Đài Loan: Bắt được "hóa thạch sống" 800kg, ngư dân bị chỉ trích
Kiểm tra kỹ phần bụng của sinh vật biển, ngư dân còn phát hiện điều bất ngờ.
"Hóa thạch sống" bị ngư dân đảo Đài Loan bắt được ngày 13/6. Ảnh: Taiwan Ocean Artistic Museum
Taiwan News ngày 14/6 đưa tin, một số ngư dân đã bắt được con cá mập yêu tinh có kích thước "khủng" ở khu vực ngoài khơi bờ biển phía đông bắc đảo Đài Loan (Trung Quốc).
Tối 13/6, trang Facebook của Bảo tàng Nghệ thuật Đại dương Đài Loan có bài viết cho biết, các ngư dân hoạt động ở khu vực cảng cá Nanfang'ao (Nam Phương Áo), thuộc thị trấn Tô Áo, huyện Nghi Lan, đảo Đài Loan, đã bắt được một con cá mập yêu tinh (tên khoa học: Mitsukurina owstoni) dài 4,7m và nặng 800kg.
Loài cá mập này được mệnh danh là "hóa thạch sống" vì là loài cuối cùng còn sót lại trong họ cá mập Mitsukurinidae có niên đại 125 triệu năm. Cá mập yêu tinh có vẻ ngoài kỳ dị với phần mõm dài, hàm nhô ra làm lộ phần răng sắc nhọn như móng vuốt và cặp mắt nhỏ không có mí.
Với chiều dài 4,7m, con cá mập yêu tinh này là con lớn nhất bắt được ở khu vực ngoài khơi đảo Đài Loan.
Con cá mập yêu tinh "sa lưới" ngư dân Đài Loan dài 4,7m và nặng 800kg. Ảnh: Su-ao Fishermans Association
Theo Bảo tàng Nghệ thuật Đại dương Đài Loan, các ngư dân vô tình bắt được con cá mập yêu tinh và phát hiện ra nó đang mang thai. Ban đầu, các ngư dân muốn bán con cá mập cho một nhà hàng. Nhưng sau đó, nhân viên bảo tàng thuyết phục họ bán lại con cá để phục vụ mục đích giáo dục. Con cá mập sẽ được trưng bày ở bảo tàng trong tương lai.
Sau khi thông tin về con cá mập yêu tinh được lan truyền trên mạng xã hội, nhiều cư dân mạng đã chỉ trích các ngư dân về việc sử dụng lưới kéo đánh bắt hải sản. Họ cho rằng hành động này nên bị cấm để tránh ảnh hưởng tới các loài quý hiếm như cá mập yêu tinh. Một số người phân vân liệu các ngư dân có bị phạt vì hành vi đánh bắt bằng lưới kéo hay không.
Theo quy định về vị trí khu vực đánh cá bị cấm với tàu đánh cá và các biện pháp hạn chế liên quan do Hội đồng Nông nghiệp đảo Đài Loan ban hành, tàu đánh cá bị cấm kéo, thả hoặc nâng lưới trong phạm vi 5km tính từ bờ biển. Các tàu lưới kéo có trọng tải từ 50 tấn trở lên bị cấm giăng lưới trong phạm vi 12km tính từ bờ biển.
Hoạt động đánh bắt bằng lưới được cho là có thể gây tác động xấu đến môi trường. Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature ngày 17/3 cho biết hoạt động đánh bắt bằng lưới vét đáy biển tạo ra lượng CO2 mỗi năm tương đương với toàn bộ lượng CO2 thải ra trong ngành hàng không trong năm đó.
Nguồn: [Link nguồn]
Một loài cá mập tồn tại từ thời tiền sử với 300 chiếc răng nhọn từng được tìm thấy ở độ sâu 600 mét dưới đáy đại dương.