Cựu quan chức quốc phòng Đức đề xuất NATO dùng lãnh thổ Ba Lan gây "bất ngờ" cho Nga

Vị cựu quan chức quốc phòng Đức cho rằng NATO cần có "các giải pháp độc đáo" trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine.

Ông Nico Lange, cựu quan chức quốc phòng Đức, hiện là một nhà nghiên cứu an ninh. Ảnh: Brennpunkt

Ông Nico Lange, cựu quan chức quốc phòng Đức, hiện là một nhà nghiên cứu an ninh. Ảnh: Brennpunkt

Ông Nico Lange, giữ chức tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Đức giai đoạn 2019-2022, mới đây tuyên bố trên truyền thông Đức rằng các đồng minh NATO nên sử dụng hệ thống phòng không từ lãnh thổ Ba Lan để bắn hạ tên lửa Nga bay vào không phận Ukraine.

 "Từ bây giờ, các nước thành viên NATO có thể sử dụng nhiều hệ thống Patriot ở biên giới phía đông của khối để bắn hạ tên lửa và UAV Nga bay trên không phận Ukraine", ông Lange nói. Vị cựu quan chức chủ yếu đề cập đến các hệ thống phòng không của NATO ở miền đông Ba Lan.

"Điều này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế", ông Lange nói thêm và nêu ví dụ về sự hỗ trợ của các đồng minh Israel trong việc ngăn chặn UAV và tên lửa Iran nhằm vào lãnh thổ Israel hôm 13/4.

Ông Lange, hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich, cho rằng NATO cần phải có "các giải pháp độc đáo" khi sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine đòi hỏi "sự thay đổi trong chiến lược". Đồng thời, về lâu dài, ông Lange kêu gọi châu Âu tăng cường sản xuất các hệ thống phòng không.

Một binh sĩ Ba Lan làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới nước này. Ảnh: Sputnik

Một binh sĩ Ba Lan làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới nước này. Ảnh: Sputnik

Theo Sputnik, không có gì ngạc nhiên khi ông Lange đề xuất NATO sử dụng lãnh thổ Ba Lan để gây "bất ngờ" cho Nga.

Ba Lan là một trong những quốc gia NATO hỗ trợ nước láng giềng Ukraine nhiều nhất trong cuộc xung đột với Nga. Giới chức Ba Lan cũng nhiều lần tuyên bố ủng hộ Kiev.

Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski từng tuyên bố tại Brussels (Bỉ) rằng NATO đang thiết lập "một sứ mệnh đặc biệt" ở Ukraine. Cuối tháng 3, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tuyên bố, châu Âu đang ở trong tình trạng "tiền chiến tranh" và còn "chặng đường dài trước khi sẵn sàng đối đầu với Nga".

Nga chưa lên tiếng về đề xuất của ông Lange. Nhưng đầu tháng 3 năm nay, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo các nước Bắc Âu thuộc NATO không được tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ, nếu không các địa điểm tiếp nhận sẽ được coi là mục tiêu hợp pháp nếu xảy ra xung đột trực tiếp Nga - NATO.

Cuối tháng 3, ông Putin cũng cảnh báo nếu các chiến đấu cơ F-16 do Ukraine vận hành cất cánh từ một nước thứ ba thì đó sẽ là mục tiêu hợp pháp của Nga.

Tổng thư ký NATO mới đây đã phân tích về việc mà ông cho là phương Tây nên tập trung làm hơn trong bối cảnh xung đột ở Ukraine.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Sputnik ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN