Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết quan trọng về Palestine

Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết công nhận Palestine đủ điều kiện gia nhập LHQ với tỉ lệ ủng hộ áp đảo.

Ngày 10-5, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua nghị quyết công nhận Palestine đủ điều kiện để gia nhập LHQ và đề nghị Hội đồng Bảo an “xem xét lại vấn đề một cách thỏa đáng”, theo hãng tin Reuters.

Nghị quyết được thông qua với tỉ lệ áp đảo

Nghị quyết được thông qua với tỉ lệ ủng hộ áp đảo 143 phiếu thuận, 25 phiếu trắng và 9 phiếu chống. Các quốc gia bỏ phiếu chống gồm: CH Czech, Hungary, Argentina, Micronesia, Nauru, Palau, Papua New Guinea, Israel và Mỹ.

Palestine hiện là quan sát viên của LHQ.

Nghị quyết, do Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất soạn thảo, đã gây ấn tượng mạnh mẽ khi có hơn 100 đại diện quốc gia đã yêu cầu phát biểu về nghị quyết để nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ đối với nhà nước Palestine.

Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Palestine tại LHQ - ông Riyad Mansour đã trình bày về hoàn cảnh khó khăn của người Palestine ở Dải Gaza do chiến tranh tàn phá.

“Khi chúng ta đang nói chuyện, 1,4 triệu người Palestine ở Rafah đang tự hỏi liệu họ có sống sót qua ngày hôm nay hay không. Chúng tôi muốn hòa bình, chúng tôi muốn tự do. Bỏ phiếu thuận là bỏ phiếu cho sự tồn tại của người Palestine, điều này không chống lại bất kỳ nhà nước nào. Đó là một khoản đầu tư cho hòa bình” - ông Mansour nói.

Đại sứ Palestine tại LHQ - ông Riyad Mansour phát biểu trước cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng LHQ hôm 10-5. Ảnh: REUTERS

Đại sứ Palestine tại LHQ - ông Riyad Mansour phát biểu trước cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng LHQ hôm 10-5. Ảnh: REUTERS

Vị đại sứ cũng cảm ơn những người biểu tình phản chiến trong khuôn viên các trường ĐH ở Mỹ và các cuộc biểu tình ở những nước khác.

“Lá cờ của chúng tôi tung bay cao và đầy tự hào ở Palestine, trên toàn cầu cũng như trong khuôn viên ĐH Columbia (Mỹ). Nó đã trở thành biểu tượng của tất cả những người tin vào tự do và những người không còn có thể đứng yên trước sự bất công hoàn toàn” - Mansour nói.

Mặc dù cuộc bỏ phiếu của ĐHĐ không thể trao quyền thành viên LHQ cho Palestine, nhưng nghị quyết ngày 10-5 đã mang lại cho Chính quyền Palestine những quyền mới tại LHQ.

Theo đó, Palestine hiện có thể ngồi giữa các quốc gia thành viên theo thứ tự bảng chữ cái; trình và đưa ra các đề xuất, sửa đổi; và đồng soạn thảo các đề xuất và sửa đổi.

Palestine cũng có thể đưa ra các tuyên bố, giải thích về phiếu bầu và có quyền trả lời thay mặt cho một nhóm trong LHQ. Ngoài ra, Palestine cũng có thể yêu cầu đưa ra biểu quyết các đề xuất và yêu cầu đưa các đề xuất vào chương trình nghị sự tạm thời của ĐHĐ.

Tuy nhiên, Palestine vẫn không được tham gia bỏ phiếu.

Israel, Mỹ chỉ trích nghị quyết

Toàn cảnh phiên họp của ĐHĐ LHQ về tư cách thành viên của Palestine, diễn ra tại trụ sở LHQ ở TP New York (Mỹ) ngày 10-5. Ảnh: REUTERS

Toàn cảnh phiên họp của ĐHĐ LHQ về tư cách thành viên của Palestine, diễn ra tại trụ sở LHQ ở TP New York (Mỹ) ngày 10-5. Ảnh: REUTERS

Phát biểu ngay sau đại diện Palestine, Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan nói rằng vì một số quốc gia còn mang tư tưởng “ghét Do Thái” nên không quan tâm rằng người Palestine “không yêu chuộng hòa bình”.

Theo Hiến chương LHQ, tư cách thành viên được mở cho “các quốc gia yêu chuộng hòa bình” chấp nhận các nghĩa vụ trong hiến chương và có khả năng và sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ này.

Ngoại trưởng Israel - ông Israel Katz lên án việc ĐHĐ thông qua nghị quyết, mô tả đây là một “quyết định vô lý” nêu bật “sự thiên vị của LHQ” và khen thưởng hành động của Hamas trong cuộc tấn công vào Israel hôm 7-10-2023.

“Thông điệp mà LHQ đang gửi đến khu vực đau khổ của chúng tôi: bạo lực đã được đền đáp. Quyết định nâng cấp vị thế của người Palestine tại LHQ là một phần thưởng dành cho những kẻ khủng bố Hamas sau khi chúng thực hiện vụ thảm sát người Do Thái lớn nhất kể từ Holocaust” - ông Katz nói, đề cập sự kiện Đức Quốc xã diệt chủng người Do Thái trong thời gian Thế chiến hai.

Mỹ cảnh báo có thể phủ quyết nếu nghị quyết tương tự xuất hiện tại Hội đồng Bảo an. Đơn xin trở thành thành viên của LHQ cần phải được Hội đồng Bảo an thông qua và sau đó là ĐHĐ chấp thuận.

Sau cuộc bỏ phiếu, Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood mô tả nghị quyết là “không hiệu quả”, nói rằng “nền hòa bình lâu dài” ở Trung Đông có nghĩa là phải kết hợp giải pháp hai nhà nước với các yếu tố khác.

“Gaza không thể là nền tảng cho chủ nghĩa khủng bố, Israel không nên tái chiếm Gaza và quy mô lãnh thổ của Gaza không được giảm bớt” - ông Wood lưu ý.

Đại sứ Mỹ cũng cho rằng LHQ không nên là bên xem xét quy chế nhà nước của Palestine. Theo quan điểm của Washington, con đường nhanh chóng nhất hướng tới quy chế nhà nước và tư cách thành viên LHQ cho người dân Palestine là thông qua đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lên tiếng về việc Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo ngừng viện trợ vũ khí nếu Tel Aviv tiến quân vào Rafah.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THẢO VY ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN