Dân Đan Mạch ký kiến nghị mua bang California, ra giá 1.000 tỉ USD
Bản kiến nghị tự phát kêu gọi Đan Mạch mua bang California (Mỹ) có nhiều điểm như nhại lại đề xuất của Tổng thống Trump mua lại Greenland.
Hàng trăm nghìn người đã ký tên vào một kiến nghị trực tuyến để gây quỹ cho ý tưởng Đan Mạch mua lại bang California (Mỹ), có vẻ như để đáp trả đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn mua lại Greenland (Đan Mạch), đài CNN đưa tin.
Những người đưa ra ý tưởng trên gọi ý tưởng là “Denmarkification” (tạm dịch “Đan Mạch hoá”), phục vụ mục tiêu “lợi ích quốc gia” của Copenhagen. Họ mô tả rằng đây là “cơ hội duy nhất trong đời” để hiện thực hoá giấc mơ giúp bổ sung thêm một số điều kiện lý tưởng vào bức tranh chung về Đan Mạch.
Tác phẩm lego với lá cờ Đan Mạch trên cầu Cổng Vàng - danh thắng nổi tiếng của bang California (Mỹ) - một trong những hình ảnh minh hoạ cho kiến nghị Copenhagen mua lại vùng đất này của Mỹ. Ảnh: DENMARKIFICATION
Nhóm tác giả của ý tưởng giải thích rằng California là một vùng đất ấm áp với 300 ngày nắng mỗi năm, có thể giúp người Đan Mạch giảm cảnh phải đi ủng thường xuyên vì những cơn mưa ở Đan Mạch.
Nhóm tác giả này cũng nhắm đến việc kiểm soát Thung lũng Silicon ở California, hình thành nên “một nhóm anh em công nghệ” thân thiện với Đan Mạch và các quốc gia đồng minh.
Ý tưởng này còn nhắc tới việc California hiện chiếm tới 90% sản lượng trái bơ của toàn nước Mỹ. Do đó, nếu Đan Mạch mua lại California, người dân “sẽ không bao giờ hết bánh mì nướng bơ” – một món ăn nổi tiếng ở nước này.
Nhóm tác giả cho rằng Tổng thống Trump có thể xem xét việc bán California và đưa ra đề xuất tặng kèm bánh ngọt – món ăn Đan Mạch nổi tiếng toàn cầu – nếu Đan Mạch có được thoả thuận mua lại California.
Kế hoạch của nhóm tác giả là gây quỹ 1.000 tỉ USD, cử ra “những nhà đàm phán giỏi nhất” của Đan Mạch như ban điều hành của công ty Lego hay dàn diễn viên của “Borgen” – loạt phim giả tưởng về một người phụ nữ tài giỏi thành công trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Đan Mạch.
Nhóm tác giả đề xuất rằng sau khi chuyển nhượng, California có thể được đổi tên thành “New Denmark”. Chính quyền mới sẽ mở ra những tuyến đường cho xe đạp ở TP Beverly Hills và phổ biến smorrebrod – món bánh mì “quốc hồn quốc tuý” của Đan Mạch – đến mọi góc phố.
Ngoài ra, nhóm tác giả còn đề xuất ý tưởng đổi tên công viên giải trí Disneyland (TP Anaheim, California) thành “Hans Christian Andersenland”, phỏng theo tên nhà văn vĩ đại người Đan Mạch Hans Christian Andersen – người nổi tiếng với những câu chuyện dành cho thiếu nhi.
Nhóm tác giả mong muốn thu thập 500.000 chữ ký ủng hộ. Chưa đầy 3 ngày sau khi bản kiến nghị này được đưa ra, cho tới 7 giờ sáng 13-2 (giờ Việt Nam), khoảng 232.000 người đã ký tên vào bản kiến nghị này.
Những ý tưởng này giống như một bản sao chép, nhại lại đề xuất của Tổng thống Trump về việc Mỹ mua lại Greenland vì lý do an ninh quốc gia.
Mua lại Greenland không phải là một ý tưởng mới ở Mỹ, song một lần nữa được ông Trump xúc tiến mạnh mẽ từ khi đắc cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai.
Sau khi ông Trump nêu ra đề xuất mua lại Greenland, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nhấn mạnh rằng đảo Greenland không phải để bán và chính Greenland phải tự đưa ra quyết định về nền độc lập của mình.
Đan Mạch tích cực vận động và đã nhận được sự ủng hộ của các quốc gia đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) để cùng nhau đối phó trước đề xuất mua lại Greenland.
Lãnh đạo đảo Greenland - ông Mute Egede cho biết đang tìm cách tăng cường quan hệ quốc phòng và khai khoáng với Mỹ sau khi ông Trump muốn mua lại Greenland.
Greenland có thể sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc tuyên bố độc lập khỏi Đan Mạch sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng tới, theo lời đảng cầm quyền.
Nguồn: [Link nguồn]
-13/02/2025 08:11 AM (GMT+7)