Đài Loan: Cần câu bất ngờ cong vút, ngư dân chật vật lôi "rồng biển" 6 mét lên bờ
Theo truyền thông đảo Đài Loan, chiều dài và cân nặng của con "rồng biển" mới bắt được thậm chí còn "khủng" hơn con từng gây ấn tượng về kích thước năm 2021.
Video: Ngư dân Đài Loan đưa "rồng biển" dài 6 mét, nặng 131 kg vào bờ. Nguồn: Youtube
Theo Taiwan News, chiều 9/6, Lin Ifan - ngư dân 31 tuổi - đi câu cá ở khu vực ngoài khơi làng Xianglan, thị trấn Thái Ma Lý, huyện Đài Đông, đảo Đài Loan.
Khoảng 14h, Lin Ifan thấy cần câu bất ngờ bị uốn cong vút. Bằng kinh nghiệm câu cá, ngư dân 31 tuổi biết rằng một con cá khổng lồ đã mắc câu, theo tờ Liberty Times.
Lin Ifan chia sẻ, lực kéo của con cá là rất lớn. Ngư dân này nhiều lần dùng hết sức ghì và kéo con cá lên nhưng bất thành. Sau 40 phút chật vật, Lin Ifan mới khuất phục được con cá khổng lồ và phát hiện nó là một con "rồng biển" (hay còn gọi là cá mái chèo) dài 6 mét, nặng 130 kg. Ngư dân này đưa con cá vào bờ và rất nhiều người đã tới chụp ảnh với sinh vật biển khổng lồ.
"Rồng biển" dài 6 mét, nặng 130 kg bị ngư dân đảo Đài Loan khuất phục. Ảnh: CNA
Ho Yuan-hsing, giám đốc Viện nghiên cứu Thủy sản, thuộc Trung tâm nghiên cứu sinh vật biển phía đông đảo Đài Loan, nói với báo chí rằng, con "rồng biển" mà Lin Ifan câu được thuộc giống cá mái chèo Russell - thường được biết đến với biệt danh "sứ giả long cung" hay "cá động đất".
Ông Ho Yuan-hsing cho biết, con "rồng biển" này rất dài và xuất hiện ở vùng nước nông, nơi ngư dân Lin Ifan thả câu, do một số thay đổi về độ đục hoặc môi trường đáy biển vì mưa lớn gần đây. Theo vị chuyên gia này, "rồng biển" thường chỉ trôi dạt vào bờ khi chúng bị thương, bị bệnh hoặc bị sóng cuốn.
Ông Ho Yuan-hsing còn cho biết đây là lần đầu tiên ông nghe về thông tin ngư dân câu được "rồng biển". Khi bị bắt sống, con "rồng biển" này chắc hẳn rất khỏe mạnh vì nếu bị bệnh, loài này không ăn mồi câu, theo ông Ho Yuan-hsing. Trước đó, ngư dân Lin Ifan nói với truyền thông rằng câu được con "rồng biển" dài 6 mét bằng mồi câu cá.
Theo Taiwan News, con "rồng biển" do Lin Ifan bắt được có kích thước lớn hơn rất nhiều so với con bắt được vào tháng 11/2021 ở khu vực ngoài khơi thuộc huyện Nghi Lan, đảo Đài Loan. Con "rồng biển" bắt được năm 2021 dài 4,9 mét, nặng 45 kg và được bán với mức giá 16.000 Đài tệ (gần 13 triệu đồng).
Tại Nhật Bản, "rồng biển" từ lâu được sử dụng làm hình ảnh minh họa trong văn hóa dân gian. Theo niềm tin truyền thống của người Nhật, nếu "rồng biển" xuất hiện nhiều, rất có thể một trận động đất sẽ xảy ra trong tương lai gần hoặc xa.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học không đồng tình với quan niệm trên.
Theo Guardian, năm 2019, một số chuyên gia đã so sánh hồ sơ về các lần bắt gặp "rồng biển" với hồ sơ động đất trong khoảng 91 năm. Họ không tìm thấy liên hệ nào giữa “rồng biển” và các trận động đất lớn. Vì trong số 363 lần "rồng biển" xuất hiện và 221 trận động đất 6 độ Richter trở lên ghi nhận từ năm 1928 đến 2019, chỉ có một lần động đất xảy ra trong vòng 30 ngày và trong bán kính 100 km kể từ khi phát hiện "rồng biển".
Năm 2017, Hiroshi Tajihi, một chuyên gia đến từ Trung tâm động đất Kobe, nói: “Việc coi "rồng biển" có thể dự báo động đất chỉ là quan niệm mê tín, không có mối liên hệ rõ ràng giữa động đất và những loài cá dưới biển sâu”.
Năm 2013, hiện tượng "rồng biển" xuất hiện liên tục từng được ghi nhận ở bang California, Mỹ. Nhưng chưa từng ghi nhận trận động đất nào xảy ra sau khi sinh vật biển này xuất hiện.
Nguồn: [Link nguồn]
Ba quái vật biển sâu, được xác định là "rồng biển" huyền thoại, đã bị hóa đá ở nơi không thể tin nổi: trên đỉnh các ngọn núi thuộc dãy Alps, độ cao lên tới 2.740...