Đại dịch có thể lây lan khắp thế giới trong 36 giờ, khiến 80 triệu người chết
Một đại dịch giống như cúm có thể lan khắp thế giới trong vòng 36 giờ và giết chết 80 triệu người, các chuyên gia cảnh báo.
Những dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành đại dịch toàn cầu.
Theo Daily Mail, một thế kỷ trước, đại dịch cúm Tây Ban Nha đã lây nhiễm tới 1/3 dân số thế giới, khiến 50 triệu người. Một đợt cúm tương tự có thể bùng phát bất cứ lúc nào, dễ dàng lây lan khắp thế giới, gây nên thảm họa lớn hơn nhiều.
Báo cáo của Ban giám sát sự sẵn sàng toàn cầu (GPMB) - ủy ban gồm các chuyên gia y tế do bác sĩ Gro Harlem Brundtland, cựu Thủ tướng Na Uy và cựu tổng giám đốc WHO, đứng đầu, đưa ra cảnh báo trên.
“Mối đe dọa về đại dịch lây lan trên toàn thế giới là sự thật”, báo cáo viết. “Mầm bệnh lây lan nhanh có khả năng giết chết hàng chục triệu người, phá vỡ các nền kinh tế và gây bất ổn an ninh quốc gia".
Báo cáo với tựa đề "A World At Risk" (Thế giới lâm nguy), cho rằng những nỗ lực hiện tại để đối phó với các đại dịch là “chưa đủ mạnh”. Những khuyến nghị mà GPMB đưa ra trong một báo cáo trước đó gần như đã bị các nhà lãnh đạo thế giới bỏ qua.
"Nhiều khuyến nghị không được xem xét thực hiện hoặc thực hiện kém. Các lỗ hổng nghiêm trọng vẫn tồn tại", báo cáo viết.
Các chuyên gia cũng công bố bản đồ với danh sách những bệnh có thể bùng phát thành đại dịch trên toàn thế giới. Chúng được phân chia thành các dạng "mới nổi", "tái phát" và "hồi sinh".
Đại dịch ngày nay có thể dễ dàng lây lan khắp toàn cầu nhờ đường hàng không.
Nằm trong danh sách này có các virus cũ, bao gồm Ebola, Zika, Nipah và 5 loại cúm. Những virus sau này bao gồm virus tây sông Nile, kháng thuốc kháng sinh, sởi, viêm tủy sống liệt mềm cấp tính, sốt vàng da, dịch hạch và thủy đậu.
Với một số lượng lớn người sử dụng máy bay để di chuyển trên toàn cầu mỗi ngày, đại dịch một khi bùng phát sẽ bao trùm khắp thế giới trong 36 giờ, khiến 50 triệu - 80 triệu người thiệt mạng, gây tổn thất lớn đối với nền kinh tế thế giới.
“Đại dịch trên quy mô toàn cầu là thứ thế giới chưa sẵn sàng đối phó, đặc biệt đối với các nước nghèo, có cơ sở hạ tầng y tế còn hạn chế”, báo cáo viết.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi chính phủ các nước chú ý đến những bài học trong quá khứ và đừng để "mất bò mới lo làm chuồng".
Đại dịch xác sống nếu xảy ra có thể lây nhiễm khắp thế giới trong thời gian ngắn, nguy hiểm hơn cả “cái chết đen”,...