Cuộc xung đột tại Ukraine: Cẩn thận, “thần đèn” đã ra khỏi chai!
Cuộc xung đột tại Ukraine chứng kiến trí tuệ nhân tạo (AI) được triển khai ở quy mô chưa từng có trong thực chiến, với đa số là ứng dụng của những tập đoàn tư nhân. Theo nhiều chuyên gia, việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho an ninh thế giới nếu trách nhiệm pháp lý và đạo đức của các nhà phát triển không được kiểm soát chặt.
Palantir, kẻ tiên phong
Sáng sớm ngày 1/6/2022, Alex Karp, Giám đốc điều hành của công ty phân tích dữ liệu Palantir Technologies, đã đi bộ qua biên giới giữa Ba Lan và Ukraine cùng 5 đồng nghiệp. Hai chiếc Toyota Land Cruisers cũ kỹ đang đợi họ ở phía bên kia. Được hộ tống bởi một toán bảo vệ có vũ trang, họ lao vút trên những con đường cao tốc trống trải về phía Kiev.
Ngày hôm sau, Karp được dẫn vào căn hầm kiên cố của dinh tổng thống, trở thành lãnh đạo đầu tiên của một công ty lớn phương Tây gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Ông Alex Karp, Giám đốc điều hành của Palantir, công ty đang cung cấp phần mềm AI cho chính phủ Ukraine. Ảnh: Business Insider.
Sau một ngụm cà phê espresso, Karp nói với Tổng thống Zelensky rằng ông ta sẵn sàng mở văn phòng ở Kiev và triển khai dữ liệu và phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) của Palantir để hỗ trợ quốc phòng Ukraine. Karp tin đôi bên có thể hợp tác “theo những cách cho phép David đánh bại Goliath thời hiện đại”.
Trong tầng lớp CEO công nghệ hàng đầu, Karp là một nhân vật dị thường. Ở tuổi 56, vị giám đốc cao gầy, đam mê Thái cực quyền với mái tóc xoăn màu xám này có dáng vẻ của một nhà khoa học lập dị. Karp cũng có bằng tiến sĩ triết học tại một trường đại học ở Đức và lấy bằng luật tại Đại học Stanford (Mỹ), nơi ông kết bạn với nhà đầu tư mạo hiểm gây tranh cãi và đồng sáng lập Palantir, Peter Thiel.
Sau khi Palantir trở thành kỳ lân bí mật nhất trong làng công nghệ, Karp đã chuyển công ty đến Denver để thoát khỏi “nền độc canh” của Thung lũng Silicon, dù ông thường làm việc trong một nhà kho ở New Hampshire (Mỹ) khi không đi du lịch.
Người Ukraine không biết nhiều về nhân vật đưa ra những lời hứa hoành tráng bên chiếc bàn gỗ hôm ấy. Nhưng họ đã quen thuộc với danh tiếng của công ty Palantir, Mykhailo Fedorov - Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine, người đã tham dự cuộc gặp đầu tiên đó, nhớ lại.
Được đặt theo tên của những viên đá thần bí trong “Chúa tể của những chiếc nhẫn”, Palantir cung cấp phần mềm phân tích dữ liệu cho Cơ quan Thực thi di trú và Hải quan Mỹ (ICE), Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), Bộ Quốc phòng Mỹ và một loạt cơ quan tình báo các nước.
Trong một năm rưỡi kể từ cuộc gặp đầu tiên của Karp với Tổng thống Zelensky, Palantir đã tham gia vào công việc hàng ngày của một chính phủ thời chiến theo cách chưa từng có. Hơn nửa tá cơ quan chính phủ của Ukraine đang sử dụng sản phẩm của Palantir cho hàng loạt nhiệm vụ khác nhau, bao gồm rà phá bom mìn, tái định cư những người tị nạn phải di dời và cả… phòng chống tham nhũng.
Nhưng phần trọng tâm nhất vẫn nằm ở hoạt động tác chiến. Theo Karp, ứng dụng của Palantir đang “chịu trách nhiệm về hầu hết các mục tiêu quân sự ở Ukraine” và chỉ với một vài cú nhấp chuột, một kỹ sư Palantir có thể khai thác lượng dữ liệu chiến trường nhiều và nhanh đến chóng mặt, điều mà cho đến gần đây có thể phải cần tới hàng trăm người để phân tích.
Lượng dữ liệu khổng lồ đó là tất cả những gì có thể lấy được từ hệ thống thông tin tình báo thô, bao gồm hình ảnh từ máy bay không người lái, từ vệ tinh, từ hệ thống radar và các thiết bị quan sát hồng ngoại có thể phát hiện chuyển động của xe cộ cũng như hỏa lực pháo binh cho tới dữ liệu được các binh sĩ trên mặt đất thu thập…
Sau đó, các mô hình hỗ trợ AI sẽ cung cấp lựa chọn hiệu quả nhất để các chỉ huy quân sự quyết định cách tấn công mục tiêu. Theo Palantir, điều quan trọng là những mô hình AI của họ học hỏi và cải thiện rất nhanh sau mỗi lần “trả bài”.
Một chuyên gia phân tích của quân đội Ukraine xem lại các video do máy bay không người lái thu được gần Bakhmut. Ảnh: New York Times.
Điểm đến của hàng loạt “gã khổng lồ” công nghệ
Palantir rất muốn thể hiện khả năng của mình đến mức đã cung cấp phần mềm miễn phí cho Ukraine. Nhưng họ không phải gã khổng lồ công nghệ duy nhất làm điều đó.
Công ty giám sát nhận dạng khuôn mặt nổi tiếng Clearview AI của Mỹ cũng đang cung cấp quyền truy cập cho hơn 1.500 chuyên gia tại Ukraine để họ nhận dạng khoảng 230.000 đối tượng trên chiến trường, xác định những người thiệt mạng của cả hai phía và hỗ trợ hoạt động tình báo.
Các công ty khác như Planet Labs, BlackSky Technology và Maxar Technologies cũng liên tục sản xuất hình ảnh vệ tinh về cuộc xung đột với sự hỗ trợ của AI. Dựa trên yêu cầu của Ukraine, một số dữ liệu này được chia sẻ gần như ngay lập tức với chính phủ và quân đội Ukraine.
Và, còn rất nhiều đại gia công nghệ quốc phòng nhận thấy cơ hội kép ở Ukraine như thế. Nhập cuộc ở đây, họ không chỉ giới thiệu được sản phẩm, mà có môi trường thực chiến để thử nghiệm, hiệu chỉnh và nâng cấp vũ khí, đặc biệt là các hệ thống AI quốc phòng của mình.
Jorritt Kaminga, giám đốc chính sách toàn cầu tại RAIN, một công ty nghiên cứu chuyên về AI quốc phòng, nói: “Ukraine là một phòng thí nghiệm sống, trong đó một số hệ thống hỗ trợ AI có thể đạt đến độ trưởng thành thông qua các thử nghiệm trực tiếp và sự lặp lại nhanh chóng, liên tục ở chiến trường nơi đây”.
Nhưng Ukraine cũng nhìn thấy cơ hội của mình: họ có thể thu lại nhiều lợi ích từ việc trở thành nơi thử nghiệm cho các công nghệ quân sự mới nhất. Bởi Kiev không chỉ nhận được các phương tiện và vũ khí công nghệ cao, mà được xây dựng và đào tạo đội ngũ chuyên gia AI, với minh chứng là hàng nghìn kỹ sư Ukraine đang “rèn luyện tay nghề” trong các dự án như của Palantir.
Vì thế, Ukraine đang đưa ra nhiều chính sách khuyến khích và giảm thuế cho những công ty công nghệ quốc phòng để lôi kéo họ. Nước này cũng triển khai “các phái đoàn thương mại” tới những hội nghị công nghệ ở London, San Francisco, Toronto, Brussels, Davos hay Dubai để “tiếp thị”. Bộ trưởng Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine, Mykhailo Fedorov cho biết: “Sứ mệnh lớn của chúng tôi là biến Ukraine trở thành phòng thí nghiệm R&D công nghệ của thế giới”.
Hiệu quả của những hoạt động này là rất đáng kể. Hãng sản xuất máy bay không người lái của Đức Quantum Systems mới đây tuyên bố sẽ mở một trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Kiev. Nhà sản xuất máy bay không người lái Thổ Nhĩ Kỳ Baykar cũng đầu tư gần 100 triệu USD để xây dựng một trung tâm nghiên cứu và sản xuất ở Ukraine vào năm 2025.
Nhiều công ty công nghệ quốc phòng nhỏ hơn của Mỹ và châu Âu cũng nhập cuộc. Họ thành lập văn phòng ở Kiev hoặc đầu tư vào các đối tác địa phương. Chẳng hạn như một công ty khởi nghiệp về AI quân sự của Ukraine có tên D3 đang được các nhà đầu tư nước ngoài nổi tiếng - bao gồm cả cựu Giám đốc điều hành Google, Eric Schmidt, “bơm” hàng chục triệu USD trong năm qua.
Việc nhiều vũ khí AI được quyết định bởi những tập đoàn công nghệ tư nhân tiềm ẩn nhiều rủi ro cho an ninh thế giới. Ảnh: ASPI.
Những cảnh báo không thừa
AI là một công nghệ tương đối mới và ít được triển khai trên chiến trường trước cuộc xung đột ở Ukraine. Do đó, quy mô và tính chất của việc triển khai AI trong cuộc xung đột này, theo nhiều chuyên gia quân sự, là lớn chưa từng có.
Những thử nghiệm ở Ukraine cho thấy các công nghệ mới sẽ định hình chiến trường như thế nào trong thời gian thực, cũng như nêu bật xu hướng dài hạn hơn là quân đội trên khắp thế giới đang tăng tốc đầu tư vào nghiên cứu, phát triển AI và công nghệ tự hành. Tiến bộ trong các lĩnh vực này hứa hẹn giảm rủi ro tính mạng, giảm thiểu gánh nặng về nhận thức và thể chất đối với binh sĩ, đồng thời tăng tốc độ xử lý thông tin, ra quyết định và đem lại nhiều lợi ích khác cho những chỉ huy quân sự.
Một số bài học từ Ukraine cũng nhanh chóng được đúc rút ở quy mô toàn cầu. Chẳng hạn như Đài Loan (Trung Quốc) đang lấy Ukraine làm hình mẫu chi tiết để đẩy mạnh xây dựng chương trình máy bay không người lái của mình. Tháng trước, Nhà Trắng cũng mời Palantir và một số công ty quốc phòng khác tới thảo luận về các công nghệ chiến trường được sử dụng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Deborah Fairlamb, người đồng sáng lập Green Flag Ventures - một quỹ mới chuyên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở Ukraine, thậm chí còn nói rằng, tại một hội nghị quốc phòng châu Âu gần đây, “không ai muốn nhìn vào một sản phẩm trừ khi nó được ‘dán tem’ là đã thử nghiệm ở Ukraine”.
Tuy nhiên, cũng có một vấn đề đang nổi lên từ “phòng thí nghiệm chiến tranh AI” tại Ukraine. Đó là việc quyền lực mới có thể nằm trong tay các công ty tư nhân, chẳng hạn như Palantir, chứ không phải các chính phủ vốn có trách nhiệm trước người dân của họ.
Trong các cuộc xung đột xảy ra ở tương lai, nơi phần mềm và AI đóng vai trò lớn hơn, nhiều quyết định quân sự có thể được chuyển giao cho các thuật toán của những công ty công nghệ. Và, bất cứ sự bất cẩn, coi thường các chuẩn mực pháp lý, đạo đức của các công ty này nếu có, sẽ tạo ra nguy hiểm cực lớn cho an ninh toàn cầu.
Chia sẻ về điều đó với tạp chí Time, tiến sĩ Rita Konaev của Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi Georgetown (CSET) đặt ra một câu hỏi đầy lo lắng: “Hầu hết các công ty đang cung cấp công cụ AI tại Ukraine hiện nay đều nói rằng hoạt động của họ phù hợp với mục tiêu an ninh quốc gia của Mỹ - nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu họ không làm như vậy?”.
Tiến sĩ Steve Blank - đồng sáng lập Trung tâm Đổi mới an ninh quốc gia Gordian Knot thuộc Đại học Stanford (Mỹ), cũng chia sẻ lo ngại về rủi ro có thể xảy đến nếu vũ khí AI không được kiểm soát chặt chẽ và rơi vào tay các tổ chức khủng bố hoặc những cá nhân xem thường trách nhiệm đạo đức với nhân loại.
“Đây là lần đầu tiên trong một cuộc chiến, hầu hết các công nghệ AI quan trọng không đến từ những phòng thí nghiệm hay viện nghiên cứu được chính phủ tài trợ mà là các công nghệ thương mại sẵn có. Và đang có một thị trường cho những thứ này. Vậy là thần đèn đã ra khỏi chai!”, ông Blank cảnh báo.
Nguồn: [Link nguồn]
Lực lượng Ukraine rút lui vội vàng khỏi thị trấn Avdiivka (vùng Donetsk) và bỏ lại nhiều đồng đội bị thương, không rõ sống chết, CNN đưa tin.