Đại dịch kéo dài 200 năm từng cướp sinh mạng 30-50 triệu người như thế nào?

Khi những khu chôn cất đã quá tải, nhiều hố chôn tập thể được đào nhưng cũng không xử lý hết tử thi. Các thi thể sau đó được chất đống trong các tòa nhà, đổ xuống biển hoặc để trên thuyền thả trôi ra đại dương.

Chân dung hoàng đế Justinian I (527-565) - người trị vì đế quốc Đông La Mã (Byzantine). Ảnh: Ancient EU

Chân dung hoàng đế Justinian I (527-565) - người trị vì đế quốc Đông La Mã (Byzantine). Ảnh: Ancient EU

Dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, lan rộng ra hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến cả thế giới hoang mang. Đặc biệt là khi tốc độ lây lan của nó quá nhanh. Mặc dù dịch Corona đang được kiểm soát khá tốt ở ngoài Trung Quốc, và con người ngày nay có khả năng khống chế dịch bệnh tốt hơn nhờ khoa học công nghệ, nhưng những gì đang diễn ra cũng gợi nhắc rằng, trong quá khứ, nhân loại từng phải đối mặt với các đại dịch kinh hoàng. Loạt bài này sẽ cùng độc giả tìm hiểu về các đại dịch lớn trên thế giới.

Dưới triều đại của hoàng đế Justinian I (527-565) - người trị vì đế quốc Đông La Mã (Byzantine) - một trong những đại dịch tồi tệ nhất đã xảy ra, cướp sinh mạng của hàng chục triệu người. 

Đại dịch Justinian (đặt theo tên của hoàng đế Justinian I) lan tới thành phố Constantinople, thủ đô của đế quốc Byzantine, vào năm 542, gần một năm sau khi bệnh dịch này xuất hiện tại các khu vực lân cận thành phố. Đại dịch tiếp tục lan rộng ở khu vực Địa Trung Hải thêm khoảng hơn 200 năm và chỉ chấm dứt vào năm 750.

Nguồn gốc và lây lan

Đại dịch Justinian (hay còn gọi đại dịch dịch hạch Justinian) gây ra bởi vi khuẩn dịch hạch (Yersinia pestis). Khởi phát từ Trung Quốc và đông bắc Ấn Độ, bệnh dịch hạch lan truyền tới vùng Hồ lớn châu Phi thông qua các tuyến giao thương đường bộ và hàng hải. Sau đó, bệnh lây lan sang nhiều khu vực khác ở châu Phi.

Theo Ancient History Encyclopedia, điểm xuất phát của đại dịch Justinian là Ai Cập. Sử gia Procopius, xứ Caesarea (500-565) - thuộc đế quốc Byzantine, xác định cụ thể nguồn khởi phát dịch là thành phố Pelusium nằm ở phía bắc sông Nile. Trong khi đó, học giả Wendy Orent, người nghiên cứu về đại dịch, cho biết dịch bệnh lây lan theo 2 hướng: Hướng bắc - tới thành phố Alexandria (Ai Cập) và hướng đông - tới Palestine.

Bọ chét ký sinh trên chuột đen là vật trung gian truyền bệnh dịch hạch. Ảnh: Russell's Blog

Bọ chét ký sinh trên chuột đen là vật trung gian truyền bệnh dịch hạch. Ảnh: Russell's Blog

Vật trung gian truyền bệnh dịch hạch thời điểm đó là bọ chét sống ký sinh trên chuột đen. Lũ chuột đen lại ẩn náu trên thuyền và xe ngựa chở hàng cống nạp tới thành phố Constantinople.

Khu vực Bắc Phi, ở thế kỷ thứ 8, là nguồn cung cấp ngũ cốc chính cho đế quốc Byzantine. Ngoài ra, nô lệ và một số mặt hàng như giấy, dầu, ngà voi... cũng được cống nạp cùng.

Việc con người lưu trữ ngũ cốc trong các nhà kho rộng lớn tạo điều kiện cho bọ chét và chuột đen trú ngụ, sinh sôi. William Rosen, trong cuốn Justinian’s Flea (Tạm dịch: Bọ chét thời Justinian), cho biết ngũ cốc là món khoái khẩu của chuột đen. Quan sát kỹ hơn, Rosen nhận thấy, trong vòng đời của chuột, chúng thường không đi quá 200m, tính từ nơi được sinh ra. Tuy nhiên, một khi có đầy đủ thức ăn, chúng có thể sống sót và theo những chiếc thuyền, xe ngựa đi khắp đế quốc Byzantine.

Theo nhà sử học Colin Barras, sử gia Procopius đã ghi lại những thay đổi khí hậu diễn ra ở miền nam nước Ý trong suốt thời kỳ dịch bệnh: Những hiện tượng thời tiết bất thường như tuyết rơi hay băng giá xuất hiện giữa mùa hè, và hiếm khi thấy ánh sáng mặt trời.

Một đợt rét kéo dài hàng thập kỷ cùng với đó là sự hỗn loạn trong xã hội, chiến tranh và đợt bùng phát đầu tiên của dịch bệnh. Thời tiết lạnh hơn bình thường ảnh hưởng đến mùa màng và gây ra tình trạng thiếu lương thực khiến nhiều người phải di cư. Đồng hành với những đoàn di cư là lũ chuột mang mầm bệnh.

Những đoàn người đói khát, mệt mỏi vẫn tiếp tục đi và reo giắc mầm bệnh. Thêm vào đó, số lượng chuột mang mầm bệnh tăng nhanh càng tạo điều kiện cho một đại dịch bùng phát. Không lâu sau, đại dịch Justinian xuất hiện, cướp sinh mạng từ 30 đến 50 triệu người - khi dịch bệnh lan rộng khắp Bắc Phi, châu Á, Arabia và châu Âu, theo National Geographic. Trang VOX cho biết, dân số thế giới trong khoảng thời gian đại dịch Justinian diễn ra dao động từ 150 - 200 triệu người. Như vậy, số người chết trong đại dịch ước tính ở mức cao nhất bằng khoảng 1/4 dân số thế giới thời ấy. Điều này cũng hoàn toàn trùng khớp với số liệu trên trang History.

Loại dịch hạch nào gây ra phần lớn cái chết trong đại dịch?

Dựa trên việc phân tích ADN của các bộ xương được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ, các nhà khoa học xác định loại dịch hạch gây bệnh ở đế quốc Byzantine chủ yếu là dịch hạch thể hạch. Dịch hạch phổi và dịch hạch thể nhiễm trùng huyết, 2 loại khác của bệnh dịch hạch, có gây chết người thời điểm này nhưng số lượng không lớn.

Dịch hạch thể hạch cũng là loại gây ra phần lớn cái chết trong đại dịch "Cái chết Đen" ở thế kỷ 14, cướp sinh mạng của 50-100 triệu người.

Dịch hạch thể hạch gây ra phần lớn cái chết trong đại dịch Justinian. Ảnh minh họa: Alchetron

Dịch hạch thể hạch gây ra phần lớn cái chết trong đại dịch Justinian. Ảnh minh họa: Alchetron

Trong cuốn Bí mật lịch sử, sử gia Procopius mô tả người mắc bệnh dịch hạch khi đó thường hay có biểu hiện ảo giác, ác mộng, hôn mê, sốt, nổi hạch ở háng, nách và sau tai.

Procopius còn cho biết nhiều nạn nhân phải chịu đựng nhiều ngày trước khi chết, trong khi số khác chết ngay sau khi xuất hiện triệu chứng.

Dịch bệnh lây lan ở đế quốc Byzantine

Chiến tranh và việc giao thương tạo điều kiện cho sự lây lan của dịch bệnh trên khắp đế quốc Byzantine. Hoàng đế Justinian I dành những năm đầu trong triều đại để đánh bại nhiều kẻ thù: Chiến đấu với Ostrogoths để kiểm soát Ý, giành chiến thắng trước Vandals và Berbers để cai trị Bắc Phi, và phải chống lại sự quấy phá của Franks, Slavs, Avars cũng như một số bộ lạc bị cho là man rợ khác.

Các nhà sử học cho rằng các binh sĩ và đoàn tàu chở hàng tiếp tế cho họ là những yếu tố góp phần khiến dịch bệnh lan rộng. Năm 542, Justinian I đã chinh phục hầu hết các vùng đất lân cận và đem lại hòa bình, thịnh vượng cũng như phát triển giao thương. Nhưng như học giả Orent chỉ ra, những thứ này lại góp phần giúp dịch bùng phát.

Constantinople không chỉ là "thủ đô chính trị" mà còn là trung tâm thương mại nổi tiếng của đế quốc Byzantine. Thành phố này chạy dọc biển Đen và biển Aegean biến nó trở thành "điểm giao hoàn hảo" của các tuyến thương mại từ Trung Quốc, Trung Đông và Bắc Phi. Khi đã là điểm giao, mức độ người tập trung để trao đổi buôn bán tại đây là rất lớn. Và dịch bệnh cũng dễ bùng phát từ đây.

Học giả Orent có ghi lại quá trình di chuyển của dịch. Theo các tuyến đường thương mại đã được thiết lập của đế chế Byzantine, bệnh dịch chuyển từ Ethiopia tới Ai Cập và sau đó lan khắp khu vực Địa Trung Hải.

Đại dịch kéo dài 4 tháng ở Constantinople và tiếp tục tồn tại trong khoảng hơn 2 thế kỷ trước khi kết thúc vào năm 750. Sau đó, không còn những đợt dịch hạch quy mô lớn xuất hiện cho tới thế kỷ 14.

Thi thể rải rác khắp các đường phố vào thời điểm dịch bệnh hoành hành. Ảnh minh họa: Alchetron

Thi thể rải rác khắp các đường phố vào thời điểm dịch bệnh hoành hành. Ảnh minh họa: Alchetron

Khi dịch đang hoành hành mạnh, các thi thể rải rác trên khắp các đường phố ở Constantinople. Hoàng đế Justinian lệnh cho quân lính hỗ trợ xử lý các xác chết. Khi những khu chôn cất đã quá tải, nhiều rãnh và hố chôn tập thể được đào nhưng cũng không thể xử lý hết.

Các thi thể sau đó được chất đống trong các tòa nhà, đổ xuống biển hoặc để trên thuyền thả trôi ra biển. Nhiều động vật, trong đó có cả vật nuôi như chó, mèo... cũng chết trong đại dịch.

Một số nguồn tin cho biết, bệnh dịch hạch lan rộng tới mức hoàng đế cũng mắc bệnh nhưng may mắn thoát chết.

Cách điều trị bệnh dịch hạch thời Justinian I

Người nhiễm bệnh có thể được nhân viên y tế thời đó chữa trị hoặc thực hiện các biện pháp khắc phục tại nhà.

Tác giả William Rosen xác định nhân viên y tế thời đó chủ yếu là các học viên ngành y được đào tạo. Nhiều trong số họ đã tham gia khóa học kéo dài 4 năm ở thành phố Alexandria, Ai Cập - trung tâm hàng đầu về đào tạo y khoa thời đó.

Các học viên chủ yếu tập trung vào lời dạy của Galen, thầy thuốc người Hy Lạp (129-217), người chịu ảnh hưởng bởi khái niệm "Thể dịch" (Humorism) - điều trị bệnh dựa trên các chất dịch cơ thể.

Nhiều người không có điều kiện để được nhân viên y tế chăm sóc, họ chuyển sang các biện pháp khắc phục tại nhà. Theo tác giả Rosen, một số cách được áp dụng là tắm nước lạnh, dùng bột phấn, và nhiều loại thuốc, nhất là thuốc chứa alkaloid - chất hữu cơ có dược tính mạnh. 

Nguồn: [Link nguồn]

Loại virus từng khiến 50-100 triệu người tử vong và nguyên nhân gây hại khủng khiếp

Một so sánh nhỏ nhưng đủ để thấy mức độ nguy hiểm của đại dịch này: Số người chết do dịch bệnh trong một tháng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN