rập, theo tờ The Guardian.
Anh Oleksii Yevkiusov (39 tuổi) và vợ là chị Viktoria Varenikova (30 tuổi) đang là chủ một nhà máy sản xuất đồ may mặc. Kể từ khi xảy ra xung đột, cả hai vợ chồng đã dự đoán được nơi họ sống sẽ thường xuyên cúp điện, nên họ đã tính đến giải pháp lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời để tránh gián đoạn sản xuất.
Hai người này cho biết những hàng may mặc đơn giản cũng trở thành đồ xa xỉ, đặc biệt là trong thời chiến. Vì thế, nhà máy quyết định nâng cấp và tăng số lượng nhân công.
Ngoài ra, TP cũng đã có những kế hoạch chi tiết để di dời các lớp học xuống dưới lòng đất. Khoảng 1.500 trẻ em cấp tiểu học và trung học tham gia 5 lớp học được cải tạo từ 5 ga tàu, theo đài NPR.
NPR cho biết thêm TP còn xây thêm 9 trường học dưới lòng đất để cung cấp chỗ học cho 9.000 học sinh từ bậc mẫu giáo tới lớp 11. Thị trưởng TP Kharkiv – ông Igor Terekhov nói đây là một giải pháp lâu dài cho những gia đình muốn ở lại đây và là cách hữu hiệu nhất để bảo vệ học sinh và bảo vệ cả nền giáo dục nước này.
Cuộc chiến có thể tiếp diễn trong khoảng thời gian rất dài, vì vậy, rất nhiều người dân đã đoàn kết với nhau để cùng vượt qua thời gian này. NPR dẫn lời ông Igor rằng: “Chúng tôi luôn có kế hoạch sống sót và ‘hồi sinh’. Chắc chắn là vậy”.
Lựa chọn quả quyết
Dân số TP Kharkiv vẫn giữ nguyên con số 1,3 triệu người và duy trì ở mức này kể từ khi Ukraine giành lại các khu vực bị chiếm đóng sau cuộc tấn công quân sự của Nga vào năm 2022, theo Reuters.
Có thể, con số đó vẫn sẽ giữ nguyên và tiếp tục tăng dù hoàn cảnh sống có khó khăn và chật vật như thế nào đi chăng nữa. Ông Oleh Synehubov – Tỉnh trưởng tỉnh Kharkiv cho biết không có dấu hiệu cho thấy người dân rời bỏ TP.
Một góc nhìn cho thấy Khách sạn Kharkiv Palace ở TP Kharkiv bị hư hại vì một cuộc tấn công tên lửa của Nga ngày 13-1. Ảnh: Valentyn Ogirenko/REUTERS
Chị Viktoria Zaremba (37 tuổi) nói rằng: “Không có gì phải sợ!”. Chị Zaremba cho biết chỉ tính đến việc rời khỏi nơi này khi không thể sưởi ấm, không có điện hay tệ hơn là nguy cơ bị mất việc, Reuters đưa tin.
Ông Borys Nosov (63 tuổi) - một cư dân khác của Kharkive từ chối rời khỏi TP. “Đây là TP của tôi. Làm sao mà tôi có thể bỏ rơi nó được". Do từng là cựu chiến binh ở Afghanistan, trải qua nhiều điều tồi tệ nhất trong đời đã giúp ông Nosov lạc quan hơn với cuộc sống hiện tại.
Anh Olesandr Pavluk đang cùng sống chung với mẹ ở trại sơ tán tập thể. Mặc dù anh này đã cố gắng giải thích cho mẹ của mình đi đến nơi nào an toàn hơn, nhưng anh vẫn không thể thuyết phục được bà. Sau cùng, anh Pavluk chấp nhận ở lại TP cùng mẹ, theo The Independent.
Trong tình cảnh khắc nghiệt như vậy, nhiều người vẫn lựa chọn ở lại vì đã quá quen thuộc với Kharkiv.
Tuy nhiên, việc người dân tìm cách chạy thoát thân rời khỏi “tầm ngắm” của súng đạn không phải điều hiếm gặp. The Guardian dẫn lời cô Liubov – một người dân tại Kharkiv rằng cô đã tính tới chuyện thoát khỏi nơi này vì muốn hai đứa con có thể sống trong môi trường an toàn hơn. “Chúng tôi đơn giản chỉ muốn sống” – cô Liubov tâm sự.
Ở lại hay đi đều là lựa chọn riêng của từng người, nhưng điểm chung ở những chọn lựa trên chính là khát khao được sống.
Nguồn: [Link nguồn]
Moscow có thể tịch thu cả tài sản cá nhân của công dân Mỹ nếu Washington làm điều tương tự đối với khối tài sản của Nga đang bị phương Tây đóng băng.