Đại chiến Bắc Âu: Cuộc chiến đưa Nga lên vị thế cường quốc hàng đầu khu vực Baltic

Sự kiện: Tin tức Nga

Sau đại chiến, một quốc gia vốn được xem là đế chế hùng mạnh ở Bắc Âu phải nhường vị thế cho nước Nga của Peter Đại đế. 

Bộ binh Nga của Peter Đại đế (trái) đối đầu với bộ binh Thụy Điển của vua Charles XII trong đại chiến Bắc Âu. Ảnh minh họa: Weapons and Warfare

Bộ binh Nga của Peter Đại đế (trái) đối đầu với bộ binh Thụy Điển của vua Charles XII trong đại chiến Bắc Âu. Ảnh minh họa: Weapons and Warfare

Từ cuối thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 18, Thụy Điển là cường quốc thống trị vùng Baltic và thường xuyên mở rộng lãnh thổ. Điều này khiến một số nước ở vùng Baltic bất mãn. Hệ quả là đại chiến Bắc Âu, kéo dài từ năm 1700 đến năm 1721, nổ ra giữa Thụy Điển của vua Charles XII và một liên minh do Peter Đại đế (Nga) dẫn đầu. Mời độc giả theo dõi loạt bài để biết diễn biến chính, một số trận nổi bật và kết cục của đại chiến. 

Theo trang History Learning Site, đại chiến Bắc Âu có thể phân ra thành 5 giai đoạn: 1700-1706, 1707-1709, 1709-1714, 1714-1718 và 1718-1721.

Dù đại chiến Bắc Âu bắt đầu vào năm 1700, nhưng nguyên nhân dẫn đến đại chiến đã manh nha từ những năm 1690. Trong giai đoạn 1697 - 1699, một liên minh chống Thụy Điển được thành lập gồm các thành viên là Nga, Đan Mạch và Ba Lan. Cả 3 nước này đều cho rằng nhà vua trẻ Charles XII sẽ dễ khuất phục hơn. Đồng thời, 3 nước này chung quan điểm rằng Thụy Điển những năm 1690 không còn mạnh như trước. 

Vua Frederik IV của Đan Mạch muốn giành lại Scania và một số vùng lãnh thổ khác trên đất liền mà nước này để mất vào tay Thụy Điển trong thế kỷ 17. Đan Mạch cũng muốn loại quân đội Thụy Điển khỏi công quốc Holstein-Gottorp - một vùng lãnh thổ vệ tinh của Thụy Điển. 

Augustus II, vua của Ba Lan, muốn chinh phục Livonia - một vùng ở bờ đông của Biển Baltic - để chấm dứt mãi mãi vị trí thống trị kinh tế của Thụy Điển ở vùng Baltic. Augustus II muốn phát triển công nghiệp của Ba Lan bằng cách sử dụng nguyên liệu thô của nước này và bí quyết kinh tế của vùng Sachsen (thuộc Đức ngày nay). Tuy nhiên, điều này không thể hiện thực hóa khi Thụy Điển vẫn là đối thủ thương mại đáng gờm của Ba Lan ở Baltic.

Peter Đại đế của Nga chỉ đơn giản muốn có một chỗ đứng ở khu vực Baltic thời điểm đó vì Moscow chưa có tiếng tăm ở đây. Trái ngược, Thụy Điển là đế chế hùng mạnh của khu vực Baltic, sở hữu các vùng như Karelia, Ingria và Estonia - chặn đà phát triển của Nga về phía tây. 

Kết nối liên minh chống Thụy Điển này là một số quý tộc chống Thụy Điển sống ở Livonia - công quốc ở bờ đông biển Baltic ban đầu thuộc kiểm soát của Ba Lan nhưng sau rơi vào tay Thụy Điển.  

Johann Reinhold von Patkul, một quý tộc gốc Đức ở Livonia, bị tước mất quyền tự trị "cha truyền con nối" cho dù vua Charles XI của Thụy Điển từng hứa công nhận quyền lợi của Livonia. Giới quý tộc của Livonia cử phái bộ đến kinh thành Stockholm để thắc mắc. Patkul là một thành viên của phái bộ này. Tuy nhiên, chuyến đi không được như ý khi Patkul không những không đạt yêu cầu, còn bị Thụy Điển kết án tử hình vắng mặt. 

Khi vua Charles XI qua đời, Patkul cho rằng thời cơ đã đến. Vị quý tộc này thuyết phục vua August II của Ba Lan tấn công Thụy Điển, với lời hứa để Ba Lan bảo trợ cho công quốc Livonia. 

Patkul cũng đến gặp vua Đan Mạch - Frederik IV -  và nhận được sự ủng hộ, vì Copenhagen  cũng muốn giành lại phần đất bị Thụy Điển chiếm mất. Như vậy, Đan Mạch và Ba Lan đồng ý hợp lực để tấn công Thụy Điển bằng hai gọng kìm. 

Chưa dừng ở đó, Patkul còn có tham vọng mời Nga gia nhập liên minh chống Thụy Điển. Dưới sự thuyết phục của quý tộc gốc Đức này, Peter Đại đế của nước Nga đã ký một hiệp ước cam kết Moscow sẽ tấn công Thụy Điển. 

Peter Đại đế không nêu ngày tấn công cụ thể và cài thêm một điều khoản rằng Nga sẽ chỉ tấn công Thụy Điển sau khi ký hiệp định đình chiến với đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ). 

Giai đoạn 1700 – 1706: Nga bại trận, liên minh chống Thụy Điển sứt mẻ

Thụy Điển của vua Charles XII có lợi thế nhất định ở giai đoạn đầu đại chiến Bắc Âu. Ảnh minh họa: Alchetron

Thụy Điển của vua Charles XII có lợi thế nhất định ở giai đoạn đầu đại chiến Bắc Âu. Ảnh minh họa: Alchetron

Trong khi Nga đang lo ký hiệp định đình chiến với Đế quốc Ottoman, Ba Lan và Đan Mạch tấn công Thụy Điển. Tháng 2/1700, quân Ba Lan tấn công công quốc Livonia và bao vây vùng Riga nhưng bị quân Thụy Điển đánh bại. Cùng thời điểm đó, quân Đan Mạch cũng tấn công và vây hãm pháo đài Tonning, thuộc công quốc Holstein-Gottorp.

Tháng 4/1700, vua Charles XII điều động hạm đội Thụy Điển gồm 38 chiến hạm hợp lực với hơn 20 chiến hạm của Anh và Hà Lan, cùng 14.000 quân tấn công đảo Zeeland của Đan Mạch và đe dọa tràn vào thủ đô Copenhagen. Vua Frederik IV của Đan Mạch khi đó đang đưa quân đi đánh công quốc Holstein-Gottorp của Thụy Điển, nên quân Đan Mạch như rắn mất đầu. Khi trở về, vua Frederik IV phải chấp nhận các điều kiện đầu hàng.

Tháng 8/1700, đôi bên ký Hiệp ước Travendal, theo đó Đan Mạch trả lại cho Thụy Điển công quốc Holstein-Gottorp vừa chiếm và cam kết không tham gia liên minh chống Thụy Điển. Chiến dịch đầu tiên của Charles XII thành công chớp nhoáng và gần như không thiệt hại quân số quá lớn. Trong vòng 2 tuần chinh chiến, vua Charles XII đã lấy lại phần lãnh thổ Thụy Điển bị chiếm và loại khỏi vòng chiến đấu một đối thủ. 

Ngày 9/8/1700, sau khi ký hiệp ước đình chiến với Đế quốc Ottoman, Nga tuyên chiến với Thụy Điển. Moscow giải thích mục đích cuộc chiến là để lấy lại 2 tỉnh Ingria và Karelia. Nếu giành được 2 tỉnh này, Nga sẽ có cửa ngõ thông thoáng dẫn ra Biển Baltic. 

Ban đầu, Narva, một thị trấn - pháo đài thuộc Estonia và giáp với Ingria, không phải mục tiêu ban đầu của Nga. Tuy nhiên, Peter Đại đế nhận thấy cách tốt nhất để chiếm được Ingria là giành kiểm soát ở Narva. Vì vậy, vị Sa hoàng đã điều quân vây hãm và tấn công Narva vào ngày 4/10/1700. 

Vua Charles XII của Thụy Điển ban đầu định kéo quân tiến đánh Ba Lan nhưng sau đó nhận được thư tuyên chiến từ Peter Đại đế nên quyết định thân chinh dẫn ít nhất 9.000 quân tinh nhuệ tới giải vây pháo đài Narva - khi đó bị khoảng 35.000 - 40.000 quân Nga vây hãm. Quân Ba Lan của vua August II lúc này cũng rút về tránh mùa đông nên không còn là mối lo ngại với Thụy Điển. 

Tháng 11/1700, quân đội Thụy Điển tới Narva và vua Charles XII ra lệnh tấn công ngay mà không cần tổ chức phòng thủ hay lập doanh trại. Lợi dụng việc quân Nga bị gió tuyết cản trở tầm nhìn, Thụy Điển tấn công chớp nhoáng để có yếu tố bất ngờ.  

Chỉ huy quân Nga lúc đó không phải Peter Đại đế vì ông đã trở về nước để lo việc triều chính. Thay thế vị Sa hoàng là Charles Eugène de Croy - một vị tướng Ba Lan được vua August II gửi gắm để xin Peter Đại đế một sư đoàn Nga tinh nhuệ. Tuy nhiên, Peter Đại đế đã đặt niềm tin sai chỗ khi cho Eugène de Croy - một vị tướng thiếu kinh nghiệm trận mạc chỉ huy. 

Kết cục, quân Nga bại trận, chịu thương vong lớn khoảng 8.000-10.000 người, trong khi con số này của Thụy Điển là khoảng 2.000 người, theo Britannica. Số lượng quân Thụy Điển dù chỉ bằng 1/3 quân Nga nhưng họ được đào tạo bài bản, có tính kỷ luật cao và được thời tiết ủng hộ nên giành chiến thắng. Quân Nga dù đông nhưng không được đào tạo bài bản, cộng với việc chỉ huy là người nước ngoài nên chấp nhận thất bại và thương vong lớn trước pháo binh Thụy Điển.

Chiến thắng ở Narva khiến Charles XII được vua chúa ở các nước Tây Âu nhìn nhận bằng con mắt khác. Tuy nhiên, chiến thắng này cũng vô tình khiến vị vua trẻ của Thụy Điển xem thường Peter Đại đế và nước Nga. 

Trước khi tiến đánh Nga, Charles XII quyết định tập trung lực lượng để đánh bại vua August II của Ba Lan. Từ năm 1700 đến 1704, vua Thụy Điển liên tục giành chiến thắng ở thủ đô Warsaw, thành phố Thorn... Năm 1704, Thụy Điển gây sức ép thành công, buộc Ba Lan phải phế truất vua August II. Vua Charles XII chỉ định Stanislas Leszczynski - một quý tộc trẻ trung thành với vị vua Thụy Điển - lên làm vua của Ba Lan vào tháng 7/1704. 

Hơn 2 năm sau, Ba Lan ký với Thụy Điển hiệp ước Altranstädt, trong đó  có một điều khoản là Ba Lan phải giao cho Thụy Điển "mọi kẻ phản quốc" đang ẩn náu ở xứ Sachsen. Johann Reinhold von Patkul là cái tên đầu tiên được nhắc đến. Tháng 10/1707, Patkul bị kết án nặng nhất và xử tử hình ngay sau đó. 

Trong khi Thụy Điển mải tập trung quân đánh chiếm Ba Lan, năm 1704, Peter Đại đế điều quân đi đánh và kiểm soát được 2 vùng lãnh thổ của Thụy Điển dọc bờ Biển Baltic là Dorpat và Narva. 

Tuy nhiên, việc Ba Lan phế truất vua August II đồng nghĩa là liên minh chống Thụy Điển từ 3 thành viên, giờ chỉ còn Nga. Nhận thấy tình thế bất lợi, Peter Đại đế tăng cường các nỗ lực hòa giải với vua Charles XII bằng cách đề xuất trả lại một số vùng lãnh thổ cho Thụy Điển. Nhưng vua Charles XII không chấp nhận điều đó và coi Nga là mối nguy hiểm thường trực với Thụy Điển ở khu vực Baltic. Vị vua trẻ của Thụy Điển đã chuẩn bị lực lượng để tiến đánh Nga. 

Giai đoạn 1707 - 1709: Đem quân đánh Nga, vua trẻ Thụy Điển nhận bài học nhớ đời

Peter Đại đế "dạy" cho vua Charles XII và quân Thụy Điển một bài học khi xâm lược đất Nga. Ảnh minh họa: RB

Peter Đại đế "dạy" cho vua Charles XII và quân Thụy Điển một bài học khi xâm lược đất Nga. Ảnh minh họa: RB

Cuộc xâm lược vào đất Nga của Thụy Điển bắt đầu vào năm 1707. Vua Charles XII lên kế hoạch tấn công vào đất Nga theo 2 mũi. Mũi thứ nhất, do đích thân Charles XII dẫn quân, sẽ tấn công vào vùng Smolensk, phía tây nước Nga. Trong khi đó, bá tước Adam Ludwig Lewenhaupt dẫn đầu mũi thứ 2 tấn công qua vùng Riga. 

Từ năm 1707 đến 1708, Peter Đại đế liên tục cho quân rút lui và thực hiện chiến lược tiêu thổ - đốt phá mọi thứ để quân Thụy Điển không thu được gì. 

Charles XII không cho quân truy kích quân của Peter Đại đế. Thay vào đó, quân Thụy Điển trú đông ở Ukraine. Không phải ngẫu nhiên, Charles XII chọn trú đông ở đây. 

Vị vua trẻ của Thụy Điển muốn liên minh với Mazepa - nhà lãnh đạo của người Cossack (còn gọi là Cozak) ở Ukraine coi nước Nga của Peter Đại đế là đối thủ tiềm tàng cần đánh bại. 

Charles XII cũng muốn hợp tác với Devlet-Girei III - người đứng đầu Crimea khi đó - để thành lập một liên minh chống Nga. Charles XII tin rằng liên minh của người Thụy Điển, người Cossack và người Crimea có thể đánh bại nước Nga của Peter Đại đế. 

Tuy nhiên, vua của Thụy Điển đã nhầm khi Devlet-Girei III buộc phải giữ thái độ trung lập. Crimea thời điểm đó thuộc quyền kiểm soát của đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ). Vua của Ottoman không muốn bị lôi kéo vào một cuộc chiến mà không nắm chắc phần thắng vì vậy Devlet-Girei III buộc phải giữ thế trung lập. Trong khi đó, Mazepa - lãnh đạo người Cossack - không có vị thế quân sự đủ tốt để hỗ trợ Charles XII. Liên minh chống Nga không đi đến đâu, trong khi vị vua trẻ của Thụy Điển cũng phải đối mặt với một số vấn đề.

Mùa đông năm 1708 là một trong những mùa đông khắc nghiệt nhất trong lịch sử châu Âu. Điều kiện thời tiết đã ảnh hưởng lớn đến quân đội Thụy Điển đang trú đông ở Ukraine. 

Ngoài ra, cánh quân Thụy Điển do bá tước Lewenhaupt chỉ huy đã bị chặn lại trong trận Lesnaya ở khu vực sát biên giới giữa khối thịnh vượng chung Ba Lan - Lithuania và Nga (ngày nay là Belarus) năm 1708.

Vua Charles XII dẫn theo một đội quân suy yếu và thiếu trang bị vào đất Nga. Thậm chí, vị vua của Thụy Điển phải nằm trên cáng vì bị bắn vào chân trong một cuộc giao tranh. 

Trận đánh lớn quyết định là trận Poltava ngày 28/6/1709 giữa quân đội của 2 nước hùng mạnh. Theo History Learning Site, khoảng 19.000 quân Thụy Điển đối đầu với hơn 40.000 quân Nga trong trận chiến này. 

Quân Thụy Điển mệt mỏi, ốm yếu vì di chuyển đường xa cộng với sự thiếu thốn về lương thực, thuốc men và vũ khí nên nhanh chóng thất bại. Quân Nga với đại pháo và áp dụng chiến thuật hợp lý khiến quân Thụy Điển thương vong lớn. Tổng cộng, Thụy Điển tổn thất hơn 1 vạn quân, trong đó hơn 6.000 người chết và hơn 2.700 người bị bắt làm tù binh. Phía Nga có hơn 1.300 quân chết và hơn 3.000 người khác bị thương. Số thương vong và kết quả trận Poltava đảo ngược so với một số trận đánh trước đó. 

Tháng 7/1709, trước sự truy kích của quân Nga, bá tước Lewenhaupt và hơn 14.000 quân Thụy Điển ra đầu hàng. Binh sĩ của Peter Đại đế tiếp tục truy kích cánh quân do vua Charles XII dẫn đầu. Vị vua trẻ chỉ còn khoảng 600 quân khi đi vào lãnh thổ của đế chế Ottoman xin ẩn náu. 

Trận thua trên đất Nga ngay lập tức xoay chuyển vị thế của Thụy Điển và Nga ở châu Âu. Thụy Điển của vua Charles XII mất vị thế "tối cao" ở Đông Âu, trong khi nước Nga của Peter Đại đế bắt đầu được các nước Đông Âu kiêng nể.

Giai đoạn 1709 - 1914: Sự can thiệp của đế chế Ottoman hùng mạnh

 Vua Charles XII thuyết phục quốc vương Ottoman can thiệp khi Thụy Điển thất thế trước Nga. Ảnh minh họa: Teachmideast

 Vua Charles XII thuyết phục quốc vương Ottoman can thiệp khi Thụy Điển thất thế trước Nga. Ảnh minh họa: Teachmideast

Charles XII nhận thấy khả năng quay về Thụy Điển là không khả thi khi các tuyến đường về đều đầy rẫy nguy hiểm nên quyết định ẩn náu tại pháo đài Bender, vùng Bessarabia, của đế chế Ottoman. Khi Charles XII bị cô lập ở đây, liên minh chống Thụy Điển Nga - Ba Lan và Đan Mạch được tái lập. 

Augustus giành lại ngôi vương ở Ba Lan khi Stanislas Leszczynski bỏ trốn. Năm 1710, Đan Mạch tấn công vùng Scania nhưng bị đẩy lui. 

Nga tiếp tục chinh phục các nước Baltic và một khu vực phía đông Thụy Điển (Phần Lan ngày nay). Nga đánh bại hải quân Thụy Điển tại Hangö vào tháng 7/1714 và nhăm nhe tấn công sâu hơn vào Thụy Điển. 

Khi vắng bóng vua Charles XII, Thụy Điển nằm dưới quyền điều hành của Hội đồng Thụy Điển. Họ xây dựng một đội quân mới, gồm phần lớn là lính đánh thuê, chuẩn bị tấn công Ba Lan. Tuy nhiên, đội quân mới này khi tới phía bắc nước Đức đã bị mắc kẹt tại đây. Hải quân Đan Mạch đã đánh phá các tàu chở đồ tiếp viện cho đội quân này. Khi thiếu vũ khí, lương thực và rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, đội quân mới này đầu hàng liên quân Nga, Đan Mạch, Ba Lan năm 1713. 

Tại Ottoman, Charles XII thuyết phục quốc vương Ottoman tấn công Nga vào phía nam, trong khi Thụy Điển tấn công Nga ở phía bắc. Quân Ottoman đánh bại quân Nga, giành kiểm soát ở Biển Đen và pháo đài Azov. 

Peter Đại đế phải chịu những điều khoản bất lợi sau thất bại trước người Thổ. Sa hoàng không lập tức làm theo các điều khoản này nên trong các năm 1711 - 1713, quốc vương Ottoman một lần nữa tuyên chiến với nước Nga.

Tháng 6/1713, Nga và Ottoman ký với nhau một thỏa thuận đảm bảo hòa bình giữa đôi bên trong 25 năm sau những trận chiến đổ máu trong giai đoạn 1711-1713.

Giai đoạn 1714 - 1718: Vua Thụy Điển nỗ lực tìm lại vị thế, nhận kết cục thảm

Năm 1714, vua Charles XII không còn được hoan nghênh ở Ottoman và phải đi đến vùng Stralsund, thuộc phía bắc nước Đức ngày nay. Stralsund và Wismar là 2 khu vực mà Thụy Điển sở hữu ở phía bắc nước Đức. 

Trong vài năm sau đó, Charles XII nỗ lực liên minh với nhiều nước, kể cả một số nước từng là đối thủ của Thụy Điển trước đây. Một số chuyên gia cho rằng vị vua trẻ có ý định muốn giúp Thụy Điển lấy lại vị thế và danh tiếng ở Đông Âu nên tạm gạt các mâu thuẫn nhỏ. 

Tuy vậy, các nỗ lực của Charles XII đều đổ bể khi Stralsund và Wismar lần lượt thất thủ vào các năm 1715 và 1716. Năm 1718, Charles XII bất ngờ tập hợp một đội quân gồm 6 vạn người. Vị vua Thụy Điển tấn công Na Uy nhưng bị giết chết tại thị trấn Fredrikshald, Na Uy, vào cuối năm 1718. 

Minh họa cái chết của vua Charles XII. Ảnh: Pinterest

Minh họa cái chết của vua Charles XII. Ảnh: Pinterest

Giai đoạn 1718 - 1721: Anh giúp Thụy Điển, Nga bị đồng minh "quay lưng" vẫn thắng thế

Cái chết của vua Charles XII đã khiến tiến trình hòa bình của khu vực Baltic gần như không còn trở ngại. Vị vua của Thụy Điển không thể chấp nhận thực tế nước này không còn mạnh như thời điểm cực thịnh và Nga đang dần nổi lên là một thế lực thống trị ở Đông Âu. Vì vậy, nếu còn sống, Charles XII sẽ tiếp tục gây chiến với Nga, tìm lại vị thế cho Thụy Điển. Tiến trình hòa bình của khu vực Baltic sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Theo trang History Learning Site, không rõ ý định của vị vua trẻ Thụy Điển là gì khi đem quân tấn công Na Uy - một mục tiêu dễ dàng với Thụy Điển vào năm 1700. Nếu Charles XII có ý định sử dụng Na Uy làm bàn đạp để tấn công Đan Mạch thì đó là một thất bại. 

Trong giai đoạn 1718 - 1721, nỗi sợ Nga còn vượt ra khỏi khu vực vùng Baltic. Anh và Pháp đều lo ngại về sức mạnh tiềm tàng của người Nga.  

Sau cái chết của vua Charles XII của Thụy Điển, vua George I của Anh đưa ra một kế hoạch nhằm duy trì thế lực của Thụy Điển đủ mạnh để Nga không trở nên quá hùng mạnh ở vùng Baltic. Kế hoạch của vua Anh là thay đổi mối liên minh gồm 5 nước Nga, Ba Lan, Đan Mạch, Hannover và Brandenburg (Phổ) đang chống lại Thụy Điển (Hannover và Phổ gia nhập liên minh chống Thụy Điển năm 1715). 

Qua đường lối ngoại giao khôn khéo của Anh, từng đồng minh của Nga lần lượt bị thuyết phục, mua chuộc hoặc chịu áp lực phải hòa hoãn với Thụy Điển, quay lưng với Moscow:

Hòa ước Stockholm (tháng 11/1719): Hannover ký hòa ước chính thức với Thụy Điển, theo đó tiếp nhận vùng Bremen-Verden sau khi trả cho Thụy Điển một khoản tiền.

Sau đó, George I ký thỏa thuận với Thụy Điển, cam kết mỗi năm điều một hạm đội hỗ trợ Thụy Điển ở Biển Baltic và giúp Thụy Điển đạt một hòa ước thuận lợi với Nga.

Hòa ước Stockholm (tháng 1/1720): Vua Friedrich Wilhelm I của Phổ cũng bị cám dỗ – rồi cuối cùng ngả theo Anh – với lời hứa chiếm được vĩnh viễn cảng Stettin giúp mở đường thông thương cho vương quốc Phổ ra biển, cộng thêm một phần đất Pomerania của Thụy Điển.

Hòa ước Fredriksborg (tháng 7/1720): Thụy Điển hòa hoãn với Đan Mạch khi nước này đồng ý trả phí cho tàu của Thụy Điển đi qua vùng biển Đan Mạch và không ủng hộ công quốc Holstein-Gottop - vùng đất đang tranh chấp giữa hai nước.

Cuối cùng, Thụy Điển ký hòa ước với vua August II và công nhận August II là vua của Ba Lan.

Nga tỏ ra không hài lòng với động thái của Anh khi hỗ trợ Thụy Điển. Peter Đại đế lúc đó lệnh cho 2 đại sứ Anh và Hannover rời khỏi đất Nga. 

Trong thời gian từ mùa hè năm 1719 đến mùa hè năm 1720, Nga liên tục đánh phá Thụy Điển. 

Tháng 9/1720, khả năng của Anh can dự mạnh mẽ về quân sự ở vùng Baltic tan biến bởi cuộc khủng hoảng kinh tế ở Anh. Giới lãnh đạo Anh chủ trương tránh chiến tranh và gọi trạng thái nửa chiến tranh nửa hòa bình với Nga là nguy hiểm cho tương lai của Anh. Vua George I dù không thỏa mãn, nhưng cũng nhận thấy kế hoạch chống Nga của Anh không hiệu quả. 

Vua Frederik I - người lên thay thế vua Charles XII của Thụy Điển -  nhận ra tình thế không khả quan khi tiếp tục đối đầu Nga. Vua Thụy Điển thông báo với Peter Đại đế là ông sẵn sàng mở lại cuộc đàm phán, và 2 bên gặp nhau ngày 28/4/1721. Nhưng vòng đàm phán đầu bị bế tắc vì tranh cãi về lãnh thổ.

Peter Đại đế tiếp tục ra lệnh quấy phá dọc bờ biển của Thụy Điển. Vua Frederik I cuối cùng nhượng bộ và hòa ước Nystad được ký kết. Theo hòa ước này, Nga được Thụy Điển nhượng cho các lãnh thổ mà Peter Đại đế khao khát từ lâu như Livonia, Ingria và Estonia  

Phần còn lại của Phần Lan ngày nay được trả lại cho Thụy Điển. Moscow chấp nhận trả một khoản tiền để bồi thường cho Livonia, và Thụy Điển được mua nông sản ở đây mà không cần trả thuế. Các tù binh của đôi bên đều được tự do. Peter Đại đế cam kết không can thiệp vào nội bộ của Thụy Điển và công nhận Frederik I là vua của Thụy Điển.

--------------------------------

Trong trận đánh trực tiếp đầu tiên của đôi bên, đội quân của Nga hùng hậu hơn nhưng người chỉ huy đã mắc phải một số sai lầm. Mời độc giả đón đọc chi tiết trong bài kỳ tới đăng lúc 19h ngày 24/7/2022 trên mục Thế giới.

Những trận đánh đại quân Napoleon thua trận trước Nga

Đánh bại đội quân của hoàng đế Pháp Napoleon trên chiến trường không phải là điều dễ dàng. Nhưng quân Nga đã vài lần làm được như vậy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lâm Nhã Du - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN