Dân chủ và Cộng hòa, ai sẽ nhường vụ trần nợ?
Chỉ còn hơn tuần để tránh nguy cơ vỡ nợ nhưng hiện hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn bế tắc trong nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận nâng trần nợ công.
Còn hơn một tuần nữa sẽ đến ngày 1-6 - thời điểm Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo chính quyền liên bang chính thức vỡ nợ nếu không nâng trần nợ công. Quá trình đàm phán giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ những ngày qua rất căng thẳng. Liên tiếp các cuộc họp ở Quốc hội không mang lại triển vọng nào.
Ông Biden gặp lãnh đạo Cộng hòa
Hôm 21-5 (giờ địa phương), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy cho biết vừa có cuộc điện đàm với Tổng thống Joe Biden về vấn đề nâng trần nợ công. Ông McCarthy cho biết hai bên sẽ gặp thảo luận trực tiếp vào ngày 22-5 (giờ địa phương), ngay khi ông Biden từ Nhật về, theo tờ The Guardian. Nhà Trắng xác nhận tin này, cho biết thêm đàm phán cấp chuyên viên đã được nối lại từ ngày 21-5.
Kết quả đàm phán nâng trần nợ công phụ thuộc nhiều vào cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: THE ECONOMIST
Theo ông McCarthy, hiện các nhóm chuyên trách của Quốc hội và Nhà Trắng vẫn đang làm việc và mọi thông tin cụ thể hơn vẫn phải đợi cuộc gặp trực tiếp sắp tới. Đến thời điểm này kết quả đàm phán “tốt hơn” sau những gì diễn ra thời gian qua, ông đánh giá.
Đề cập chuyện nợ công Mỹ trong cuộc họp báo từ Nhật, ông Biden nhấn mạnh sự khó khăn trong nỗ lực đàm phán giữa hai đảng. Theo ông Biden, tuy Nhà Trắng sẵn sàng cắt giảm chi tiêu và điều chỉnh thuế để đạt được thỏa thuận nhưng đề nghị mới nhất từ các đảng viên Cộng hòa về trần nợ công là “không thể chấp nhận được”.
“Đã đến lúc đảng Cộng hòa phải chấp nhận rằng không có thỏa thuận lưỡng đảng nào có thể đạt được nếu họ chỉ khăng khăng đạt được những gì họ muốn. Họ cũng cần phải nhượng bộ” - ông Biden nêu quan điểm.
Đối đầu lưỡng đảng ảnh hưởng đàm phán
Theo đài CBS News, các nghị sĩ Cộng hòa đặt ra một số nội dung bắt buộc phải có nếu muốn đảng này đồng ý ký vào thỏa thuận giải quyết trần nợ công.
Đầu tiên, đảng Cộng hòa muốn thu hồi các khoản ngân sách đã phân bổ để cứu trợ dịch COVID-19 nhưng chưa được chi tiêu, chỉ ra rằng ngay cả chính quyền liên bang cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về đại dịch đã kết thúc. Quốc hội Mỹ tính đến nay đã thông qua sáu dự luật chi tiêu lớn về COVID-19, với tổng giá trị khoảng 4.600 tỉ USD. Theo Văn phòng Trách nhiệm chính phủ thuộc Quốc hội, đến tháng 1 năm nay, số ngân sách thực tế được chi ra trong khoản này là 4.200 tỉ USD.
Tổng nợ công của Mỹ hiện chạm mốc 31.400 tỉ USD. Theo quy định về trần nợ, chính quyền liên bang không thể vay nhiều hơn mức này, có nghĩa chính quyền liên bang sắp cạn tiền và không thể thanh toán các khoản nợ và các chi phí công.
Thứ hai, đảng Cộng hòa muốn áp đặt giới hạn lên mức chi tiêu trong tương lai của chính quyền liên bang, chỉ cho phép mức tăng ngân sách liên bang là 1% mỗi năm - thấp hơn đáng kể so với tốc độ lạm phát và chậm hơn so với mức tăng ngân sách hằng năm gần đây, đặc biệt là kể từ sau đại dịch.
Cuối cùng, đảng Cộng hòa muốn siết chặt hơn các quy định và tiêu chuẩn đối với các đối tượng nhận hỗ trợ từ các chương trình an sinh xã hội như chương trình phúc lợi lương thực. Một chương trình khác mà đảng Cộng hòa muốn vô hiệu hóa là chương trình xóa nợ sinh viên mà Nhà Trắng công bố hồi tháng 6, vốn cho phép sinh viên Mỹ có thể được xóa tới 20.000 USD nợ tiền học.
Cả ông Biden và hàng loạt nghị sĩ Dân chủ chỉ trích phe Cộng hòa cố tình lợi dụng khủng hoảng để thúc đẩy các chương trình mang tính chính trị nhiều hơn là vì lợi ích của quốc gia. Các đề nghị mà phía đảng Cộng hòa đưa ra bị cáo buộc là cắt giảm lợi ích của những nhóm yếu thế trong xã hội.
Đảng Cộng hòa phản pháo rằng nền kinh tế Mỹ sẽ vững mạnh hơn nếu cắt giảm các khoản chi không cần thiết và giới hạn chi tiêu chính phủ để đảm bảo mọi khoản ngân sách được phê duyệt đều sẽ được sử dụng hiệu quả. Phe này chỉ trích đảng Dân chủ đang đặt lợi ích của đảng lên trên thực trạng kinh tế Mỹ.
Những chỉ trích hai bên ảnh hưởng tới việc đàm phán thực chất về tình hình trần nợ, theo tờ The New York Times. Cả hai bên đang chịu áp lực trước cử tri về việc phải cứng rắn trước đối thủ và bảo vệ tới cùng những nội dung mà hai bên muốn triển khai. Hiện triển vọng về một thỏa thuận trần nợ vẫn mơ hồ, ngoài những lời trấn an từ lãnh đạo hai đảng rằng Mỹ chắc chắn sẽ không vỡ nợ khi đến hạn ngày 1-6.
Chuyện gì xảy ra nếu Mỹ vỡ nợ? Trong lịch sử, Mỹ chưa từng vỡ nợ vì trần nợ công luôn được đẩy lên khi nợ chạm giới hạn. Nếu Mỹ lần này thực sự không đạt được thỏa thuận nâng trần nợ thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, theo tờ The Wall Street Journal. Phố Wall nhiều khả năng sẽ là bên bị ảnh hưởng đầu tiên. Đến nay, thị trường tài chính vẫn chưa biến động nhiều về vấn đề trần nợ. Tuy nhiên, điều đó sẽ thay đổi khi chính quyền càng tiến gần đến tình trạng vỡ nợ. Theo giới chuyên gia, cú sốc về khả năng chính quyền liên bang không thể thanh toán sẽ lan rộng khắp hệ thống tài chính - cổ phiếu, trái phiếu, quỹ tương hỗ, các công cụ phái sinh - trước khi lan ra toàn bộ nền kinh tế. Cổ phiếu có thể sẽ giảm giá mạnh do dự đoán về suy thoái kinh tế rộng hơn, khi lãi suất tăng và các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi thị trường để duy trì khả năng tiếp cận tiền mặt ngắn hạn. Ngành ngân hàng vốn đã cảnh giác với việc cho vay mới có thể thắt chặt hơn nữa. Lần gần nhất khi chính quyền Mỹ suýt vỡ nợ vào năm 2011, thị trường chứng khoán rơi vào khủng hoảng cùng cực. Thời điểm đó, khi thời hạn nâng trần chỉ còn chưa tới một tuần, hàng loạt chỉ số tài chính giảm một lượt 20%. Lần này, Công ty Tài chính Moody,s Analytics (Mỹ) dự đoán giá cổ phiếu có thể giảm tương tự, xóa sạch 10.000 tỉ USD tài sản hộ gia đình và tàn phá tài khoản hưu trí của hàng triệu người Mỹ. Nhà Trắng ước tính mức giảm có thể lên tới gần 45%. Thị trường trái phiếu 46.000 tỉ USD cũng sẽ rung chuyển, khi giá trị của trái phiếu kho bạc hiện tại sụp đổ do lợi suất trái phiếu mới cao hơn. Và các doanh nghiệp có thể sẽ ngừng mở rộng - khiến giá cổ phiếu giảm mạnh hơn nữa. Nếu bế tắc vẫn tiếp diễn, tác động sẽ nhanh chóng lan rộng từ thị trường tài chính sang nền kinh tế thế giới. Nhiều quốc gia bảo vệ tài chính bằng cách mua một lượng lớn trái phiếu chính quyền Mỹ - vốn được nhiều người coi là một trong những tài sản an toàn nhất trên thế giới. Việc vỡ nợ có thể làm giảm giá trị của những trái phiếu đó, làm tổn hại đến dự trữ của nhiều quốc gia. Hơn một nửa dự trữ ngoại tệ của thế giới cũng được giữ bằng USD - gần gấp ba lần so với bất kỳ loại tiền tệ nào khác. Các nhà kinh tế lo ngại rằng điều đó sẽ làm các quốc gia vốn chìm trong nợ nần như Sri Lanka và Pakistan càng thêm rối ren. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong năm qua để kiềm chế lạm phát đã làm xói mòn giá trị trái phiếu chính quyền Mỹ mà nhiều quốc gia nắm giữ. Nguy hiểm hơn, giới chuyên gia cho rằng việc vỡ nợ có thể làm tổn hại đến vị thế của Mỹ trên trường quốc tế. Giới quan sát đã theo dõi một số dấu hiệu ban đầu cho thấy nền kinh tế thế giới đang bắt đầu giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, với các quốc gia như Brazil và Malaysia kêu gọi giao dịch thường xuyên hơn bằng các loại tiền tệ khác. Khoảng 60% các giao dịch ngoại tệ vẫn được thực hiện bằng USD nhưng việc Mỹ không trả được nợ - có thể khiến giá trị của đồng bạc xanh lao dốc và đẩy mạnh quá trình phi USD hóa hơn nữa. |
Bầu cử tổng thống Mỹ 2024 còn một năm rưỡi nữa mới diễn ra nhưng cuộc đua đã sôi nổi, đặc biệt bên đảng Cộng hòa.
Nguồn: [Link nguồn]