Cựu Thủ tướng Anh tiết lộ về thái độ của Đức trước xung đột Ukraine
Trước khi xung đột thực sự nổ ra, Đức có quan điểm mềm mỏng với Nga vì một số lý do, cựu Thủ tướng Boris Johnson tiết lộ.
Khi còn đương nhiệm, ông Boris Johnson bị Moscow cho là một trong những lãnh đạo châu Âu có quan điểm chống Nga mạnh nhất (ảnh: RT)
Ông Johnson cho hay, trước ngày 24/2, các nước phương Tây từng có những quan điểm rất khác nhau về một cuộc xung đột có thể xảy ra ở Ukraine, RT hôm 23/11 đưa tin.
“Đức từng cho rằng, nếu xung đột Ukraine xảy ra, nó sẽ là thảm họa. Tốt hơn là nên để cuộc chiến nhanh chóng kết thúc và Ukraine lùi lại”, RT dẫn phát biểu của cựu Thủ tướng Anh trong một cuộc phỏng vấn với kênh CNN.
Theo ông Johnson, quan điểm mềm mỏng với Nga của Đức dựa trên các “lý do về kinh tế” và năng lượng.
Ông Johnson tiết lộ, trái với Đức, giới lãnh đạo Pháp “kiên quyết phản đối đến giây phút cuối cùng” ý định mở chiến dịch quân sự của Nga. Trong khi đó, Italia nói rằng họ sẽ “không ủng hộ Moscow”.
Tuy nhiên, khi xung đột ở Ukraine nổ ra, các nước phương Tây đã sát cánh trong việc ủng hộ và viện trợ cho Ukraine.
“Sau tất cả những lo ngại, tôi cảm thấy ngưỡng mộ cách các nhà lãnh đạo EU đã hành động. Họ đã đoàn kết và áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga”, ông Johnson nói.
Đức chưa bình luận về các tiết lộ của ông Boris Johnson.
Hồi đầu tháng 7, ông Boris Johnson đã tuyên bố từ chức Thủ tướng Anh. Trong thời gian cầm quyền nước Anh, ông Johnson xây dựng quan hệ thân thiết với Kiev và được Tổng thống Ukraine Zelensky coi là “người bạn thực sự” của Ukraine.
Trong một diễn biến có liên quan, hôm 23/11, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace thông báo, nước này sẽ gửi 3 trực thăng Sea King (Hải vương) cho Ukraine. Đây là lần đầu tiên Anh viện trợ trực thăng cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra.
Sea King là loại trực thăng có thể sử dụng trong vận tải đường không, chiến đấu và chống tàu ngầm trên biển.
Ngoài ra, Anh cũng cung cấp thêm cho Ukraine 10.000 đạn pháo.
“Sự ủng hộ của chúng tôi dành cho Ukraine là không thể lay chuyển”, ông Wallace phát biểu hôm 23/11 trong chuyến thăm Na Uy.
Trực thăng Sea King của Anh (ảnh: Reuters)
Cùng ngày, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho rằng, EU cần gạt bỏ mọi sự ngần ngại trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Ông Kuleba cũng kêu gọi EU trừng phạt mạnh tay ngành sản xuất tên lửa của Nga.
“Chúng tôi mới chỉ nghe về một số nỗ lực để bắt đầu công việc. Điều này thật khó chấp nhận”, ông Kuleba nói về kế hoạch áp đặt vòng trừng phạt thứ 9 nhằm vào Nga của EU.
“Khi Ukraine còn chưa mệt mỏi, thì phần còn lại của châu Âu, xét về khía cạnh đạo đức và chính trị, không có quyền được mệt mỏi”, ông Kuleba nhấn mạnh.
Hôm 23/11, cảnh báo không kích đã vang lên ở nhiều khu vực thuộc Ukraine. Chính quyền Kiev cho hay, quân đội Nga phóng tên lửa vào thành phố.
Vụ đột kích xảy ra tại một trong những tu viện nổi tiếng và lớn nhất thuộc dòng Chính thống giáo ở Ukraine.
Nguồn: [Link nguồn]