Đàm phán Nga - Ukraine bế tắc, xung đột có chiều hướng gia tăng

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã bước vào tháng thứ ba mà chưa ai biết kết cục sẽ ra sao. Đáng tiếc là trong bối cảnh tình hình tiếp tục leo thang nguy hiểm, các nỗ lực hòa bình lại bị đình trệ.

Không có dấu hiệu nhượng bộ

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang trở nên khốc liệt hơn. Trong khi Mỹ và các đồng minh gấp rút viện trợ thêm nhiều xe tăng, pháo, đạn dược cho Ukraine nhằm giúp nước này tăng cường khả năng phòng thủ và kháng cự, thì quân đội Nga đang quyết tâm giành được những mục tiêu đề ra bằng cách đẩy mạnh các cuộc tấn công. Trong cuộc họp báo tối 5-5, người phát ngôn chính thức của Bộ Quốc phòng Nga cho biết Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga đã tiến hành các cuộc không kích vào 45 mục tiêu quân sự của Ukraine, trong đó có 2 sở chỉ huy, 41 điểm tập trung nhân lực và thiết bị quân sự của Ukraine, cũng như một kho vũ khí tên lửa và pháo.

Xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn diễn ra căng thẳng

Xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn diễn ra căng thẳng

Theo các chuyên gia, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Nga muốn chấm dứt chiến dịch quân sự. Ông Zia Haque, Giám đốc Viện nghiên cứu hòa bình và xung đột Baker nhận xét: “Ông Vladimir Putin có lẽ đang muốn tìm kiếm một thắng lợi lớn để Nga có thể đạt được các điều khoản mà nước này đưa ra trong cuộc đàm phán”. Còn về phía Ukraine, phát biểu trên chương trình “Face the Nation” của CBS, ông Denys Shmyhal, Thủ tướng Ukraine khẳng định: “Tôi nghĩ rằng cuộc chiến này chỉ kết thúc khi chúng tôi quét sạch các lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ của mình”.

Những diễn biến trên cho thấy không bên nào tỏ ra sẵn sàng nhượng bộ. Ông David Petraeus - cựu Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho rằng: “Chắc chắn sẽ có sự thương lượng, nhưng đến lúc đó sẽ có rất nhiều cuộc giao tranh diễn ra khi mỗi bên cố gắng gia tăng đòn bẩy cho mình trên bàn đàm phán”. Theo ông David Petraeus, đây sẽ là một cuộc chiến hao người tốn của và nó không chỉ diễn ra trên chiến trường mà còn tác động đến hệ thống tài chính, kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp của cả Nga lẫn Ukraine.

Trong khi đó, phương Tây đang đẩy nhanh việc viện trợ quân sự cho Ukraine. Mỹ đã thông qua gói viện trợ quân sự 1,6 tỷ USD dành cho Ukraine. Tổng thống Joe Biden cũng yêu cầu Quốc hội phê chuẩn gói viện trợ bổ sung 33 tỷ USD cho Ukraine, trong đó 11,4 tỷ USD để mua sắm trang thiết bị quân sự. Quốc hội Mỹ cũng thông qua đạo luật chương trình viện trợ Cho vay - Cho thuê thời Thế chiến thứ hai, cho phép Mỹ cho vay hoặc viện trợ khí tài quân sự đến các nước đồng minh trong thời gian ngắn nhất. Ngoài gói viện trợ khổng lồ cho Ukraine, Mỹ cũng đang tìm kiếm lệnh trừng phạt mới để nhắm vào giới tài phiệt Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng đã nhóm họp với Bộ trưởng Quốc phòng 40 nước đồng minh để tăng cường khả năng quân sự của Ukraine. Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ muốn nhìn thấy Nga suy yếu và tin rằng Ukraine có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến nếu có vũ khí thích hợp. Phương Tây cũng đang tính đến một sự viện trợ dài hạn dành cho Kiev. Hiện tại, mỗi ngày có khoảng 8-10 chuyến bay chuyển vũ khí đến các căn cứ NATO nằm gần Ukraine, chủ yếu là Ba Lan và Romania.

Nga nhiều lần chỉ trích việc Mỹ và đồng minh cung cấp vũ khí cho Ukraine là hành động nguy hiểm, đồng thời cảnh báo bất cứ lô vũ khí nước ngoài nào vào Ukraine cũng có thể trở thành mục tiêu hợp pháp của lực lượng Nga. Hiện Nga đang nỗ lực cắt đường viện trợ vũ khí của phương Tây cho Ukraine. Ông Evgeny Buzhinskiy - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chính trị Nga khẳng định: “Tất cả vũ khí được vận chuyển vào Ukraine từ Ba Lan, chúng được tập hợp ở phía Tây của Ukraine và sau đó được vận chuyển bằng đường sắt đến chiến trường phía Đông. Con đường này nên được cắt bỏ ngay lập tức”. Viện trợ vũ khí và phá hủy kho vũ khí được viện trợ, cả Nga và phương Tây đang ăn miếng trả miếng nhau, khiến cuộc chiến tại Ukraine ngày một kéo dài.

Bế tắc trên bàn đàm phán

Chỉ cách đây 1 tháng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn còn cân nhắc ý tưởng về một Ukraine trung lập, không gia nhập NATO và gợi ý rằng các lực lượng ở miền Đông Ukraine nên được công nhận. Ông Volodymyr Zelensky nêu rõ: “Đối với mong muốn của Nga về tình trạng trung lập của Ukraine, nếu đây là một trong những điều khoản của thỏa thuận về việc chấm dứt chiến tranh, chúng tôi sẵn sàng xem xét nghiêm túc”. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng nhấn mạnh rằng, nước này chỉ thực hiện bước đi trên khi có được sự đảm bảo an ninh từ các quốc gia cụ thể và nếu đạt được những thỏa thuận nghiêm túc, Ukraine sẽ tổ chức trưng cầu dân ý và đưa ra quyết định.

Tuy nhiên, hiện nay, nhà lãnh đạo Ukraine dường như sẵn sàng chiến đấu với Nga lâu dài. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với CNN, ông Volodymyr Zelensky khẳng định Ukraine sẽ không từ bỏ lãnh thổ và nếu cần thiết sẽ chiến đấu với Nga trong 10 năm. Các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine thì đã đình trệ. Vòng đàm phán trực tiếp gần đây nhất giữa hai bên ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra cách đây đã hơn một tháng. 

Ông Charles Kupchan, một cựu quan chức cấp cao Mỹ và hiện là học giả về quan hệ quốc tế tại Đại học Georgetown nhận định: “Tình hình sẽ trở nên ngày càng nguy hiểm hơn”. Theo ông Charles Kupchan, ngoài việc cung cấp các tên lửa Javelin và tên lửa chống tăng, phương Tây cần tìm cách truyền đạt với Nga rằng những nước này sẵn sàng dừng các biện pháp trừng phạt nếu có một giải pháp quốc tế phù hợp. Đáng tiếc là các cuộc đàm phán như vậy khó có khả năng xảy ra bởi cả Nga và Ukraine dường như đều chuẩn bị để chiến đấu lâu dài.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thừa nhận lệnh ngừng bắn trong tương lai gần khó có thể xảy ra và rằng cuộc chiến “sẽ không kết thúc bằng những cuộc gặp”. Còn Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley thì nhận định “một cuộc xung đột kéo dài” cần “ít nhất một vài năm để giải quyết”.

Trong bối cảnh khó khăn đó, các nỗ lực kiến tạo hòa bình vẫn tiếp tục diễn ra. Mới đây, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) có hành động chung mới để giúp khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình bị đình trệ giữa Nga và Ukraine. Ông Di Maio cho biết Italy đã nỗ lực kể từ phút đầu tiên của cuộc xung đột ở Ukraine vì hòa bình và ổn định, ủng hộ việc mở các hành lang nhân đạo và ngừng bắn. Song, theo nhà ngoại giao này, cam kết của một quốc gia là không đủ và EU cần có hành động hợp lý để tạo điều kiện cho việc đạt được lệnh ngừng bắn ở phạm vi các địa phương, một thỏa thuận ngừng bắn chung và sau đó là một hiệp định hòa bình.

Nguồn: [Link nguồn]

Hội đồng Bảo an LHQ lần đầu tiên ra tuyên bố về xung đột Nga – Ukraine

Việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lần đầu tiên đạt được đồng thuận để đưa ra tuyên bố chung về xung đột Nga – Ukraine được đánh giá là “bước ngoặt” để hướng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Sơn ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN