Đại sứ Nga nói châu Âu gánh hậu quả khi theo Mỹ chặn đường ống Nord Stream 2
Đại sứ Nga Anatoly Antonov nói chính sách của Mỹ về việc chặn đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 là một thất bại đối với châu Âu hơn là với Nga.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz kiểm tra tuabin khí nén sử dụng cho đường ống Nord Stream 1 vào ngày 3/8/2022.
Những rắc rối mà châu Âu đang gặp phải vì tình trạng khan hiếm khí đốt là do áp lực của Mỹ trong việc ngăn chặn đường ống Nord Stream 2 đi vào hoạt động, Đại sứ Nga tại Washington, Anatoly Antonov trả lời phỏng vấn trên truyền hình vào ngày 17/8, theo RT.
Với động thái này, Mỹ đã giành được chiến thắng, nhưng không phải trước Nga mà là trước các ngành công nghiệp châu Âu, vốn đang phải dựa vào "khí đốt tự do" vốn đắt tiền hơn của Mỹ. "Khí đốt tự do" (freedom gas) là cụm từ từng được Bộ Năng lượng Mỹ thời Tổng thống Donald Trump dùng để nói về khí đốt hoá lỏng mà Mỹ xuất khẩu ra thế giới, trao cho các đồng minh một "nguồn năng lượng sạch, giá phải chăng".
"Dù Washington có phác họa Nga là nhà cung cấp năng lượng không đáng tin cậy như thế nào, điều đó là không chính xác", ông Antonov trả lời trên kênh truyền hình Russia-24.
"Vấn đề khí đốt hiện nay là kết quả của các lệnh trừng phạt và hạn chế mà khởi đầu bắt nguồn từ Mỹ", ông Antonov nói. "Nga luôn sẵn sàng bán khí đốt giá rẻ và chất lượng cao cho bất cứ ai".
Ông Antonov nêu ví dụ về đường ống khí đốt Nord Stream 2, đường ống mới được hoàn thành vào năm ngoái, được thiết kế để vận chuyển thêm khí đốt từ Nga tới Đức.
Đường ống hiện chưa thể đi vào hoạt động vì cuộc xung đột ở Ukraine, dù một số giới chức và lãnh đạo các ngành công nghiệp Đức rất mong chờ Nord Stream 2.
"Đường ống nếu đi vào hoạt động sẽ giải quyết toàn bộ các vấn đề đang gặp phải với Nord Stream 1", ông Antonov nói. "Vấn đề chỉ là ý chí chính trị, châu Âu chỉ cần ấn một nút là khí đốt được chúng tôi bơm qua đường ống này. Nhưng các nước EU đang chịu sức ép từ Mỹ và phải mua khí hóa lỏng (LNG) đắt hơn từ Washington".
Nga hiện duy trì lưu lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 ở mức 20% so với tổng công suất thiết kế, viện dẫn những trục trặc kỹ thuật liên quan đến các tuabin.
Điều này khiến nhiều quốc gia châu Âu lo ngại về viễn cảnh không tích trữ đủ khí đốt cho mùa đông, cũng như luôn có khả năng đường ống sẽ bị ngắt hoàn toàn.
Theo ông Antonov, do vấn đề về địa lý, khí hóa lỏng của Mỹ xuất khẩu sang châu Âu không bao giờ nhanh và đáp ứng đủ nhu cầu như khí đốt được Nga vận chuyển trực tiếp bằng đường ống.
Trả lời về nỗ lực của Mỹ và các đồng minh nhằm cố gắng áp đặt giới hạn về giá xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga, ông Antonov nói nỗ lực này sẽ chỉ phản tác dụng, vì sẽ có sự phân bổ lại thị trường hàng hóa "không có lợi cho các nước phương Tây".
Robert Habeck – Bộ trưởng Kinh tế Đức – nêu quan điểm về Nord Stream 2 trong bối cảnh một số ý kiến cho rằng, Berlin nên thay đổi chính sách với khí đốt Nga.
Nguồn: [Link nguồn]