Dân châu Âu từng “cuồng” xác ướp Ai Cập, dùng theo cách khiến người thời nay phải phát sợ
Ngày nay, xác ướp Ai Cập được xem như những cổ vật vô giá và cất giữ trong các viện bảo tàng lớn. Tuy nhiên trong lịch sử, những thi thể bảo quản qua hàng ngàn năm được người châu Âu thời Trung cổ mệnh danh là “nghệ thuật của cõi chết” lại có nhiều “công dụng” hơn thế.
Xác ướp Ai Cập từng được xem là “thần dược” ở châu Âu (ảnh: Mirror)
Vào thế kỷ thứ 15, các xác ướp từ Ai Cập được xem là món hàng có giá trị ở châu Âu, nhưng người ta không mua chúng để phục vụ nghiên cứu lịch sử hay khảo cổ. Không ít người châu Âu lúc bấy giờ tin rằng, xác ướp là phương thuốc từ cõi chết và có thể chữa nhiều bệnh hiểm nghèo, thậm chí cải tử hoàn sinh.
Việc thiếu những nghiên cứu một cách khoa học dẫn đến quan niệm sai lầm rằng xác ướp chứa rất nhiều “bitum” – chất được xem là “thần dược” đối với người châu Âu thời Trung cổ.
Ngày nay, “bitum” được biết đến với cái tên quen thuộc hơn - nhựa đường.
Nhựa đường thực chất là một chất độc, gây ung thư. Tuy nhiên, lượng nhựa đường chiết xuất tự nhiên từ các xác ướp rất ít ỏi và sự hiếm hoi khiến nó được ca tụng là “thần dược” với đủ mọi công năng. Nhiều người cũng chọn cách nghiền xác ướp thành bột rồi ăn để chữa bệnh. Cách làm này có thể khiến họ mất mạng vì ngộ độc.
Từ thế kỷ thứ 15 – 16, nghề buôn bán xác ướp Ai Cập ở châu Âu rất thịnh hành. Tuy nhiên, xác ướp cổ đại không phải lúc nào cũng có sẵn. Nhiều thương gia châu Âu đã chọn cách tạo ra xác ướp Ai Cập giả từ xác những người ăn xin mới chết để có thể kiếm lời.
Một “bữa tiệc xác ướp” (ảnh: Mirror)
Không chỉ dùng làm thuốc chữa bệnh, xác ướp còn được người châu Âu sử dụng trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong thế kỷ 16, loại “màu nâu đặc biệt” tạo ra từ bột xác ướp được giới họa sĩ rất ưa chuộng.
Công thức để tạo ra loại “màu nâu đặc biệt” này là bột xác ướp cùng bột nấm. Giới họa sĩ cho rằng, loài màu từ xác ướp sẽ khiến tác phẩm của họ trở nên sống động và “có thần thái” hơn.
Theo Mirror, chỉ cần một xác ướp cũng đủ tạo ra lượng màu cho một họa sĩ vẽ 20 năm không hết.
Vào thế kỷ thứ 18, người dân châu Âu dường như bị mê hoặc bởi các xác ướp Ai Cập. Việc mở quan tài chứa xác ướp được xem là một sự kiện công cộng, thu hút nhiều người tham gia.
Quan tài chứa xác ướp sẽ được một hoặc nhiều gia đình giàu có đặt mua rồi mở nắp ngay tại nhà mình. Bất chấp sự “nặng mùi” và nguy cơ mắc bệnh dịch, những “bữa tiệc xác ướp” kiểu này rất được giới thượng lưu hoan nghênh. Việc mở nắp quan tài khi đó chẳng khác nào khui một chai champagne đắt đỏ, có thể chứng minh đẳng cấp và sự giàu có của một gia đình châu Âu.
Sau khi những người giàu có xem xong, xác ướp sẽ được bán lại cho những thương nhân. Họ có thể tổ chức một buổi “trình diễn” mở nắp quan tài chứa xác ướp và bán vé cho công chúng. Việc xem xác ướp lúc bấy giờ được nhiều người châu Âu coi là “mốt”.
Người Ai Cập cổ đại thường để lại lời nguyền chết chóc đối với bất cứ ai xâm phạm lăng mộ của họ (ảnh: History)
Thomas Pettigrew – một bác sĩ người Anh – đã tổ chức hơn 40 buổi “trình diễn xác ướp” trên khắp châu Âu và thu về một khoản tiền kếch xù. Ông còn có biệt danh là “Thomas xác ướp”.
Năm 1798, Napoleon đem quân viễn chinh tới Ai Cập. Sự hiếu kỳ của dân châu Âu đối với nền văn hóa Ai Cập, đặc biệt là xác ướp cao hơn bao giờ hết. Thuật ngữ “Egyptomania” được dùng để chỉ cơn sốt xác ướp vào lúc bấy giờ.
Theo History, “người ta sẽ tỏ ra khinh thường nếu bạn trở về châu Âu từ Ai Cập mà không sở hữu ít nhất một xác ướp”.
“Cơn sốt xác ướp” ở châu Âu kéo dài cho đến khi nhà Ai Cập học người Đức – Karl Richard Lepsius (1810 – 1884) – xuất bản nhiều tài liệu, sách ghi chép lại những nghiên cứu về phong tục tang lễ, bí ẩn kim tự tháp… trong chuyến hành trình đến Ai Cập của mình. Nhờ Karl Richard Lepsius, lời nguyền từ xác ướp Ai Cập được biết đến rộng rãi và người châu Âu bắt đầu kiêng dè.
Năm 1922, sau khi phát hiện ra lăng mộ của vua Ai Cập Tutankhamu, nhiều thành viên của đoàn thám hiểm do nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter dẫn đầu đã chết không rõ nguyên nhân. Những xác ướp Ai Cập từ đó khiến người châu Âu e sợ.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhắc tới nhân vật bị ghét nhất trong các bộ truyện kiếm hiệp Kim Dung, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới cái tên Doãn Chí...