Đại sứ quán Nga bị ném bom khói sau vụ bắt tàu Ukraine
Kênh truyền hình 112 Ukraine hôm 26-11 đưa tin một số phần tử quá khích đã ném pháo sáng và bom khói vào Đại sứ quán Nga tại thủ đô Kiev.
Động thái trên diễn ra sau khi lực lượng Nga nổ súng và bắt giữ 3 tàu của hải quân Ukraine gần bán đảo Crimea.
Trước đó trong ngày, truyền thông địa phương cho biết các nhà hoạt động Ukraine đã mang lốp xe và tàu giấy đến cửa chính đại sứ quán Nga.
Các nhân viên thực thi pháp luật Ukraine sau đó được triển khai tới hiện trường để giải quyết tình hình, bao gồm cảnh sát trưởng Kiev Andriy Kryschenko.
Một số phần tử quá khích đã ném pháo sáng và bom khói vào Đại sứ quán Nga tại thủ đô Kiev. Ảnh: Twitter
Các nhà hoạt động Ukraine đã mang lốp xe và tàu giấy đến cửa chính đại sứ quán Nga. Ảnh: Twitter
Các nhân viên thực thi pháp luật Ukraine được triển khai tới hiện trường. Ảnh: Twitter
Trong khi đó, Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine hôm 26-11 quyết định áp đặt tình trạng thiết quân luật trên cả nước trong vòng 2 tháng. Đề xuất này được Tổng thống Petro Poroshenko ủng hộ.
Theo hải quân Ukraine, hôm 25-11, lực lượng đặc biệt Nga đã lên 3 tàu Berdyansk, Nikopol và Yani Kapu rồi bắt giữ chúng. Khi ấy, 3 tàu của hải quân Ukraine đang di chuyển từ TP Odessa đến cảng Mariupol trên biển Azov do Kiev kiểm soát.
Cùng ngày, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) xác nhận họ bắt giữ 3 tàu Berdyansk, Nikopol và Yani Kapu do chúng "xâm phạm biên giới liên bang Nga, không tuân thủ quy định pháp lý và có những hành động gây nguy hiểm".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova mô tả "sự khiêu khích" của tàu Ukraine "giống kiểu của xã hội đen".
Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), Dmitry Polyanskiy, cho biết Moscow đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ khẩn để thảo luận về sự leo thang nguy hiểm trên biển Azov cũng như các diễn biến kế tiếp.
Cuộc họp được lên kế hoạch vào 11 giờ ngày 26-11 (giờ New York – Mỹ). Ông Polyanskiy nói rằng "duy trì hòa bình và an ninh quốc tế" là chủ đề duy nhất trong chương trình nghị sự.
Sau vụ Nga bắt 3 tàu Ukraine, cả hai bên đều cáo buộc nhau vi phạm luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS). Tổng thống Poroshenko đề nghị NATO và Liên minh châu Âu (EU) phản đối hành động của Nga. Hai tổ chức này hôm 25-11 kêu gọi Nga ngay lập tức dừng hoạt động ngăn chặn tàu Ukraine qua eo biển Kerch, đồng thời thúc giục cả hai bên phải kiềm chế.
Toàn bộ quân đội Ukraine được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, trước căng thẳng mới nhất với Nga ở eo biển...