Đại dịch trở thành "cơn ác mộng chính trị" của Tổng thống Biden và Thủ tướng Johnson
Đại dịch COVID-19 với sự xuất hiện của biến thể Omicron đã một lần nữa mang đến "ác mộng chính trị" cho 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Anh.
Một năm khó khăn của Tổng thống Biden
Dù khởi đầu tương đối thuận lợi nhưng năm đầu tiên nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden đã nhanh chóng vấp phải nhiều lời chỉ trích và những "cơn ác mộng chính trị" bởi vấn đề lạm phát, dịch bệnh và cuộc rút lui lộn xộn khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, theo CNN, công bằng mà nói, ít có vị tổng thống nào trong thời hiện đại từng đối mặt với đỉnh điểm khủng hoảng như ông Joe Biden.
Tổng thống Biden hiện đang phải đối mặt với loại virus vô cùng nguy hiểm đang "vạch trần" những thiếu sót trong hệ thống chính trị xã hội của đất nước. Vấn đề kinh tế cũng khiến ông Biden gặp khó khăn không chỉ trong nước mà còn với thể giới, điển hình là sự đứt gãy chuỗi cung ứng khiến hàng hoá trở nên đắt đỏ hơn. Bên cạnh đó, đảng Cộng hoà cũng liên tục đưa ra những lời chỉ trích nhằm vào tổng thống đương nhiệm, góp phần gây khó khăn cho những chính sách ngăn chặn dịch bệnh của ông, bao gồm việc kêu gọi người dân tiêm chủng.
Năm đầu tiên nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden đã gặp không ít vấn đề khó khăn. Ảnh: ABC
Các con số hiện nay không có lợi với ông Biden với việc Thượng viện chia phe 50-50 và ưu thế quá nhỏ của đảng Dân chủ tại Hạ viện. Điều này đã khiến những chính sách của ông chủ Nhà Trắng thường xuyên gặp khó khăn trong việc phê duyệt.
Và mặc dù đã thông qua một số luật di sản ấn tượng, bao gồm cả một cuộc đại tu hiếm hoi của lưỡng đảng đối với cơ sở hạ tầng ọp ẹp của My, ông Biden vẫn chưa thật sự được công nhận công lao một cách xứng đáng. Người Mỹ đang kiệt sức, bị chia rẽ, chán ngán cảnh giá cả tăng cao và lo sợ về tác động của những tháng phải nghỉ học của con cái họ. Họ nhận ra rằng một căn bệnh xuất hiện vào năm 2019 sẽ tiếp tục "thống trị" cuộc sống của họ đến năm 2022.
Ngày 14/12 (giờ địa phương), Tổng thống Joe Biden đã công bố kết quả thử nghiệm thuốc kháng virus do hãng dược Pfizer phát triển để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. Theo báo cáo từ nghiên cứu, loại thuốc này giúp giảm 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong của bệnh nhân COVID-19 nếu được sử dụng sớm, khoảng vài ngày sau khi họ được xác định dương tính với SARS-CoV-2.
Nghiên cứu này được xem là tia hy vọng cho con đường thoát khỏi đại dịch cũng như gây dựng lại sự tín nhiệm của tổng thống Mỹ. Trong đó, ông chủ Nhà Trắng cho biết chính quyền của ông đã đặt hàng đủ số liều thuốc điều trị cho 10 triệu người Mỹ.
Ông Biden chia sẻ: "Tin tức này cung cấp một công cụ tiềm năng mạnh mẽ khác trong cuộc chiến chống lại virus, bao gồm cả biến thể Omicron".
Đồng thời, ông Biden nhấn mạnh tiêm phòng vẫn là biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất, nói thêm rằng "nếu phương pháp điều trị này thực sự được cấp phép và một khi thuốc viên được phổ biến rộng rãi, nó sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong con đường thoát khỏi đại dịch của chúng ta".
Khoảng thời gian tồi tệ ở London
Trong khi Tổng thống Biden vật lộn với những vấn đề chính trị trong nước thì tại London (Anh), Thủ tướng Boris Johnson cũng đang trải qua cơn "ác mộng chính trị" không kém phần tồi tệ.
Vào thời kỳ đầu đại dịch COVID-19, Anh đã áp dụng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Tuy nhiên, không ít lần các chính trị gia, nhà hoạt động của Anh bị bắt gặp vi phạm các quy định. Bản thân Thủ tướng Johnson cũng nhiều lần vi phạm chính quy tắc ông đặt ra với người dân như việc không đeo khẩu trang, đi ăn tối hay ra hàng cắt tóc trong thời gian Anh đóng cửa.
Mới đây, những tiết lộ về các bữa tiệc Giáng sinh tại Phố Downing năm ngoái, vào thời điểm người Anh được yêu cầu không tới thăm người thân đang hấp hối trong bệnh viện hoặc tổ chức tụ tập ngày lễ, đã khiến chính phủ của ông rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Bức ảnh một ứng viên thị trưởng London và nhiều nhà hoạt động tụ tập tiệc tùng dịp Giáng sinh năm ngoái đã nối dài "ác mộng chính trị" của ông Johnson. Ảnh: AP
Vụ bê bối xảy ra vào đúng thời điểm "đen tối" của thủ tướng Anh. Hiện nay, ông Johnson đang áp đặt các hạn chế mới để chống lại biến thể Omicron đang hoành hành tại nước này. Tuy nhiên, việc các chính trị gia tiệc tùng và chụp ảnh đã đặt ra câu hỏi tại sao công dân nên tuân thủ các quy định được ban hành.
CNN nhận định, việc biến thể Omicron lây lan nhanh ở Anh vốn không phải điều đáng ngạc nhiên. Đám đông tụ tập trên Phố Oxford, các quán rượu chật cứng và xe lửa kẹt cứng hướng vào London vào cuối tuần trước trái ngược hoàn toàn so với những con phố vẫn còn thưa thớt người của Washington.
Tình cảnh càng khó khăn hơn vào ngày 14/12 với việc 100 nhà lập pháp chống lại các hạn chế phòng dịch COVID-19 mới. Nếu đảng của ông Johnson mất thế đa số trong một cuộc bầu cử phụ ở trung tâm của Đảng Bảo thủ ở Shropshire, mọi thứ có thể trở nên hỗn loạn hơn.
CNN cho biết ông Johnson có thể tiếp tục duy trì vị trí lãnh đạo của mình với tư cách người đã hoàn thiện kế hoạch Brexit của Anh. Giờ đây, mức độ tín nhiệm của ông đang sụt giảm đáng kể. Hãng tin Mỹ cho rằng thời gian tại vị của ông Johnson có lẽ sẽ không còn nhiều bởi đảng Bảo thủ từng không ít lần thẳng tay loại bỏ các lãnh đạo đã mất đi sự ủng hộ của cử tri nhằm cứu vãn uy tín cũng như cơ hội chiến thắng trong kỳ bầu cử kế tiếp.
Một thẩm phán tòa án liên bang Mỹ ngày 29.11 đã ra phán quyết chặn lệnh tiêm vaccine bắt buộc của Tổng thống Mỹ Joe Biden,...
Nguồn: [Link nguồn]