Cựu mật vụ Mỹ tiết lộ những điều ít ai biết về công việc bảo vệ tổng thống
Mật vụ là những người bảo vệ các tổng thống Mỹ 24/7, họ được ví như "hình với bóng" của ông chủ Nhà Trắng và luôn phải nâng cao cảnh giác để đề phòng mọi mối nguy hiểm có thể xảy ra.
Luôn mang theo túi đựng nhóm máu của tổng thống
Dù Cơ quan Mật vụ tuyển dụng hàng nghìn đặc vụ nhưng chỉ một số ít người trong số họ được giao cho Đội Bảo vệ Tổng thống (PPD), một nhánh đảm nhận trách nhiệm bảo vệ tính mạng cho ông chủ Nhà Trắng. Theo ông Jeffrey Robinson, đồng tác giả cuốn tự truyện Standing Next to History, bộ phận này đảm bảo các đặc vụ được đào tạo đầy đủ kỹ năng sơ cứu và có thể làm mọi thứ để đảm bảo tính mạng cho tổng thống đến khi ông/bà ấy nhận được sự chăm sóc y tế chuyên khoa trong trường hợp khẩn cấp.
Mật vụ Mỹ được đào tạo nhiều kỹ năng bao gồm kỹ năng sơ cứu để bảo vệ tổng thống. Ảnh: Getty
Cụ thể, ông Robinson chia sẻ: "Dù đi bất kỳ đâu, họ sẽ không ở cách các trung tâm y tế quá 10 phút di chuyển. Họ luôn có một mật vụ trực sẵn tại bệnh viện, một người biết rõ mặt và danh tính các nhân viên phẫu thuật".
Bên cạnh đó, nhóm này luôn phải mang theo túi máu chứa nhóm máu của tổng thống để đề phòng trường hợp cần truyền máu.
Việc đào tạo kỹ năng y tế cho các mật vụ đã giúp cứu sống cựu Tổng thống Ronald Reagan trong vụ ám sát năm 1981. Cụ thể, vào năm 1981, sau khi bị bắn, cựu Tổng thống Reagan nghĩ rằng ông chỉ bị thương nhẹ ở mạn sườn. Theo đó, kế hoạch ban đầu là đưa ông trở về Nhà Trắng, nơi an toàn nhất ở thủ đô Washington D.C.
Tuy nhiên, sau khi lên xe, đặc vụ Jerry Parr nhận thấy máu đỏ sủi bọt chảy ra từ miệng ông Reagan, dấu hiệu cho thấy ông bị xuất huyết từ phổi. Các mật vụ đã nhanh chóng thay đổi kế hoạch, quyết định khẩn trương đưa ông chủ Nhà Trắng khi ấy đến bệnh viện. Tại đây, các bác sĩ xác nhận cựu Tổng thống Reagan đã bị bắn vào phổi. Ông Reagan đã trải qua nhiều giờ phẫu thuật và chịu đựng nhiều biến chứng trước khi hồi phục hoàn toàn.
Đảm bảo tổng thống không bao giờ ở một mình, ngay cả khi vào nhà tắm
Các mật vụ bảo vệ tổng thống mọi lúc mọi nơi, điều này có nghĩa là họ sẽ ở cạnh tổng thống bất kể ông ấy/bà ấy đi đâu, ngay cả khi họ vào nhà tắm, đi gặp gỡ bác sĩ. Ông Robinson cho biết: "Tổng thống không bao giờ ở một mình. Khi ông Reagan còn tại vị, đặc vụ Joe đã đi theo ông ấy đi khám bệnh. Ông Joe luôn trong phòng khám với một khẩu súng. Nếu ông ấy thấy bác sĩ là một mối đe doạ, ông ấy sẽ nổ súng".
Điều tra những mối đe doạ
Theo ông Tim Wood, tác giả cuốn "Tội phạm và Tổng thống: Cuộc phiêu lưu của mật vụ", các mật vụ sẽ đảm nhận nhiệm vụ mang tên "tình báo bảo vệ". Trong đó, nếu họ nhận thấy bất kỳ ai có thể là mối đe doạ đối với tổng thống, tất cả những thứ liên quan tới người này sẽ bị điều tra. Ông Wood, cựu mật vụ có 23 năm kinh nghiệm, chia sẻ: "Chúng tôi sẽ thẩm vấn tất cả những người có liên quan tới người này bao gồm hàng xóm, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cả nhân viên. Câu hỏi đặt ra là 'người này liệu có nghiêm túc (trong việc muốn làm hại tổng thống) hay không?'".
Mật vụ có trách nhiệm điều tra mọi thông tin liên quan tới những mối đe doạ tiềm tàng. Ảnh: Mentalfloss
Ông Wood cho biết ông từng thẩm vấn một người đàn ông liên tục gọi điện doạ giết cựu Tổng thống Ronald Reagan và nhận thấy người nghiện rượu và có thể có bệnh về tâm lý. Do đó, ông đã không đề nghị truy tố đối tượng này.
Ngoài ra, nếu Nhà Trắng nhận được thư tay gây rối hoặc đe dọa, Cơ quan Mật vụ sẽ xác định loại mực, thương hiệu và nơi bán thông qua cơ sở dữ liệu khổng lồ của họ, từ đó thu hẹp đối tượng tìm kiếm.
Ghi hình tổng thống đề phòng các tình huống khẩn cấp
Dù gây nhiều tranh cãi nhưng bộ phim Zapruder về vụ ám sát John F. Kennedy năm 1963 đã giúp Cơ quan Mật vụ hiểu rằng một tình huống khẩn cấp có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát một cách nhanh chóng thế nào. Theo đó, tới hiện tại, Cơ quan Mật vụ vẫn chiếu lại những thước phim này trong chương trình đào tạo của họ.
Trong đó, nhà báo Ronald Kessler chỉ ra các mật vụ hiện nay cũng ghi hình tổng thống thường xuyên để họ có thể xem xét lại nếu có một tình huống nghiêm trọng xảy ra. Ông Kessler phân tích: "Ví dụ như nếu có ai đó ném một vật dụng gì đó vào ông Donald Trump ở Mar-a-Lago. Họ có thể xác định vị trí người này nhờ xem lại video".
Giám sát các bữa ăn của tổng thống
Cựu mật vụ Robinson cho biết: "Nếu có ai đó gửi cho tổng thống một chiếc bánh kẹp thịt, chiếc bánh đó sẽ không bao giờ tới được tay ông/bà ấy".
Mỗi món ăn của tổng thống đều được chuẩn bị dưới sự theo dõi sát sao của Cơ quan Mật vụ, những người luôn giám sát các đầu bếp Nhà Trắng để đảm bảo không ai tẩm chất độc vào đồ ăn. Trong trường hợp tổng thống đi công du, các nhân viên Hải quân sẽ đi cùng để chuẩn bị bữa ăn cho họ.
Các bữa ăn của tổng thống được giám sát kỹ càng. Ảnh: Mentalfloss
Tuy nhiên, vẫn có khả năng tổng thống đặt đồ ăn bên ngoài. Cụ thể, theo ông Robinson: "Nếu tổng thống muốn ăn một chiếc pizza, họ sẽ đặt giao đến Đài quan sát Hải quân hoặc một địa chỉ khác gần đó. Vì chủ tiệm pizza không biết khách hàng của họ là ai nên sẽ ít nguy hiểm hơn".
Kiểm tra kỹ lưỡng khách sạn của tổng thống
Khi tổng thống đi công du, các mật vụ sẽ tăng tốc rà soát và kiểm tra các khách sạn tại nước ngoài nơi ông/bà ấy sẽ nghỉ ngơi. Theo đó, các nhân viên khách sạn trực tiếp tiếp xúc với phái đoàn của tổng thống sẽ được điều tra kỹ lưỡng. Ông Kessler thông tin: "Bất kỳ ai trong số nhân có tiền sử phạm tội, quản lý sẽ đề nghị họ không đến làm việc trong thời gian tổng thống lưu trú tại đó".
Bên cạnh đó, Cơ quan Mật vụ cũng sẽ tiếp quản toàn bộ các tầng trên và dưới tầng của tổng thống và thang máy sẽ được dành riêng mục đích riêng của họ. Họ thậm chí sẽ giữ một thợ sửa thang máy ở cạnh để đề phòng trường hợp tổng thống bị mắc kẹt. Những điều này có thể sẽ gây cản trở tới hoạt động kinh doanh của khách sạn và đó là lý do các khách sạn "ghét" mật vụ.
Nguồn: [Link nguồn]
Ông Barack Obama khi còn là ông chủ Nhà Trắng đã ký đạo luật phục hồi việc bảo vệ trọn đời của Cơ quan Mật vụ với...