Đám tang khinh khí cầu ở Nhật Bản
Nhật Bản đã bước vào một xã hội dân số già hóa, số người chết tăng cao dẫn đến hiện tượng “thiếu nơi chôn cất”, nhu cầu về lễ tang sáng tạo không ngừng tăng lên, tang lễ khinh khí cầu đã trở nên phổ biến.
Một tang lễ khinh khí cầu ở Nhật do Công ty Baloon tổ chức
Tờ “Chosun Ilbo” của Hàn Quốc ra ngày 4/7 đưa tin, “Balloon Kobo” là một công ty Nhật Bản cung cấp dịch vụ “tang lễ khinh khí cầu”. Họ cho tro cốt sau khi hỏa thiêu vào bóng bay rồi thả đưa lên không trung. Công nghệ đã được cấp bằng sáng chế này là đưa một quả bóng bay chứa đầy khí heli lên độ cao từ 40 đến 50 km trong tầng bình lưu, để bóng bay phát nổ tự nhiên và tro cốt của người quá cố được rải trên bầu trời.
Chi phí cho việc “thiên táng” này là 240.000 yên (khoảng 1.650 USD), và có thể trả thêm tiền để hợp táng với người thân hoặc thú cưng. Gần đây, số lượng người sử dụng liên tục gia tăng và chỉ riêng số người đặt trước dịch vụ này đã vượt quá 100.
Gần đây, tờ The Economist của Anh đã đăng một bài báo giới thiệu về lễ tang khinh khí cầu của Nhật Bản, chỉ ra rằng “Gần đây, Nhật Bản, quốc gia bước vào xã hội siêu già sớm, đã chứng kiến số người chết tăng mạnh, vì vậy nhu cầu về nhiều hơn những đám tang sáng tạo tiếp tục gia tăng”.
Nhật Bản, quốc gia có tuổi thọ trung bình cao và tỷ lệ sinh thấp, ngay từ năm 2006 đã bước vào xã hội siêu già hóa. Trong thời kỳ tuổi thọ con người ngày càng kéo dài do y học phát triển… thì số người chết cũng giảm theo. Nhưng mọi người không thể sống mãi và khi những người già ở Nhật Bản lần lượt qua đời, số người chết có thể tăng lên nhanh chóng.
Năm ngoái, có hơn 1,5 triệu người qua đời ở Nhật Bản, con số cao nhất kể từ sau Thế chiến II. Vào đầu những năm 1990, số người tử vong ở Nhật Bản là khoảng 860.000 người, con số này đã tăng lên 1,26 triệu vào năm 2012 và tiếp tục tăng lên 1,58 triệu vào năm ngoái.
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, đến 2040, số người tử vong trong năm ở Nhật Bản sẽ lên tới 1,68 triệu người. Với 4.300 người chết mỗi ngày, Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu các cơ sở tang lễ. Lấy thủ đô Tokyo làm ví dụ, chỉ có 0,19 lò hỏa táng trên 100.000 người.
Do số lượng người chết ngày càng tăng, không có nơi thích hợp để đặt hài cốt trước khi hỏa táng, thậm chí các cơ sở “khách sạn thi hài” đã xuất hiện ở Nhật Bản. Trả khoản thanh toán mỗi ngày từ 7.500 đến 10.000 yên, thi hài người chết có thể được đặt ở đây cho đến khi được hỏa táng.
Những hiện tượng này đã thay đổi nhận thức của người Nhật về cái chết và tang lễ. Phương thức tang lễ truyền thống của Nhật Bản là hỏa táng thi thể người chết, đặt vào trong bình và lập bia mộ cho người quá cố. Hầu hết các đám tang đều theo nghi lễ đạo Phật, con trưởng chịu chi phí quản lý của nhà chùa. Trong ngày Lễ Obon, các thành viên trong gia đình đi tảo mộ để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên của mình.
Trước đây, việc rải tro cốt sau khi hỏa táng xuống núi hoặc biển bị coi là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, sau những năm 1990, với việc tỷ lệ sinh giảm mạnh, số gia đình một con tăng lên, tuổi thọ trung bình tăng cao, hiện nay nhiều người con của những người già đã qua đời cũng đã là “người cao tuổi”. Nói cách khác, họ khó có thể tổ chức một quy trình tang lễ hoàn chỉnh đòi hỏi nhiều thời gian và tinh lực. Chỉ riêng trong năm 2020 Nhật Bản đã đóng cửa 120.000 nghĩa địa.
Vì những lý do trên, nhu cầu của người dân về “đám tang đơn giản mà tươm tất” tăng lên rất nhiều, tục trồng cây thay cho bia mộ cũng bắt đầu tăng lên. Mọi người đang chọn cách trồng cây thay vì mua những bia mộ đắt tiền có giá trung bình 1 triệu yên (6.945 USD). Theo một cuộc khảo sát, khoảng một nửa số người mua đất mộ nghĩa địa ở Nhật Bản năm ngoái đã chọn “thụ táng” (trồng cây trên mộ).
Giống như đám tang khinh khí cầu, “đám tang hòa vào thiên nhiên” thoát khỏi tập tục truyền thống đã trở nên phổ biến trên khắp Nhật Bản. The Economist viết: “Các nghi thức tang lễ đang thay đổi ở Nhật Bản do tình trạng thiếu không gian nghĩa địa đẩy giá đất lên cao và ít người thân tổ chức tang lễ, quản lý mộ và phúng viếng những người đã khuất”.
Tờ “The Asahi Shimbun” đưa tin: “Trong một xã hội nhiều người chết do siêu lão hóa, làm thế nào tuân thủ nghi lễ với người chết là một vấn đề nghiêm trọng mà lĩnh vực công cộng phải đối mặt”. Ví dụ điển hình nhất là đám tang của người già trong một gia đình nhận được sự hỗ trợ phúc lợi.
Tại Nhật Bản, có khoảng 1,65 triệu người nhận trợ cấp an sinh, 55% trong số đó là người cao tuổi. Các văn phòng phúc lợi trực thuộc chính quyền địa phương chịu trách nhiệm quản lý và giúp đỡ những người này, luôn ở trong tình trạng thiếu nhân lực. Thực tế là họ phải tập trung tinh lực hỗ trợ những người sống như hỗ trợ đời sống, hỗ trợ việc làm mà lơ là việc hỗ trợ người chết. Có thông tin cho rằng 70% các tổ chức tự quản địa phương ở Nhật Bản không có đủ số lượng cần thiết.
Nguồn: [Link nguồn]
Chính phủ Nhật Bản dự kiến bắt đầu xả nước phóng xạ đã qua xử lý xuống biển trong đầu tháng 8, sau khi được cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc cho phép, Nikkei...