Cuộc thảm sát khiến hoàng đế vĩ đại nhất Trung Hoa cả đời muốn che giấu

Hoàng đế vĩ đại nhất lịch sử Trung Quốc Đường Thái Tông không chỉ là người tạo nên một giai đoạn phát triển cực thịnh mà ông còn từng trực tiếp cầm quân, giúp vua cha giành cơ nghiệp cho nhà Đường.

Cuộc thảm sát khiến hoàng đế vĩ đại nhất Trung Hoa cả đời muốn che giấu - 1

Hoàng đế Trung Quốc Đường Thái Tông thời trẻ từng nhiều lần đích thân ra trận.

Theo China News, Lý Thế Dân từ thuở nhỏ đã hiển lộ tài hoa, rất giỏi võ nghệ, có tài cầm quân, sử dụng binh pháp, lại rất can đảm, không nề những việc nguy hiểm nhất, khi tấn công thì như vũ bão. Khi mới 18 tuổi, ông đã bắt đầu nắm binh quyền trong tay, tham gia các trận đánh.

Năm 615, Tùy Dạng Đế bị quân Đột Quyết vây ở Nhạn Môn Quan, nhà vua hạ chiếu cần vương, kêu gọi quân mã các trấn đến cứu giá. Lý Thế Dân cũng tham gia và đã hiển lộ tài cầm quân xuất chúng khi đánh lui một nhánh quân Đột Quyết.

Năm 616, ông theo cha đến trấn thủ Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, bắt đầu xây dựng lực lượng của mình và đã chiêu mộ được các nhân tài như Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối, Hầu Quân Tập, Trưởng Tôn Vô Kỵ.

Hoàng đế bách chiến bách thắng

Cuối thời nhà Tùy, Tùy Dạng Đế Dương Quảng ngày đêm ăn chơi sa đọa, quần hùng mạnh ai người đấy khởi nghĩa giành ngai vàng.

Chính Lý Thế Dân là người động viên cha Lý Uyên đứng lên khởi nghĩa chống nhà Tùy vào năm 617. Lý Uyên cũng có ý định nổi dậy chống Tùy, nhưng chỉ đến khi con mình phân tích thiệt hơn, ông mới quyết định đánh canh bạc “được ăn cả ngã về không”.

Đội quân của họ Lý do Lý Uyên và Lý Thế Dân chỉ huy chẳng bấy lâu sau chiếm được thành Trường An, tôn cháu nội Tùy Dạng Đế là Dương Hựu làm hoàng đế. Đến khi Tùy Dạng Đế Dương Quảng bị hại chết thì Lý Uyên ép Dương Hựu nhường ngôi, chấm dứt nhà Tùy, lập ra nhà Đường.

Cuộc thảm sát khiến hoàng đế vĩ đại nhất Trung Hoa cả đời muốn che giấu - 2

Đường Thái Tông được coi là hoàng đế vĩ đại nhất Trung Hoa.

Lý Thế Dân làm Tần Vương kiêm Thượng thư lệnh, là người chỉ huy quân đội đi thu phục hầu hết các vùng đất quan trọng bị chia rẽ sau khi thành lập Nhà Đường.

Các đối thủ cát cứ thời đó bao gồm Tần Vương Tiết Nhân Cảo, Định Dương Khả hãn Lưu Vũ Chu, Trịnh Vương Vương Thế Sung và Hạ Vương Đậu Kiến Đức.

Chỉ trong vòng 10 năm, quân nhà Đường do đích thân Lý Thế Dân thống lĩnh đã đánh đông, dẹp bắc, đánh bại hầu hết các đối thủ.

Trong những năm 618 - 620, Lý Thế Dân bình phục được hết miền Tây Bắc Trung Hoa, Giai đoạn năm 620 - 622, Lý Thế Dân chuyển quân qua phía Đông, đánh Trịnh Vương là Vương Thế Sung ở Lạc Dương. Tiếp đà chiến thắng, Lý Thế Dân đem quân xuôi xuống phía nam chiếm nốt Nam Kinh, đến năm 625 thì về cơ bản đã thống nhất Trung Hoa, đòi lại các vùng lãnh thổ dưới thời nhà Tùy.

Năm 628, Lý Thế Dân chính thức lên ngôi hoàng đế sau cuộc binh biến hại chết anh trai và em ruột. Cha Lý Uyên làm Thái Thượng hoàng, lui về ở ẩn. Kể từ đó, ông không còn trực tiếp cầm quân ra trận mà giao cho anh rể là Sài Thiệu đem đại quân đi bình định nước Lương, chính thức thống nhất Trung Hoa.

Cuộc thảm sát mang tiếng xấu ngàn năm

Năm 620, trong chiến dịch bình định phía tây, học giả thời nhà Tống Tư Mã Quang có chép rằng, “Tần vương Lý Thế Dân dẫn quân tấn công Hạ huyện, tàn sát không chừa một ai”. Điều này có phần trái ngược với tính cách và cách cầm quân của hoàng đế tương lai nhà Đường.

Điều gì đã khiến Tần vương Lý Thế Dân ra tay tàn bạo và vô tình đến vậy? Nguyên nhân bắt nguồn từ những năm cuối thời nhà Tùy, Hạ huyện là một trong những mảnh đất chống nhà Đường mạnh mẽ nhất.

Đội quân khởi nghĩa ở Hạ huyện do Lữ Sùng Mậu tập hợp công khai ủng hộ đối thủ của Lý Thế Dân là Định Dương Khả hãn Lưu Vũ Chu.

Đường Cao Tổ Lý Uyên từng phái binh đi đánh họ Lữ, nhưng đều bị viện quân của Vũ Chu đánh bại.

Cuộc thảm sát khiến hoàng đế vĩ đại nhất Trung Hoa cả đời muốn che giấu - 3

Đường Thái Tông cũng có lúc mắc phải sai lầm.

Tới năm 620, Lý Uyên lần thứ hai phát binh thảo phạt, Lưu Vũ Chu phái đại tướng Uất Trì Kính Đức dẫn quân viện trợ cho Hạ huyện.

Khi ấy, Cao Tổ âm thầm phái người chiêu hàng Lữ Sùng Mậu hòng diệt trừ Uất Trì Kính Đức. Vậy nhưng họ Lữ đem kế hoạch này tiết lộ ra ngoài, giúp Uất Trì tướng quân thoát nạn.

Sau khi Uất Trì Kính Đức rời đi, Hạ huyện tiếp tục chống lại nhà Đường, ủng hộ Định Dương Khả hãn Lưu Vũ Chu.

Sau khi phụng mệnh vua cha tiêu diệt Lưu Vũ Chu, bình định vùng Sơn Tây, Tần vương Lý Thế Dân không quên trả mối thù năm xưa.

Ông đem quân công phá thành Hạ huyện đã tiến hành thảm sát, giết chết bất kỳ ai trên đường đi. Hành động trả thù này đã được thừa tướng nhà Tống Tư Mã Quang cho người ghi chép lại chi tiết.

Sau này, Đường Thái Tông Lý Thế Dân luôn né tránh sự kiện thảm sát năm xưa. Ông cho rằng mình chỉ phụng mệnh cha dẹp phản loạn. “Không giết nô tặc, ắt sẽ sinh phiến loạn, nếu không trừng phạt tất cả những kẻ đó, tất sẽ sinh ra hậu họa sau này”.

Cho đến nay, mỗi khi đánh giá công lao của hoàng đế Trung Quốc Lý Thế Dân, người ta vẫn hay nhắc đến biến cố thảm sát này, như để nói rằng dù là người vĩ đại đến mấy thì không tránh khỏi những lúc mắc sai lầm.

______________________

Người xưa thường nói “đằng sau người đàn ông thành công có hình bóng của người phụ nữ". Hoàng đế Đường Thái Tông cũng cả đời cảm phục một vị hoàng hậu tài sắc. Bài dài kỳ tới sẽ làm rõ hơn về nhân vật này.

Tuyệt thế giai nhân 6 đời chồng khiến hoàng đế vĩ đại nhất Trung Hoa mê đắm

Lịch sử Trung Quốc hiếm có một hoàng hậu nào từng qua tay 6 bậc quân vương mê đắm, thậm chí còn được hoàng đế vĩ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN