Cuộc thảm sát kinh hoàng của quân Nhật Bản ở Trung Quốc
Một trong những vụ thảm sát và hãm hiếp tàn bạo nhất lịch sử đã diễn ra khi đế quốc Nhật kiểm soát vùng đất Nam Kinh rộng lớn ở Trung Quốc.
Một người dân Trung Quốc bị hành quyết.
Ngày 13.12 vừa qua, người Trung Quốc đã tổ chức kỉ niệm tròn 80 năm vụ thảm sát Nam Kinh. Sự kiện này không chỉ mang tính bước ngoặt trên chiến trường, mà còn để lại rất nhiều nỗi đau dai dẳng mà người Trung Quốc phải hứng chịu dưới tay phát xít Nhật Bản. Mời bạn đọc cùng nhìn lại những sự kiện chấn động diễn ra trong giai đoạn quân phát xít Nhật đánh chiếm Trung Quốc qua loạt bài này. |
Trong khoảng thời gian từ tháng 12.1937 tới tháng 3.1938, một trong những vụ thảm sát kinh hoàng nhất lịch sử thế giới hiện đại đã xảy ra. Quân Nhật đã chiếm thành phố Nam Kinh, Trung Quốc và bắt đầu chiến dịch cướp, giết, hiếp man rợ với nhân dân trong vùng.
Theo số liệu của các nhà sử học phía Trung Quốc và một số tổ chức tình nguyện, ít nhất 250.000 tới 300.000 người Trung Quốc bị giết ở thời điểm đó. Hầu hết trong số này là phụ nữ và trẻ em. Số lượng phụ nữ bị hãm hiếp lên tới 2 vạn người và nhiều trường hợp dân lành bị chặt xác tới chết.
Dù vậy, Nhật Bản và nhiều nhà sử học khác phủ nhận thảm sát Nam Kinh quy mô rộng tới vậy. Họ khẳng định các vụ giết chóc, hãm hiếp có xảy ra nhưng ở phạm vi nhỏ hơn nhiều so với số liệu trong các bài báo. Ngoài ra, sự việc xảy ra trong thời chiến “cũng là điều dễ hiểu”.
Quân Nhật Bản tràn vào Nam Kinh.
Nhìn lại lịch sử, năm 1931 quân Nhật tấn công Mãn Châu Quốc ở Trung Quốc sau sự kiện đánh bom đường ray xe lửa do quân Nhật sở hữu. Đây thực chất là một âm mưu hợp thức hóa quy trình xâm lược của chính quyền Tokyo thời đó.
Quân đội Trung Quốc rệu rã thời điểm đó không phải là đối thủ của quân Nhật thiện chiến và trang bị tốt. Do đó, vùng lãnh thổ lớn của Trung Quốc bị nằm dưới tay quản lý của người Nhật.
Sau năm 1931, quân Nhật củng cố vị trí ở Mãn Châu Quốc trong khi Trung Quốc đang nội chiến giữa đảng cộng sản và phe Quốc dân Đảng. Thời điểm đó, Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch chỉ huy đóng quân ở Nam Kinh.
Nhiều người Nhật, đặc biệt là hàng ngũ tướng tá rất muốn gia tăng tầm ảnh hưởng tại Trung Quốc nên tháng 7.1937, một cuộc binh biến giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã diễn ra. Động thái này ngay lập tức leo thang thành một cuộc chiến quy mô lớn.
Quân Nhật có chiến thắng ban đầu nhưng sau đó Trung Quốc đã phòng vệ tốt trước các đợt tấn công của đối phương. Sau đó, Nhật Bản tràn vào Thượng Hải và nhanh chóng chiếm Nam Kinh. Lúc này, Tưởng Giới Thạch và quân lính đã bỏ Nam Kinh và quân Nhật chiếm vùng đất này không chút khó khăn.
Xác phụ nữ Trung Quốc bị chất lên xe, kéo khỏi làng.
Thời điểm này, quân Nhật vẫn chưa “nổi tiếng” với việc giết chóc bừa bãi. Chiến tranh Nga-Nhật năm 1905, chỉ huy Nhật từng thể hiện thái độ nhã nhặn khiến đối phương dù thua cuộc nhưng rất nể phục. Sau hơn 30 năm, mọi chuyện đã khác.
Phóng viên Tillman Durdin của tờ Thời báo New York từng đưa tin về giai đoạn đầu của cuộc thảm sát, nhưng sau đó bị buộc về nước giữa chừng.
Tillman viết: “Năm đó tôi 29 tuổi và là phóng sự đầu tiên tôi làm cho Thời báo New York. Tôi lái xe tới bến cảng ở Nam Kinh. Khi tới cổng, tôi phải trèo qua một đống ngổn ngang xác chết để vào trong cảng”.
“Xe hơi của tôi nhiều lúc phải cán ngang những thi thể ven đường. Ở khúc sông gần đó, tôi thấy một nhóm binh sĩ Nhật đang hút thuốc, nói chuyện rôm rả trong khi chứng kiến những người khác hành hình một đám lính Trung Quốc”, Tillman viết. “Lính Nhật đi thành hàng 15 người và xả súng vào những tù binh bắt giữ”.
Lính Nhật đứng cạnh bờ sông chất đầy xác người Trung Quốc.
Khi Tillman rời hiện trường, ông nhìn thấy ít nhất 200 người Trung Quốc bị xử tử trong 10 phút ngắn ngủi. Lính Nhật tỏ vẻ rất thích thú trước hành động tàn ác này. Tillman khẳng định vụ cuồng sát và cưỡng hiếp ở Nam Kinh là “một trong những thảm kịch tồi tệ nhất lịch sử hiện đại”.
John Magee, một nhà truyền giáo Thiên Chúa nói quân Nhật giết hại không chỉ binh lính tìm thấy mà “bất kể dân thường ở mọi độ tuổi”. John nói: “Nhiều người Trung Quốc nằm rạp trên đất như thỏ bị bắn hạ trong rừng”.
Sau khi chứng kiến quân Nhật hãm hiếp và tàn sát trong một tuần, John cùng những người phương Tây khác lập ra một khu vực an toàn quốc tế để giữ tính mạng của chính mình.
Một người phụ nữ Mỹ mang tên Minnie Vautrin cũng giữ một cuốn nhật ký trong thời gian đen tối của lịch sử thế giới.
Ngày 16.12.1937, cô viết: “Ngày hôm nay chẳng có tội ác nào là không được thực hiện. 30 cô gái đã bị bắt cóc khỏi trường ngoại ngữ trong đêm qua. Sớm nay, tôi nghe được những câu chuyện ghê rợn về những cô gái bị bắt lúc nửa đêm khi đang ngủ trong nhà. Có em mới chỉ 12 tuổi”.
Một mương nước ngập xác người chết.
“Chúng ta sẽ không thể biết chính xác có bao nhiêu ngàn người bị giết bởi súng đạn và những lưỡi lê vấy máu. Nhiều lúc quân Nhật rưới dầu lên xác và đốt”, Minnie viết.
“Những thi thể loang lổ máu là bằng chứng rõ ràng nhất của thảm họa này. Sự kiện thảm sát sẽ bị lãng quên nhưng chắc chắn tôi sẽ không thể quên được vụ việc man rợ này”, Minnie nhấn mạnh.
Minnie quay về Mỹ năm 1940 do suy nhược thần kinh nghiêm trọng. Một năm sau, cô tự tử.
John Rabe, một người Đức phụ trách nhóm phát xít cũng cảm thấy ghê tởm trước những gì chứng kiến. Ông từng là chỉ huy khu vực an toàn quốc tế và ghi lại nhiều thước phim khủng khiếp. Dù vậy, số phim này buộc phải xóa khi ông quay về Đức. John cho biết những vụ hãm hiếp, giết người thậm chí xảy ra ở giữa vùng được bảo vệ.
Lính Nhật ngồi cạnh hàng chục chiếc đầu của dân Trung Quốc.
Sau Thế chiến II, một trong những lính Nhật từng tham chiến ở Nam Kinh nói về những việc mình làm. Azuma Shiro nhớ lại: “Có khoảng 37 người gồm các bà cụ và trẻ em. Chúng tôi bắt giữ họ và tập trung thành một hình vuông. Một phụ nữ bế hai đứa trẻ ở hai tay. Chúng tôi đâm và giết chết họ, như 3 củ khoai tây bị xiên vào lò nướng. 30 ngày sau đó, hôm nào tôi cũng giết người không chút ghê tay”.
Shiro cũng phải chịu đựng vì sự thú nhận của mình: “Khi có một bảo tàng chiến tranh ở Kyoto, tôi đã tới và thừa nhận hành vi ác độc. Người đầu tiên chỉ trích tôi là một phụ nữ ở Tokyo. Bà ấy nói rằng tôi đang chà đạp và xúc phạm những người đã khuất trong chiến tranh. Sau đó, bà ấy liên tục gọi điện thoại cho tôi trong 4 ngày liên tiếp. Những bức thư, bài viết gửi tới tôi với nội dung ngày một khắc nghiệt. Cảnh sát phải bảo vệ tôi vì sợ tôi bị giết hại”.
Một người đàn ông bị chặt đầu giữa đường.
Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản vẫn chưa thừa nhận và xin lỗi về sai lầm gây ra. Cựu Bộ trưởng Tư pháp Shigeto Nagano cáo buộc Trung Quốc bịa chuyện về vụ thảm sát Nam Kinh. Thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe cũng nhiều lần tới thăm hoặc gửi hoa tới đền thờ chiến tranh Yasukuni bất chấp phản đối của Trung Quốc và Hàn Quốc.
Đền thờ Yasukuni là nơi thờ những người lính Nhật Bản tử nạn trong chiến tranh và một số lượng không nhỏ trong số này bị cộng đồng quốc tế coi là tội phạm chống lại loài người.
Giáo sư Ienaga Saburo đã dành nhiều năm đấu tranh buộc chính quyền Tokyo phải đưa thông tin về vụ thảm sát vào sách giáo khoa. Dù vậy, những thành công đạt được là rất ít ỏi.
_________
Một người phụ nữ Trung Quốc từng ước rằng mình thật xấu xí để không phải qua tay nhiều lính Nhật Bản tới vậy. Mời bạn đón đọc kì tới xuất bản tối 15.12.
Báo Trung Quốc vừa đăng tải câu chuyện đầy ám ảnh về một nô lệ tình dục Trung Quốc, bị bắt cóc, hãm hiếp bởi quân...