Quốc gia châu Phi bùng phát bạo loạn khiến 72 người chết, cựu tổng thống tự giao nộp mình
Các binh sĩ và cảnh sát Nam Phi vẫn chưa thể khôi phục an ninh trật tự trở lại vào ngày 13.7, trong bối cảnh số người chết trong các cuộc biểu tình, bạo loạn và cướp bóc đã tăng lên con số 72.
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát ở Nam Phi.
Biểu tình bùng nổ từ tuần trước, sau khi cựu Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, 79 tuổi, tự nộp mình cho nhà chức trách để chấp hành hình phạt tù 15 tháng vì khinh thường tòa án.
Ông Zuma từ chối xuất hiện tại một ủy ban chống tham nhũng để đối mặt với một số cáo buộc, bao gồm hối lộ và gian lận. Ông cũng nhiều lần phủ nhận các cáo buộc này.
Tại thị trấn Soweto, 10 người chết trong một vụ giẫm đạp, người phát ngôn cơ quan cảnh sát Nam Phi, Lirandzu Themba, nói trên CNN.
Hơn 1.200 người khác đã bị bắt ở tỉnh KwaZulu-Natal và Gauteng. KwaZulu-Natal là quê nhà của ông Zuma.
Trong một tuần qua, những người biểu tình và cướp bóc đã đốt phá các cửa hàng, đụng độ với cảnh sát. Lực lượng an ninh Nam Phi trấn áp bằng đạn cao su nhưng bị áp đảo đến mức quân đội bắt đầu được huy động.
Lực lượng an ninh đối phó với người biểu tình.
Phóng viên CNN có mặt ở Soweto ngày 13.7 cho biết, một chủ cửa hàng tên Rahman nói anh lo sợ về việc mất mọi thứ. “Ngay bây giờ, sống như thế nào, ăn uống ra sao, tôi không biết nữa. Chúng tôi có thể mất tất cả”, Rahman nói.
Tại Johannesburg, thành phố lớn nhất Nam Phi, xe bọc thép xuất hiện trên đường phố vào ngày 13.7. Các binh sĩ tay cầm súng trường và được trang bị đạn thật dường như đã giúp lấy lại sự bình yên sau chuỗi ngày bạo lực bùng phát.
Bộ trưởng Công an Nam Phi, Bheki Cele tuyên bố sẽ đập tan bạo loạn. “Chúng ta không chấp nhận bất kì ai đe dọa quốc gia. Chúng ta sẽ nỗ lực gấp đôi để ngăn chặn bạo lực, tăng cường thêm lực lượng tuần tra”, ông Cele nói.
Ông Cele khẳng định tình trạng cướp bóc, phá hoại là điều không thể chấp nhận được.
Binh sĩ Nam Phi trang bị súng trường và đạn thật tuần tra trên phố.
Hôm 13.7, quốc gia láng giềng Botswana khuyến cáo công dân không nên tới Nam Phi trong thời điểm hiện tại nếu không cần thiết.
Tối ngày 12.7, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã có bài phát biểu toàn quốc, kêu gọi người dân binh tĩnh. Ông tuyên bố quân đội đã bắt đầu hành động.
Ông cũng cảnh báo tình trạng bạo loạn là cơ hội để những kẻ tội phạm hoành hành, cũng như làm tổn hại đến nỗ lực chống dịch Covid-19 của quốc gia.
Nhiều điểm tiêm chủng ở Nam Phi đã phải dừng hoạt động vì bạo loạn. Nam Phi đã rơi vào tình trạng tồi tệ vì Covid-19 kể từ tháng 6. Số ca nhiễm vẫn tăng cao chưa có dấu hiệu dừng lại, khiến các bệnh viện quá tải, thiếu giường bệnh và oxy y tế.
Ông Zuma từng là Tổng thống Nam Phi giai đoạn năm 2009-2018 và từng được coi là biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc. Ông từng ngồi tù 10 năm cùng người anh hùng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, cựu Tổng thống Nelson Mandela.
Nhưng trong 9 năm cầm quyền, ông Zuma bị cáo buộc hủy hoại quốc gia vì nạn tham nhũng.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhóm biệt kích bị nghi ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise dường như không chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đào thoát trước...