Đại kỳ án quốc khố nhà Thanh: Hoàng đế “keo kiệt” mất trộm hơn 9 triệu lạng bạc
Tiết kiệm đến nỗi chỉ dám mặc áo vá nhưng hơn 9 triệu lạng bạc trong quốc khố lại “không cánh mà bay”, cháu nội hoàng đế Càn Long ngày càng suy sụp.
Đạo Quang – hoàng đế nổi tiếng “keo kiệt” (ảnh: Sohu)
Hoàng đế “keo kiệt”
Đạo Quang (1782 – 1850) là hoàng đế thứ 8 của nhà Thanh. Ông là con trai hoàng đế Gia Khánh, cháu nội vua Càn Long.
Đạo Quang trị vì 30 năm. Dưới triều đại của ông, Trung Quốc chứng kiến nhiều biến động lớn, đặc biệt là cuộc Chiến tranh thuốc phiện lần 1 (1840 – 1843) thất bại khiến nhà Thanh gần như nghiêng đổ.
Sau cuộc chiến này, các nước phương Tây bắt đầu xâm nhập và xâu xé Trung Quốc. Nhà Thanh buộc phải để Anh được độc quyền buôn bán thuốc phiện, cắt đất Hong Kong cho Anh và mở nhiều thương cảng cho phương Tây buôn bán, tự do truyền đạo.
Theo Sohu, Đạo Quang là hoàng đế có đức tính cần kiệm, thương dân, nhưng thiếu tài trị quốc. Trong bối cảnh ngoại bang lấn át, ông không chủ trương cải cách, nâng cao sức mạnh quân đội mà lại hô hào… tiết kiệm.
Đạo Quang là vị vua tiết kiệm nhất lịch sử Trung Quốc, thậm chí có thể nói là keo kiệt, theo Sohu. Tương truyền, ông tiếc tiền đến mức thèm ăn một quả trứng gà cũng không dám, quần áo thì vá chằng vá đụp. Để “chiều ý” vua, các quan đại thần thời Đạo Quang cũng thi nhau giả nghèo giả khổ, ăn mặc rách rưới. Dân gian truyền miệng, gọi triều đình của Đạo Quang là “ổ ăn mày”.
Tranh vẽ Đạo Quang thể hiện ông ăn mặc rất giản dị (ảnh: China News)
Thanh sử chép, trong triều có quan đại học sĩ là Tào Chấn Dung, vốn keo kiệt nên rất hợp tính hoàng đế. Một lần, nhìn 2 miếng vá trên chiếc quần rách của Tào Chấn Dung, Đạo Quang hỏi tiền vá hết bao nhiêu tiền. Tào Chấn Dung đáp “3 đồng”, hoàng đế giật nảy mình:
“Trời ơi, cũng 2 miếng vá như vậy, mà phủ nội vụ dám tính của trẫm những 5 lạng bạc”.
Từ đó, Đạo Quang ra lệnh cho hậu cung, từ hoàng hậu đến các cung nữ đều phải học may vá, thêu thùa. Mỗi khi có quần áo rách, hoàng đế có thể để họ sửa mà không mất tiền.
Bữa cơm của Đạo Quang rất hiếm khi có món thịt. Ông cho rằng thực phẩm trong ngự thiện phòng bị “đội giá” lên rất nhiều. Vì vậy, mỗi lần muốn ăn món gì, Đạo Quang lại sai Tào Chấn Dung ra chợ hỏi giá rồi than thở rằng đầu bếp trong cung không biết tiết kiệm.
Thanh sử chép, thời Đạo Quang, ngự thiện phòng thường xuyên bị khiển trách. Hoàng đế ra sức tiết kiệm, nhưng hoàng cung mỗi năm chi tiêu vẫn tốn cả trăm ngàn lạng bạc, ông rất “xót ruột”.
Kho bạc thời Thanh (ảnh minh họa)
Khủng hoảng quốc khố
Theo Qulishi, vào những năm cuối thời Đạo Quang, tài chính nhà Thanh kiệt quệ. Trong Chiến tranh thuốc phiện lần 1, nhà Thanh đã chi tiêu tới 30 triệu lạng bạc. Sau khi thua trận, còn phải bồi thường chiến phí 20 triệu lạng bạc cho Anh.
Thời Đạo Quang, sông Hoàng Hà liên tục tràn bờ, vỡ đê, chi phí đắp đê, cứu hộ nạn dân tiêu tốn hơn 20 triệu lạng bạc. Kinh tế nhà Thanh thời kỳ này cũng kém phát triển. Nguyên nhân chính là do chính sách “trọng nông ức thương”, quan lại tham nhũng và tiền bạc chảy vào túi người Anh do nạn hút thuốc phiện tràn lan.
Thanh sử chép, năm 1843 (sau Chiến tranh thuốc phiện lần 1), theo sổ sách, quốc khố nhà Thanh chỉ còn hơn 12 triệu lạng bạc. Đây là con số thấp nhất kể từ khi gia tộc Ái Tân Giác La dựng nước.
Nhưng chính Đạo Quang cũng không ngờ được rằng, quốc khố thực sự đã trống rỗng, và con số 12 triệu lạng bạc cũng chỉ là “ảo” mà thôi.
Quốc khố mất trộm khiến Đạo Quang điêu đứng (ảnh: Sina)
Vụ mất trộm chấn động
Thanh sử chép, đầu năm 1843, vỡ lở vụ trộm quốc khố do Trương Thành Bảo cầm đầu. Bạc nộp đến kho bộ Hộ (cơ quan quản lý tài chính thời Thanh), nhưng Trương Thành Bảo thông đồng với khố binh (lính canh kho bạc) ăn cắp, lại ghi vào sổ sách là đã nhập.
Mọi chuyện bắt đầu từ Trương Hưởng Trí, anh trai của Trương Thành Bảo. Người này muốn mua quan hàm cho con (thời Thanh cho phép dân thường được bỏ tiền mua tước quan, nhưng không có thực quyền) mà lại không đủ tiền. Trương Hưởng Trí đến nhờ cậy người em trai Trương Thành Bảo – quan coi kho của bộ Hộ.
Trương Thành Bảo câu kết với vài tên khố binh, trộm từ quốc khố 4.000 lạng bạc. Nhưng họ Trương ăn chia không đều, tự giấu một phần bạc làm của riêng nên trong đám trộm xảy ra tranh chấp, tố giác lẫn nhau.
Thanh sử chép, năm Đạo Quang thứ 23 (1843), quan coi kho bạc và lính khố binh trộm cắp. Sự việc không thể giấu giếm. Kinh động đến cả hoàng đế.
Đạo Quang nổi trận lôi đình. Ông lập tức ra lệnh cho bộ Hình (cơ quan điều tra, xét xử thời Thanh) kiểm tra quốc khố, bắt những kẻ có liên quan trị tội. Đích thân Đạo Quang cũng trực tiếp giám sát vụ án này.
Tuy nhiên, điều mà hoàng đế nhà Thanh không bao giờ ngờ tới là, số bạc trên sổ sách với số bạc còn lại trong kho chênh lệch tới 9.252.000 lạng. Thực tế, quốc khố nhà Thanh đã gần như trống rỗng rồi.
Thanh sử chép, quan bộ Hình kiểm tra các túi chứa 1.000 lạng bạc, bên trong hầu hết toàn gỗ. Sổ sách báo cáo quốc khố còn lại hơn 12 triệu lạng bạc, thực tế chỉ tìm thấy 2,9 triệu lạng, thâm hụt tới 9,25 triệu lạng bạc.
“Ngày 25/4/1843, Đạo Quang đay nghiến quần thần: Bỗng chốc lại mất tới 9.252.000 lạng bạc, quả là chuyện chưa từng thấy trên thế gian. Vận nước đang suy vi mà các ngươi lại thông đồng tệ hại, lòng lang dạ sói, bán nước hại dân. Bao nhiêu quan viên thân tín, trụ cột triều đình, vậy mà không một ai có lương tâm với trọng trách. Trẫm thật có mắt như mù, đã dùng lầm các ngươi”, Thanh sử chép.
Đạo Quang ra lệnh cho bộ Hình, bộ Hộ, bộ Lại (bộ quản lý, giám sát quan lại thời Thanh) và bộ Binh (bộ quản lý quân đội thời Thanh) phối hợp điều tra, quyết tìm ra chân tướng vụ án.
Khố binh thời Thanh (ảnh: Qulishi)
Trộm bạc thế nào?
9,25 triệu lượng bạc tương đương với 200 tấn. Nếu số bạc này được vận chuyển bằng xe tải trọng tải 4 tấn hiện đại, thì cũng phải huy động tới 50 xe. Vậy làm thế nào để vận chuyển số lượng bạc khổng lồ như vậy khỏi quốc khố – cơ quan được canh gác rất nghiêm ngặt.
Theo Qulishi, nhà Thanh có lệ chia bạc làm 3 kho:
- Nội khố: Kho bạc trong Tử Cấm Thành. Kho này có khoảng 1,2 triệu lạng bạc là tiền dự phòng của hoàng đế. Trong hoàn cảnh nguy biến, nếu phải lưu vong thì hoàng đế vẫn có bạc dùng. Bạc trong nội khố được đúc thành những thỏi lớn, loại 50 lạng/nén nên việc lấy cắp gần như không thể.
- Kho bạc của phủ Nội vụ: Kho này chủ yếu chứa ngọc ngà châu báu, đồ cổ, tranh chữ, vàng và rất ít bạc. Kho bạc của phủ Nội vụ thường được dùng để chi trả những lần “ban thưởng” của hoàng đế. Diện tích kho không lớn, bên trong chủ yếu là đồ vật nên dễ quản lý.
- Quốc khố do bộ Hộ quản lý: Đây là kho bạc lớn nhất nhà Thanh, chứa toàn bạc trắng loại thông dụng. Các hoạt động thu chi trong quốc khố diễn ra hàng ngày, khay bạc chuyển ra – chuyển vào liên tục không ngớt.
Theo Qulishi, quốc khố nhà Thanh được quân đội bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng cũng là nơi dễ xảy ra trộm cắp nhất vì một lổ hổng – khố binh.
Thời Thanh, khố binh chỉ được tuyển từ người Mãn (không chọn người Hán) có lý lịch trong sạch. Mỗi khố binh chỉ được làm việc 3 năm, sau đó phải thay lớp khác.
Trước khi vào quốc khố, khố binh phải cởi bỏ hết quần áo, mặc một loại đồng phục chuyên dụng (không có túi). Khi tan ca, khố binh phải cởi bỏ đồng phục, trèo lên một chiếc ghế cao trong tình trạng trần truồng, giơ 2 tay lên trời rồi vỗ đánh bốp một tiếng, sau đó dạng háng, hóp bụng, chổng mông lên và hét lớn “ra ngoài” 3 lần. Lúc này, lính canh sẽ tới, kiểm tra kỹ càng một lượt rồi cho khố binh nhận lại quần áo và ra về.
Những động tác có vẻ kỳ lạ nói trên là cách khố binh chứng tỏ rằng họ không giấu bạc trong người. Nhưng sự thật là họ không thiếu “mưu ma chước quỷ” để qua mặt lính canh.
Theo Qulishi, khố binh thời Thanh có 3 cách để trộm bạc khỏi quốc khố:
- Cốc đạo tàng ngân (giấu bạc trong hậu môn): Với cách làm này, khố binh bôi mỡ lợn và một ít thuốc làm mềm xương vào thỏi bạc, sau đó nhét từng thỏi vào hậu môn. Cao thủ “cốc đạo tàng ngân” mỗi lần có thể giấu khoảng 30 lạng bạc (1 lạng Trung Quốc = 50 gram).
Theo Qulishi, đối với khố binh, cách giấu bạc vào hậu môn tuy khá an toàn, nhưng phải khổ luyện vất vả. Đầu tiên, khố binh phải tập nhét trứng gà (có bôi mỡ) vào hậu môn, sau đó đổi thành trứng vịt, rồi đến trứng ngỗng, cuối cùng là trứng sắt có kích thước tương đương một thỏi bạc. Chịu được 10 – 12 quả trứng sắt nghĩa là đã luyện thành công.
Dù khổ sở là vậy, nhưng cách “cốc đạo tàng ngân” chỉ có thể sử dụng trong mùa hè. Vào mùa đông, mỡ lợn bị đông đặc, dễ để lại dấu vết.
- Giấu trong thùng nước: Khi làm việc trong quốc khố, khố binh được phép xách theo một thùng nước để uống giải khát. Thùng dùng ăn trộm có một ngăn bí mật dưới đáy để chứa vừa khít những thỏi bạc. Buổi chiều ra về, khố binh lật úp thùng, trút sạch nước trước mặt lính canh là được cho qua. Đôi khi, họ cũng phải hối lộ lính canh để tránh khỏi bị lục soát quá kĩ.
- Dùng ấm trà: Khố binh tìm cách nấu chảy bạc rồi đổ vào ấm trà. Ngâm nước lạnh cho bạc đông cứng dưới đáy ấm. Khi dốc ngược bình ra, bạc bên trong không bị rơi ra ngoài. Cách này tương đối khó vì việc đốt lò nấu bạc dễ bị phát hiện.
Thanh sử chép, sau khi điều tra, bộ Hình báo cáo việc khố binh ăn cắp bạc trong quốc khố đã kéo dài ít nhất 43 năm, tính từ lần đại kiểm toán gần nhất vào năm 1800 (thời vua Gia Khánh).
Từ năm 1801, quốc khố nhà Thanh được kiểm tra mỗi năm một lần, nhưng quan lại bộ Hộ làm việc tắc trách, chỉ đến xem qua sổ sách, đứng ngoài nhìn vào kho chứa bạc, dặn dò mấy câu, nhận tiền đút lót rồi rời đi.
Hoàng đế Đạo Quang khổ sở vì quan lại tham ô (ảnh: Qulishi)
Trừng trị muộn màng
Thanh sử chép, ngày 6/5/1843, Đạo Quang ra lệnh, tất cả quan viên từng phụ trách công việc trong quốc khố, tính từ năm 1801, đều phải chịu trách nhiệm bồi thường từ 500 đến 1.200 lạng bạc/tháng. Quan viên nào đã chết thì giảm số bạc bồi thường, nhưng con cháu phải nộp thay. Trong thời hạn 5 năm, nếu ai không nộp đủ số bạc ấn định thì bị khép tội, tùy theo mức độ mà xét xử.
Đối với đám khố binh, những kẻ làm việc từ năm 1801 đều bị tróc nã, đưa ra xét xử. Tuy nhiên, do số lượng phạm nhân đông đảo, thời gian gây án lại trải dài hơn 40 năm, chứng cứ gần như không có nên không thể xét xử.
Thanh sử chép, có một số vụ khố binh nhận tội hoặc có chứng cứ rõ ràng, phạm nhân đều bị xử chém, vợ con lưu đày đến Tân Cương. Nhưng số bạc chúng đã tiêu xài thì không làm cách nào thu lại được.
Theo Sina, hết thời hạn 5 năm mà Đạo Quang ấn định, số bạc do quan viên nộp lại quốc khố là 1,5 triệu lạng, số bạc thu được từ việc tróc nã khố binh là 0,38 triệu lạng. Tổng cộng xấp xỉ 1,9 triệu lạng, chưa bằng 1/4 số bạc đã mất. Hoàng đế Đạo Quang nghe báo cáo cũng chỉ biết “đấm ngực than trời”, không làm cách nào khác được. Lịch sử Trung Quốc gọi sự kiện này là “Thanh triều quốc khố đại kỳ án”.
Đạo Quang trị vì 30 năm, luôn dốc sức cần kiệm, mong có thể vực dậy uy thế Đại Thanh như thời Càn Long. Nhưng thất bại trước người Anh, lại thêm đòn “đâm sau lưng” của đám quan lại tham ô đã khiến ông nản chí, đành bất lực nhìn nhà Thanh trượt dài trên đường suy vong, Sina bình luận.
Thình lình “gã điên” từ đâu xuất hiện, tay cầm cây côn gỗ táo đánh thẳng vào cung thái tử, con trai Vạn Lịch Đế.
Nguồn: [Link nguồn]
-07/01/2025 17:51 PM (GMT+7)