Cuối năm có thuốc uống chống COVID tại nhà

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Các chuyên gia dịch tễ học khắp thế giới cho rằng, SARS-CoV-2 và các biến chủng của loại virus này sẽ không biến mất mà hiện hữu giống như cúm mùa. Vì thế, việc phát triển các loại thuốc uống chữa COVID-19 tại nhà, không phải nhập viện là rất cần thiết.

Ngày 17/6, Bộ Y tế và Dịch vụ con người Mỹ thông báo, chính quyền của Tổng thống Joe Biden quyết định chi 3,2 tỷ USD để đẩy nhanh quá trình phát triển thuốc kháng virus dành cho người mắc COVID-19, với hy vọng sẽ có ít nhất một loại được đưa ra thị trường trước cuối năm nay. Số tiền này được tập trung đầu tư cho 19 loại thuốc uống điều trị COVID-19 đang được thử nghiệm, nhằm đẩy mạnh thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.

Thuốc molnupiravir đang được thử nghiệm giai đoạn 3 ở Ấn Độ. Ảnh: The Hindu

Thuốc molnupiravir đang được thử nghiệm giai đoạn 3 ở Ấn Độ. Ảnh: The Hindu

Đầu tháng 6, chính quyền Mỹ thông báo sẽ mua 1,7 triệu liều thuốc kháng virus qua đường uống của hãng dược Merck và đối tác Ridgeback, mở ra cơ hội thuốc này sớm được Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép đầy đủ hoặc khẩn cấp, AP đưa tin.

Molnupiravir thuộc nhóm thuốc kháng virus mang tên “chất ức chế polymerase”, hoạt động bằng cách tấn công vào một loại enzym mà virus dùng để sao chép vật liệu di truyền rồi đưa vào đó các đột biến khiến virus không thể tái tạo. Vì kháng thể tấn công protein bề mặt của virus corona liên tục tiến hóa, nên thuốc kháng virus được trông đợi sẽ chống lại được nhiều biến thể hơn.

Merck và Ridgeback gần đây thông báo rằng, thuốc điều trị COVID-19 qua đường uống mang tên molnupiravir cho kết quả hứa hẹn trong thử nghiệm giai đoạn 2. Kết quả nghiên cứu này đã được nộp lên cơ quan quản lý của châu Âu về vi sinh lâm sàng và các bệnh truyền nhiễm. “Chúng tôi tiếp tục đạt tiến bộ trong thử nghiệm thuốc kháng virus molnupiravir. Dữ liệu từ các nghiên cứu phù hợp với cơ chế hoạt động của thuốc và cung cấp bằng chứng ý nghĩa về tiềm năng kháng virus bằng liều dùng 800mg”, Roy Baynes, phó chủ tịch cấp cao, nhà khoa học trưởng của phòng thí nghiệm Merck, nói. “Dựa trên kết quả này, chúng tôi đang tiến hành giai đoạn 3 để thử nghiệm trên bệnh nhân không nhập viện và tuyển tình nguyện viên phù hợp trên toàn cầu”, ông Baynes cho biết. Dữ liệu của thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ có vào tháng 9 hoặc tháng 10.

Thuốc kháng virus remdesivir của hãng Gilead Sciences được FDA Mỹ cấp phép điều trị bệnh nhân COVID-19 cũng chứa chất ức chế polymerase, dù cách thức hoạt động cụ thể của từng thuốc khác nhau.

Remdesivir có điểm bất lợi là được tạo ra dưới dạng thuốc tiêm tĩnh mạch và dùng cho bệnh nhân COVID-19 đã phải nhập viện nhằm giảm thời gian điều trị. Đến lúc bệnh nhân COVID-19 trở nặng, tác hại với sức khỏe của người bệnh phần lớn do hệ miễn dịch hoạt động quá mức gây tổn hại nội tạng, chứ không phải do virus nhân bản. Đó là lý do các hãng dược như Merck tập trung tìm ra loại thuốc uống có thể dùng trong những ngày đầu mới mắc bệnh.

Thử nghiệm tại Ấn Độ

Đã có 5 hãng dược Ấn Độ ký hợp đồng đối tác với Merck để thử nghiệm molnupiravir dùng cho bệnh nhân COVID-19 ngoại trú. Các công ty Cipla, Dr Reddy’s Laboratories, Sun Pharmaceutical Industries và Torrent Pharmaceuticals ký hợp đồng với Merck hồi tháng 3 và tháng 4 để sản xuất, cung cấp loại thuốc này cho thị trường Ấn Độ và hơn 100 quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Thử nghiệm được tiến hành từ tháng 6 đến tháng 9 trên 1.200 bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ khắp Ấn Độ.

Bên cạnh đó, kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 cho thấy thuốc uống chống COVID-19 mang tên AT-527 của hãng dược Roche (Thụy Sĩ) hợp tác với Atea Pharmaceuticals (Mỹ) cũng chứng tỏ tác dụng giảm lượng virus ở bệnh nhân COVID-19 đã nhập viện. Cuối tháng 6, Atea Pharmaceuticalsnói rằng, AT-527 giảm lượng virus đáng kể trong máu bệnh nhân.

Các nhà nghiên cứu của hãng khẳng định những người uống thuốc này không còn dấu vết virus tại nhiều thời điểm kiểm tra ngẫu nhiên. Tuy nhiên, Atea Pharmaceuticals và Roche chưa chứng minh được liệu thuốc này có thể giảm nhẹ triệu chứng hoặc ngăn chặn tác hại sức khoẻ nghiêm trọng hay không. Đáp án sẽ có khi hai hãng hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 vào cuối năm nay.

Không chỉ nghiên cứu và phát triển vắc-xin COVID-19, hãng Pfizer (Mỹ) cũng đang phát triển một loại thuốc uống. Hồi tháng Tư, CEO Albert Bourla của Pfizer nói với CNBC rằng, thuốc của hãng sẽ được bán ra thị trường vào cuối năm nay, Reuters đưa tin.

Nguồn: [Link nguồn]

Thuốc điều trị Covid-19 qua đường uống sắp có mặt trên thị trường

Công ty Merck Pharmaceuticals và đối tác Ridgeback Biotherapeutics (đều của Mỹ) mới đây thông báo một phần kết quả thử nghiệm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Loan ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN