Đại dương ngầm sâu 1.000 km quyết định sự sống Trái đất
Khoảng 70% bề mặt Trái đất bao phủ bởi nước nhưng vẫn có đại dương ngầm khổng lồ tồn tại sâu bên trong, đóng vai trò then chốt trong việc chi phối hoạt động địa chất, duy trì sự sống.
Tồn tại đại dương ngầm nằm sâu 1.000 km dưới bề mặt Trái đất.
Theo Daily Mail, nhóm nhà nghiên cứu ở Đại học Florida (Mỹ) và Đại học Edinburgh (Anh) tìm thấy bằng chứng về đại dương nước ngầm khổng lồ ẩn dưới bề mặt Trái đất khoảng 1.000 km.
Trong nghiên cứu đầu tiên, các nhà khoa học ước tính lượng nước tồn tại dưới bề mặt Trái đất sâu hơn những quan niệm trước đó, chứa khoáng chất ngậm nước gọi là brucite.
Mặc dù lượng nước chính xác chưa được xác định, nhưng các nhà nghiên cứu ước tính đại dương ngầm có thể chiếm tới 1,5% trọng lượng Trái đất, tương đương toàn bộ lượng nước ở các đại dương.
Các nhà nghiên cứu phát hiện dấu vết của nước, bắt nguồn từ kim cương hình thành cách đây 90 triệu năm.
Mainak Mookherjee, nhà khoa học dẫn đầu nhóm nghiên cứu nói: “Chúng tôi không nghĩ nước có thể được lưu trữ bởi khoáng chất ngậm nước brucite ở độ sâu này. Nhưng điều này đã được chứng minh. Chúng tôi cần phải xác định lượng nước tồn tại sâu dưới bề mặt Trái đất”.
Trong một nghiên cứu riêng biệt khác, các nhà khoa học đến từ Đại học Northwestern ở Illinois (Mỹ) cho rằng, lượng nước tồn tại ở một phần ba quãng đường đến phần lõi Trái đất.
Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy kim cương, phun lên mặt đất bởi núi lửa từ 90 triệu năm trước gần sông Sao Luiz, Junia (Brazil). Phân tích kim cương, các nhà nghiên cứu phát hiện bằng chứng về ion hydroxyl, vốn xuất hiện trong nước.
Không có đại dương ngầm, núi lửa không thể hoạt động, vốn là yếu tố quan trọng tạo nên lớp vỏ Trái đất.
Phát hiện không chỉ cho thấy nước có thể được dự trữ ở độ sâu lớn hơn nhiều so với suy đoán trước đây, mà còn cho phép các nhà khoa học tính toán lượng nước nằm bên dưới lớp vỏ manti của Trái đất.
Tiến sĩ Mookherjee nói trên Daily Mail, nước ở sâu dưới lòng đất quan trọng không kém nước trên bề mặt. Nếu bị khô cạn từ bên trong, Trái đất sẽ chết do hoạt động địa động lực trong lòng hành tinh ngừng lại.
"Nếu lấy hết nước trong lòng Trái đất, hành tinh sẽ trở nên khô cạn đến mức khó có thể duy trì. Các hoạt động địa động lực sẽ chịu ảnh hưởng và bị chậm lại”, ông Mookherjee nói. “Điều đó sẽ tác động đến kiến tạo vỏ và một khi kiến tạo vỏ ngừng lại, sẽ không còn những ngọn núi lửa. Núi lửa đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra vỏ Trái đất, duy trì sự sống trên hành tinh".