Đại dịch Covid-19: Thế giới có thể học được gì từ Việt Nam?
Tờ Sunday Guardian của Ấn Độ hôm 2/5 dẫn bài phân tích thành công của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và chỉ ra các điểm mà thế giới có thể học hỏi từ quốc gia Đông Nam Á.
Dưới đây là toàn bộ nội dung bài phân tích!
Tính tới 27/4, Việt Nam có 270 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 200 ca được chữa khỏi và không có ca tử vong nào. Nhưng số bài báo trên truyền thông quốc tế nhắc tới Việt Nam như một điển hình của thành công trong kiểm soát dịch Covid-19 không nhiều bằng các nước như Hàn Quốc, New Zealand hay Phần Lan, bất chấp dân số của Việt Nam (hơn 95 triệu người) nhiều hơn cả 3 nước này cộng lại.
Điều này là dễ hiểu bởi Hàn Quốc, New Zealand hay Phần Lan từ lâu đã nổi tiếng với hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại, bao gồm khả năng đối phó với các bệnh truyền nhiễm.
Một lý do quan trọng khác của vấn đề này là tiềm lực tài chính. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hàn Quốc dành 8,1% GDP của nước này cho vấn đề chăm sóc sức khỏe. Con số của Việt Nam thấp hơn, ở mức 5,6%. Một thực tế là để có thể tiến hành làm xét nghiệm Covid-19 quy mô lớn, một quốc gia phải thực sự mạnh về nguồn lực, nhất là tài chính và công nghệ.
Điều này cũng có nghĩa là Việt Nam không lựa chọn và không đủ khả năng để áp dụng phương pháp xét nghiệm quy mô lớn được Hàn Quốc hay Đức đang áp dụng.
Vậy điều gì đã giúp Việt Nam vẫn thành công trong kiểm soát khủng hoảng dịch bệnh Covid-19? Thành công là kết quả của sự tổng hòa nhiều yếu tố. Tuy nhiên, có một điều nổi bật trong trường hợp của Việt Nam.
Đó chính là mô hình chống dịch Covid-19 với "chi phí thấp" - từ được Financial Times nhắc đến trong một bài viết gần đây. Việt Nam không lựa chọn xét nghiệm quy mô lớn và thay vào đó là kiểm soát chặt chẽ người nhiễm bệnh và lần dấu người tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm Covid-19. Nhờ các công cụ kỹ thuật số, giới chức y tế ở Việt Nam có thể dễ dàng xác định và kiểm soát các nguy cơ tiềm ẩn.
Việt Nam được thế giới đánh giá cao trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Ảnh minh họa
Mô hình "chi phí thấp" kết hợp cùng 2 yếu tố ít người biết đến khác mang tới những điểm sáng nhất định. Thứ nhất là sự đầu tư toàn diện và lâu dài vào y tế dự phòng. Trong lĩnh vực công cộng ở Việt Nam, một phương châm hay được nhắc đến là "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Thực tế, Việt Nam đang vận hành song song 2 hệ thống: phòng ngừa và điều trị ở tất cả tỉnh thành trên cả nước. Trẻ em Việt Nam được tiêm vaccine phòng nhiều loại bệnh.
Thứ hai là đội ngũ y bác sĩ đáng tin cậy của Việt Nam, cả ở lý thuyết và thực hành. Ví dụ, Trung tâm Nghiên cứu Hệ thống y tế (CHSR) - Đại học Y Hà Nội - được xếp hạng thứ 23 trên thế giới trong danh mục tư vấn các vấn đề sức khỏe, theo một báo cáo năm 2019 của Đại học Pennsylvania (Mỹ).
Về thực hành, bằng chứng xác thực là các bác sĩ Việt Nam có nhiều cơ hội để áp dụng những điều được học vào thực tế đời sống vì số lượng lớn bệnh nhân (nói chung) nhập viện. Nhiều bác sĩ tới từ Indonesia, Malaysia, Philippines và Nhật Bản chọn các bệnh viện của Việt Nam là nơi để trau dồi kỹ năng. Ngoài ra, bộ kit xét nghiệm Covid-19 do Việt Nam tự sản xuất đã được công nhận bởi WHO và đáp ứng các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU).
Những nỗ lực chung của cả dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã nhận được lời khen ngợi từ WHO. Ông Takeshi Kasai, giám đốc khu vực của WHO ở Tây Thái Bình Dương, cho rằng Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch Covid-19 là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của chính phủ và sự đồng lòng của người dân.
Thực tế, chính phủ Việt Nam không chủ quan với những thành công được gọi là "ban đầu". Sự thận trọng vẫn được duy trì vì "nguy hiểm vẫn tiềm ẩn phía trước".
Hai ưu tiên hàng đầu là vừa đảm bảo an toàn, sức khỏe của người dân và vừa duy trì sự năng động của nền kinh tế. Ưu tiên đầu tiên, như tuyên bố của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, là nền tảng cho mọi thứ.
Và ưu tiên thứ hai là để đảm bảo nguồn lực phát triển bền vững. Năm 2019, Hà Nội có tốc độ tăng trưởng là 6,8%. Các nhà hoạch định chính sách sẽ muốn giữ cho "guồng máy" kinh tế tiếp tục hoạt động ở thời điểm Việt Nam đang cố vượt qua "bẫy thu nhập trung bình" - một tình trạng trong phát triển kinh tế khi một quốc gia đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định (do những lợi thế sẵn có) và giậm chân tại mức thu nhập ấy mà không thể vượt xa hơn. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 giống như một thử thách mới và kinh tế chỉ có thể phát triển nếu thách thức này được giải quyết.
Bên cạnh trọng tâm trong nước, ngoại giao của Việt Nam cũng vươn ra thế giới nhưng không phải chỉ để "đánh bóng" hình ảnh. Một nguyên tắc chỉ đạo gần đây trong chính sách đối ngoại của Việt Nam là biến đất nước trở thành "thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế".
Trong thế giới liên kết chặt chẽ ngày nay, cho đi là nhận lại. Đó là lý do vì sao Việt Nam đã tặng khẩu trang cho Mỹ, các nước EU, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia...
Việt Nam cũng chứng tỏ là một thành viên nghiêm túc của nhiều tổ chức trong khu vực và quốc tế, cả trong hòa bình và khủng hoảng. Với tư cách chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2020, Việt Nam luôn tích cực và khẩn trương triệu tập cuộc họp với các nước thành viên ASEAN cùng một số nước ngoài hiệp hội (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc) để thảo luận cũng như phối hợp hành động chống dịch Covid-19. Một trong nhiều minh chứng nữa về trách nhiệm quốc tế của Việt Nam là khoản quyên góp 50.000 USD cho WHO.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống COVID-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Hôm 18/4, tờ The Diplomat – một trong những tạp chí hàng đầu phân tích về tình hình chính trị, kinh tế khu vực châu Á –...