Cuộc thi gan thuế quan chưa hồi kết của Mỹ - Trung

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Cuộc đối đầu thương mại và cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ngày càng leo thang, khi đôi bên đều muốn khẳng định vị thế và quyết không nhượng bộ đối thủ.

Tổng thống Donald Trump ngày 2/4 công bố kế hoạch áp thuế đối ứng 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 5/4, sau đó hàng loạt đối tác sẽ chịu mức thuế cao hơn từ ngày 9/4. Liên minh châu Âu, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ chịu thuế 20-26%. Trung Quốc chịu thuế 34%, trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất.

Động thái gây sốc, bởi các con số đều vượt xa dự đoán. Lãnh đạo hàng loạt nền kinh tế lập tức tìm cách tiếp cận Tổng thống Trump và các quan chức chính quyền Mỹ để thương lượng, nhằm tìm cách giảm bớt hệ quả từ đòn áp thuế.

Nhưng Trung Quốc lại lựa chọn chiến lược khác. Thay vì nhượng bộ hay đàm phán, Trung Quốc tuyên bố sẽ "đấu đến cùng" với Mỹ trong cuộc chiến thuế quan và tung ra các đòn "ăn miếng trả miếng" theo từng động thái áp thuế của Washington.

Giới quan sát mô tả Mỹ và Trung Quốc "đang trong một cuộc thi gan, đọ mắt". Hai bên đều có những quân bài thương lượng quan trọng, nhìn chằm chằm vào nhau và bên chớp mắt trước sẽ thua cuộc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP

Mỹ, Trung Quốc là hai nền kinh tế hàng đầu thế giới và cũng là đối tác thương mại lớn của nhau. Nhưng kể từ khi lên nắm quyền trong nhiệm kỳ đầu 2017-2021, ông Trump đã coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược và đã phát động cuộc chiến thương mại quy mô lớn với nước này.

Căng thẳng thương mại song phương lắng xuống trong nhiệm kỳ của ông Joe Biden, nhưng bùng phát trở lại và leo thang đáng kể sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng nhiệm kỳ hai.

Ông Trump đầu tháng 2 áp thuế 10% với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh lập tức đáp trả bằng thuế suất 10-15% với một số hàng hóa Mỹ. Đầu tháng 3, Mỹ tiếp tục áp thuế thêm 10% với Trung Quốc. Bắc Kinh ứng phó bằng cách mở rộng danh sách hàng hóa Mỹ chịu thuế 10-15%.

Sau khi ông Trump công bố thuế đối ứng, Trung Quốc ngày 4/4 tuyên bố áp thuế bổ sung 34% lên hàng hóa Mỹ từ ngày 10/4. Tổng thống Mỹ tỏ ra cứng rắn hơn, ngày 7/4 cảnh báo sẽ áp thuế bổ sung 50% với Trung Quốc, nếu Bắc Kinh không từ bỏ ý định trả đũa.

Ngày 9/4, khi mức thuế 84% của Mỹ có hiệu lực, Trung Quốc thông báo sẽ trả đũa quyết liệt. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm tuyên bố Trung Quốc "không bao giờ chấp nhận hành vi ngạo mạn và bắt nạt" và "chắc chắn sẽ đáp trả".

Bộ Tài chính Trung Quốc cuối chiều 9/4 thông báo từ 10/4 sẽ áp thuế 84% với hàng nhập khẩu Mỹ để đáp trả đòn thuế của Washington. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đưa 12 công ty Mỹ vào danh sách kiểm soát xuất khẩu và 6 doanh nghiệp vào danh sách "thực thể không đáng tin cậy".

Phản ứng này của Trung Quốc dường như khác xa với kỳ vọng của ông Trump. Tổng thống Mỹ hôm 9/4 tuyên bố ông đang chờ cuộc gọi từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tin rằng Bắc Kinh "rất muốn đàm phán", chỉ là "chưa biết phải bắt đầu như thế nào".

Khoảng 6 giờ sau, ông Trump thông báo tăng thuế với Trung Quốc từ 104% lên 125%, trong khi giảm thuế đối ứng còn 10%, hoãn thi hành 90 ngày, với hơn 75 quốc gia đã liên lạc với giới chức Mỹ để đàm phán thỏa thuận thương mại và "không trả đũa" đòn thuế. Đây đều là những con số "không thể tưởng tượng được" cách đây vài tuần.

"Điều chúng ta đang chứng kiến là cuộc thi gan xem ai có thể chịu đau tốt hơn. Chúng ta không còn bàn về những lợi ích tiềm năng nữa", Mary Lovely, chuyên gia thương mại Mỹ - Trung tại Viện Peterson, Mỹ, nhận định. Dù tăng trưởng chững lại, Trung Quốc "vẫn sẵn sàng đối đầu, không khuất phục trước cái họ gọi là sự gây hấn từ Mỹ".

Theo phó giáo sư Gu Qingyang, Trường Lý Quang Diệu về Chính sách Công, Singapore, Trung Quốc có đủ cơ sở để "thi gan" với Mỹ. Tác động mà đòn thuế của Trump gây ra với kinh tế vĩ mô Trung Quốc được dự báo trong phạm vi có thể kiểm soát. Những năm gần đây, Trung Quốc đã dần có các điều chỉnh để thích nghi với môi trường thương mại quốc tế ngày càng khắc nghiệt.

Trung Quốc dần thiết lập lại quan hệ kinh tế với bên ngoài, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, từ 67% năm 2006 xuống còn 33% năm 2023. Thị trường Mỹ hiện chỉ chiếm khoảng 15% tổng xuất khẩu của Trung Quốc. Đồng thời, nước này mở rộng thị trường sang các quốc gia đang phát triển ở châu Phi, Mỹ Latin. Trong nước, Bắc Kinh có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

"Sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng Trung Quốc sẽ chùn bước và đơn phương gỡ bỏ thuế quan", Alfredo Montufar-Helu, cố vấn cấp cao về Trung Quốc tại viện chính sách The Conference Board, Mỹ, nói. "Làm vậy sẽ khiến Trung Quốc bị coi là yếu thế, và nguy cơ bị Mỹ đòi hỏi thêm".

Trong bài xã luận ngày 10/4, Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng với vị thế là nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ từ lâu đã được hưởng lợi từ các quy tắc thương mại toàn cầu. Khi Mỹ đối mặt với các vấn đề mang tính cấu trúc của nền kinh tế, nước này đã chọn cách đẩy gánh nặng lên vai các quốc gia khác, bài xã luận có đoạn.

Global Times cho rằng phát triển là điều mưu cầu của nhân loại và là quyền căn bản đã được Hiến chương Liên Hợp Quốc thừa nhận, thêm rằng Washington không thể tước bỏ quyền phát triển của các nước khác bằng chính sách "Nước Mỹ trên hết".

Người tiêu dùng mua sắm tại một siêu thị ở quận Manhattan, thành phố New York, hôm 20/2. Ảnh: AFP

Người tiêu dùng mua sắm tại một siêu thị ở quận Manhattan, thành phố New York, hôm 20/2. Ảnh: AFP

Ở chiều ngược lại, hiện chưa rõ Mỹ sẽ tìm nguồn cung thay thế Trung Quốc thế nào trước những tuyên bố áp thuế dồn dập như vậy. Đây là một trong những yếu tố có lợi cho Trung Quốc, khi Mỹ phụ thuộc vào hàng hóa nước này nhiều hơn.

Báo cáo hồi tháng 2 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho thấy Trung Quốc là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 4 của Mỹ, với tổng kim ngạch hơn 580 tỷ USD trong năm 2024. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ ba của Mỹ.

Nhóm hàng hóa Mỹ nhập khẩu chính từ Trung Quốc là hàng tiêu dùng, như điện thoại thông minh, máy tính, đồ chơi. Các nhà phân tích tại Rosenblatt Securities tuần trước dự báo giá iPhone rẻ nhất tại Mỹ có thể tăng từ 799 USD lên 1.142 USD, và đây là khi thuế suất mới chỉ ở mức 54%.

"Ông Trump không thể đổ lỗi cho Trung Quốc về vấn đề này", Diana Choyleva, kinh tế gia trưởng tại công ty tư vấn Enodo Economics, Anh, trả lời Guardian.

Cán cân thương mại Mỹ - Trung qua các năm. Đồ họa: BBC

Cán cân thương mại Mỹ - Trung qua các năm. Đồ họa: BBC

Tuy nhiên, giáo sư Wang Yuesheng, giám đốc Viện Kinh tế Quốc tế, Đại học Bắc Kinh, cảnh báo Trung Quốc vẫn có nguy cơ chịu thiệt hại nhiều hơn Mỹ, bởi những mặt hàng tiêu dùng mà nước này sản xuất chủ yếu đáp ứng nhu cầu từ nền kinh tế số một thế giới, đồng nghĩa khó tìm thị trường thay thế.

Ngoài ra, những nguy cơ từ đòn thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu sẽ khiến Trung Quốc khó thu hút đầu tư nước ngoài trở lại.

Chiến lược của Bắc Kinh lúc này là tiếp tục đối đầu và kỳ vọng Tổng thống Trump sẽ chịu áp lực đáng kể từ dư luận trong nước, khiến ông phải đảo ngược chính sách, Evan Medeiros, giáo sư về châu Á tại Đại học Georgetown, Mỹ, nhận định. "Trung Quốc sẽ kháng cự với niềm tin họ chịu đựng được lâu hơn đối phương".

Container hàng hóa tại cảng Hong Kong ngày 9/4. Ảnh: AFP

Container hàng hóa tại cảng Hong Kong ngày 9/4. Ảnh: AFP

Giới quan sát nhận định dù căng thẳng đến mức nào, thế đối đầu Mỹ - Trung cuối cùng sẽ phải chấm dứt, bởi đôi bên đều không thể chịu đựng được thuế quan siêu cao kéo dài. Mỹ và Trung Quốc vẫn có những lợi ích chung để đối thoại. Bắc Kinh nhiều lần bày tỏ sẵn sàng giải quyết tranh chấp qua thương lượng hòa bình, còn Washington thường dùng thuế quan làm đòn bẩy đảm bảo lợi thế trên bàn đàm phán.

Một số chuyên gia tin Mỹ và Trung Quốc có thể thúc đẩy những cuộc đàm phán bí mật để giải quyết vướng mắc và giữ thể diện cho nhau. Số khác lại có quan điểm bi quan hơn.

Deborah Elms, nhà nghiên cứu tại Hinrich Foundation, Singapore, hoài nghi với niềm tin của ông Trump rằng thị trường Mỹ hấp dẫn đến mức Trung Quốc sẽ phải nhượng bộ. "Chuyện này sẽ kết thúc thế nào? Không ai biết được. Tôi thực sự lo ngại về mức độ leo thang căng thẳng giữa đôi bên. Tương lai đang trở nên thách thức hơn nhiều và rủi ro quá cao".

Craig Singleton, nhà nghiên cứu tại viện chính sách tân bảo thủ FDD, Mỹ, chung quan điểm, thêm rằng một cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Mỹ - Trung khó xảy ra trong bối cảnh hiện tại.

"Bên nào cũng tin họ có lợi thế về thời gian, gia tăng nguy cơ không ai xuống thang cho đến khi hứng chịu thiệt hại thực sự. Đây không còn là vấn đề thuế quan nữa, mà là một cuộc thử thách ý chí", ông Singleton nói.

Khi được hỏi liệu có "lo ngại" về động thái đáp trả tiếp theo của Trung Quốc và khả năng "leo thang vượt ra ngoài cuộc chiến thương mại" hay không,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Như Tâm (Think China, Guardian, AP) ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN