Dân châu Á đang làm việc để…chết?
Căng thẳng trong quá trình tìm việc và lao động khiến nảy sinh nhiều hệ lụy xã hội nghiêm trọng, gây tác động lớn tới sự phát triển bền vững của một quốc gia.
Một công nhân lắp ráp ô tô ở nhà máy GM Thượng Hải, Trung Quốc.
“Chúng ta đang làm việc để chết!”, một cử nhân trẻ vừa tốt nghiệp một đại học danh giá ở Bắc Kinh, nói với nhà nghiên cứu Jonathan Holslag từ đại học Brussels. “Tưởng tượng mà xem. Hàng triệu cử nhân trẻ tranh giành nhau một số ít công việc được trả lương tốt. Chúng ta phải làm việc quần quật 11 tiếng mỗi ngày, 3 tiếng di chuyển trên đường và chui vào một căn phòng với 4 người khác vì không đủ tiền trả cho một căn hộ nghiêm chỉnh. Công việc nhàm chán. Chúng ta chẳng khác gì những cỗ máy”, cô gái nói.
Hiện tượng guolaosi - quá lao tử (lao động quá mức mà chết) cũng xuất hiện bên ngoài Trung Quốc. Tại Nhật, thuật ngữ dành cho những người làm việc quá hăng say là “karoshi”, ở Hàn Quốc là “gwarosa”. Sau một vài nghiên cứu, tác giả Jonathan Holslag có đầy đủ lí do cho nhận định của mình về một thị trường lao động gặp khủng hoảng ở châu Á.
Cô gái trẻ đang đọc bảng thông tin việc làm.
Từ giữa năm 2005 và 2015, mười thành phố đông dân nhất khu vực châu Á tạo ra 135 triệu việc làm mới. Dù nhiều trên con số nhưng cần biết rằng lực lượng lao động từ 16 tới 65 tuổi lên tới 245 triệu người.
Nói cách khác, châu Á không tạo ra đủ việc làm cho người dân của mình. Thiếu việc nghiêm trọng nhất ở Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, lần lượt là 79, 23 và 9 triệu việc làm thiếu. Ở một mức độ nào đó tình trạng thiếu việc làm được giảm bớt do nhiều phụ nữ chấp nhận ở nhà nội trợ. Dù vậy, tình trạng này càng có xu hướng tệ hại và gây ra những cạnh tranh rất lớn trong xã hội.
Công việc áp lực và nhàm chán đang khiến nhiều người ở Trung Quốc không thoải mái.
Khủng hoảng thị trường lao động ở châu Á không chỉ bởi thiếu việc làm đơn thuần mà bởi nhiều công việc quá bèo bọt không đủ giúp người làm chi trả phí sinh hoạt đắt đỏ. Lấy Ấn Độ là một ví dụ. Lương tối thiểu ở quốc gia này tăng gấp đôi từ năm 2006 nhưng giá tiêu dùng cũng tăng chóng mặt. Tại Indonesia, tiền lương tăng 85% từ năm 2006 trong khi giá cả chỉ tăng 65%. Tại Philippines là 71% và 49%, tại Hàn Quốc là 47% và 28%. Một phần lớn lương kiếm được bị chi phí sinh hoạt “gặm nhấm”.
Trung Quốc là ngoại lệ duy nhất, với lương tăng nhanh hơn giá tiêu dùng. Tuy nhiên, điều khiến tác giả Jonathan ngạc nhiên là rất nhiều công nhân Trung Quốc buộc phải rời bỏ những thành phố nhỏ, mức sống thấp để tới những siêu đô thị quá đắt đỏ. Lí do duy nhất là tìm việc. Cô gái trẻ tốt nghiệp từ một đại học danh tiếng ở Bắc Kinh nói: “Bạn có thể mua mọi thứ ở đây nhưng giá rất đắt. Chúng tôi phải trả bảo hiểm, phí vận tải và nhiều dịch vụ khác”.
Nếu con số trên chưa đủ thuyết phục thì thống kê cho thấy 1/3 số việc làm ở châu Á không hấp dẫn. Sự thỏa mãn với công việc là cực kì thấp ở Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tác động của việc biến con người thành máy móc rõ ràng nhất trong các ngành nghề chế biến, đặc biệt là may mặc và điện tử.
Xây dựng cơ bản là ngành nghề đòi hỏi lao động rất lớn hiện nay ở Trung Quốc.
Thách thức lớn nhất với những nhà máy lớn là sự buồn tẻ. Nhân công vào làm ở nhà máy chỉ “đóng khung” trong một nhiệm vụ duy nhất. Trong trường hợp xấu nhất, công nhân phải dành nguyên ngày đeo mặt nạ, cắm nút tai cách âm và mặc bộ đồ bảo hộ. Họ chẳng khác gì robot.
Bi kịch xảy ra với những ngành nghề dịch vụ cũng không khá khẩm hơn. Tất nhiên sẽ có những nhà thiết kế sáng tạo, kĩ sư IT, người viết quảng cáo nhận lương cao và lái chiếc SUV hạng sang đi làm, ở trong những căn hộ đắt đỏ. Tuy nhiên, phần đông mọi người làm trong ngành dịch vụ không được như vậy.
Tác giả Jonathan kể từng rằng thấy một nhân viên ở Trung Quốc buộc phải dò tìm trên internet các địa chỉ tiềm năng và gửi email ngay với tốc độ một phút/email. Tại sao lại không sử dụng phần mềm hỗ trợ? “Thuê cử nhân mới làm mấy việc này rẻ hơn là mua phần mềm”, quản lý nhân sự của một công ty trả lời Jonathan.
Công việc lặp đi lặp lại của một nữ công nhân tô tượng tại Trung Quốc.
Dù công nhân trẻ không biểu tình nhưng không có nghĩa là khủng hoảng chưa xảy ra. Thực tế, sau hơn 200 năm từ cuộc cách mạng công nghiệp ở châu Âu, dù GDP Trung Quốc gấp hơn 5 lần so với châu Âu ở thời điểm 1860 nhưng cung cách làm việc ở đây vẫn chẳng khác gì thế kỷ 19.
Đây là điểm khởi đầu cho bi kịch con người. Hậu quả lâu dài vẫn tiếp diễn. Trong một môi trường khủng hoảng xã hội, bất mãn với đời, sự bất ổn ngày một rõ nét. Bạo động, chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa cực đoan chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi bùng phát.