Cuộc tập trận trái phép ở Biển Đông và ngầm ý của Trung Quốc

Trung Quốc ngày càng bất an ở Biển Đông trong bối cảnh phương Tây tăng can thiệp và diễn biến này đòi hỏi ASEAN cần có cách tiếp cận mới.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu, trực thuộc tờ Nhân Dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ), mới đây thông báo rằng quân đội TQ đang tiến hành một đợt diễn tập quy mô lớn kéo dài từ ngày 6 đến 10-8. Một thông báo khác của Cục Hải sự Hải Nam TQ cho hay khu vực tập trận nằm ở phía bắc Biển Đông và bao phủ phần lớn quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam đang bị TQ chiếm đóng trái phép).

Theo ThS Nguyễn Thế Phương, giảng viên ngành quan hệ quốc tế thuộc ĐH Kinh tế - Tài chính (UEF), cuộc tập trận trái phép nói trên cũng như các động thái gây hấn của TQ nói chung trong thời gian gần đây có liên quan tới việc Mỹ và phương Tây ngày càng can thiệp mạnh hơn vào tình hình ở Biển Đông.

Theo tờ South China Morning Post, TQ và Nga chuẩn bị tập trận chung từ hôm nay (9-8) ở khu tự trị Ninh Hạ, phía bắc TQ. Bộ Quốc phòng TQ nhấn mạnh cuộc diễn tập sẽ tập trung vào các nội dung như chống khủng bố, cải thiện khả năng trinh sát chung và năng lực phối hợp tác chiến thông tin, điện tử giữa binh sĩ hai bên. 

Thông điệp từ cuộc tập trận của Trung Quốc

. Phóng viên: Thưa ông, việc TQ tổ chức tập trận lần này là có dụng ý gì lúc này, đặc biệt là khi sự hiện diện quân sự của Mỹ và các đồng minh, đối tác ngày càng dày đặc hơn ở Biển Đông, cùng thông tin Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris chuẩn bị thăm Việt Nam và Singapore cũng với trọng tâm là bàn về vấn đề Biển Đông?

+ ThS Nguyễn Thế Phương: Thật ra cuộc tập trận trái phép của TQ không liên quan nhiều lắm tới chuyến thăm của bà Harris, mà liên quan nhiều hơn tới các sự việc gần đây xung quanh Biển Đông. Bộ Tư lệnh các hạm đội Mỹ tuần trước thông báo rằng hải quân nước này sẽ tổ chức một đợt tập trận quy mô toàn cầu ở nhiều vùng biển khác mà khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, sẽ là một trong số đó. Cuộc tập trận không chỉ có Mỹ mà còn có sự tham gia của các nước khác như Anh, Úc, Ấn Độ hay Nhật.

Do đó, để phản ứng lại thì TQ đã cho mở cuộc tập trận nói trên. Trên thực tế, cũng không nên xem cuộc tập trận của TQ là một hành động mang tính bột phát vì các cuộc tập trận kiểu như vậy đã được nước này lên kế hoạch từ trước. Nó chỉ may mắn hoặc tình cờ là trùng vào đợt tập trận của Mỹ và đồng minh, đối tác thôi.

Tuy vậy, nhìn vào cuộc tập trận của TQ thì rõ ràng cũng có thể thấy thông điệp mà Bắc Kinh muốn truyền tải là họ có đủ năng lực để đối phó với những gì Mỹ và các nước đưa vào Biển Đông. Họ đang ngầm coi Biển Đông là “sân nhà” nên việc xuất hiện tàu các nước sẽ làm ảnh hưởng tới những cái mà họ gọi là lợi ích của TQ ở đây.

. Có thông tin rằng TQ trong đợt tập trận lần này có thể tiến hành phóng thử một số tên lửa đạn đạo. Ông có bình luận gì về quyết định này của Bắc Kinh?

+ Bắc Kinh muốn thông qua việc thử tên lửa đạn đạo để thể hiện khả năng quân sự trong việc đối phó với những thách thức mà nước này có thể gặp phải ngoài thực địa. Trong kịch bản xấu nhất là bùng phát xung đột quân sự thì một trong những vũ khí quan trọng nhất của Mỹ và đồng minh sẽ là các nhóm tác chiến tàu sân bay.

Do đó, thử nghiệm các loại vũ khí đạn đạo với khả năng tiêu diệt tàu sân bay là cách mà TQ tuyên bố rằng họ có cách để khắc chế lợi thế quân sự của Mỹ. Nhiều người cho rằng khả năng cao là TQ sẽ cho thử những loại vũ khí đạn đạo đang trong biên chế của quân đội nước này, như tên lửa đạn đạo Đông Phong - 26 (DF-26).

Ngoài ra, cuộc tập trận dĩ nhiên vẫn có những mục đích khác mà đầu tiên là kiểm tra thử khả năng chiến đấu hỗn hợp giữa các quân chủng với nhau. Còn nhớ, mấy ngày trước, cuộc tập trận này TQ đã cho triển khai tàu sân bay Sơn Đông xuống Biển Đông. Do đó, có khả năng bên cạnh việc phóng tên lửa thì sẽ còn diễn ra các hoạt động với sự tham gia hỗn hợp của các bên không quân, hải quân và lực lượng tên lửa. Đây là điều quan trọng với TQ, đặc biệt trong lúc căng thẳng ở Biển Đông hiện nay đang ở mức tương đối.

Khu trục hạm Nam Ninh (trái) và tàu tiếp liệu Chaganhu (phải) của TQ xuất hiện trên Biển Đông hồi tháng 6. Ảnh: WEIBO

Khu trục hạm Nam Ninh (trái) và tàu tiếp liệu Chaganhu (phải) của TQ xuất hiện trên Biển Đông hồi tháng 6. Ảnh: WEIBO

ASEAN phải đồng lòng trước Trung Quốc

. Đặt cạnh các đợt tập trận trước của TQ trên Biển Đông, ông có cho rằng đợt tập trận lần này có vai trò gì đặc biệt hay không?

+ Tôi cho rằng những đợt tập trận như vậy không phải là cái gì quá mới. Thậm chí, có thể các kiểu tập trận như vậy sẽ diễn ra hằng năm vào mỗi tháng 7 hoặc tháng 8 theo lịch trình của phía TQ. Nếu có vai trò gì đặc biệt thì nó chỉ thể hiện sự cạnh tranh về mặt chiến lược giữa Mỹ và TQ đang ngày càng trở nên gay gắt hơn.

. Nếu như các hoạt động diễn tập quân sự của TQ đang dần trở thành một điều bình thường trong khu vực như ông nhận định thì liệu những nước như Việt Nam có cần tiếp tục phát đi các tuyên bố phản đối không?

+ Chúng ta vẫn phải tiếp tục lên tiếng phản đối TQ. Nếu chúng ta giữ im lặng, không làm gì thì rõ ràng là ngầm thừa nhận là họ có quyền làm những chuyện như vậy. Đứng từ góc nhìn Việt Nam thì rõ ràng việc TQ tiến hành những cuộc tập trận trái phép như vậy vi phạm nghiêm trọng lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông và làm căng thẳng khu vực tăng lên. Nội dung những tuyên bố ngoại giao từ phía Việt Nam có thể không mới nhưng cứ phải nói để cho người khác biết rằng những chỗ TQ đang tập trận là đang tranh chấp và chúng ta không đồng ý với việc làm của họ.

. Nhìn rộng ra toàn khối ASEAN nói chung, các nước này nên làm gì để tự bảo vệ lợi ích và đối mặt với một TQ đang trở nên ngày càng quyết đoán trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông?

+ Trong bối cảnh hiện nay, ASEAN cần phải ưu tiên: (1) Giữ vững đoàn kết nội khối, đứng lại với nhau để tận dụng sức mạnh tập thể; (2) Tìm kiếm một đối trọng ngoài khu vực để cân bằng lại ảnh hưởng của TQ, ở đây có Mỹ và đồng minh khỏa lấp vai trò đó.

Cái khó của các nước ASEAN là khối này hiện vẫn chưa tìm được tiếng nói chung khi bàn về Biển Đông, bởi có một số thành viên không có lợi ích trực tiếp ở vùng biển này. Đối với Việt Nam thì TQ hoạt động trên Biển Đông hoàn toàn là tiêu cực nhưng với một số nước khác thì chưa chắc. Điều này khiến lập trường của khối bị chia tách, không tạo được một mặt trận chung, ít nhất là về mặt pháp lý để đối phó với TQ hiệu quả.

Về mặt tầm nhìn và mặt chiến lược thì tôi cho rằng lãnh đạo ASEAN đã có rồi nhưng cụ thể các chính sách nhỏ, các chính sách bên dưới để thể hiện rõ cái tầm nhìn, chiến lược đó thì chưa có. Ví dụ, ASEAN tới giờ vẫn chưa tổ chức được các đợt tuần tra hàng hải chung, các sáng kiến về hợp tác bảo vệ môi trường biển cũng thiếu vắng.

. Ông dự báo như thế nào về quan hệ giữa ASEAN và TQ thời gian tới trong ngắn hạn và dài hạn nếu khối này vẫn không thể khắc phục được những vấn đề nêu trên?

+ Để trả lời câu hỏi này, cần phải nhìn nhận cấu trúc an ninh khu vực hiện nay là một cấu trúc không có sự công bằng vì TQ quá lớn. Nếu các nước nhỏ xung quanh không đứng chung với nhau thì sẽ dễ dàng rơi vào thế “chia để trị” của Bắc Kinh. Nếu ASEAN vẫn giữ tâm thế dò đường rất chậm như hiện tại, không thúc đẩy đoàn kết, không đẩy nhanh quá trình ngồi lại với nhau và tìm ra những điểm chung không chỉ giữa thành viên trong khối mà còn là giữa ASEAN với Mỹ chẳng hạn thì về mặt dài hạn, cán cân quyền lực trong khu vực sẽ nghiêng hẳn về phía TQ. Về mặt ngắn hạn hoặc trung hạn thì kết quả ra sao vẫn phải chờ xem Mỹ và ASEAN sẽ có động thái cụ thể nào đáp trả TQ hay không.

. Xin cám ơn ông.

Ngoại giao vaccine không cải thiện hình ảnh Trung Quốc ở Biển Đông

Dù TQ thời gian qua đã viện trợ nhân đạo một lượng lớn vaccine ngừa COVID-19 cho Đông Nam Á. Nhiều nhà quan sát cho rằng điều này nhằm mục đích cải thiện hình ảnh và quan hệ của TQ với các nước ở đây. Giới lãnh đạo TQ xem nỗ lực này và tham vọng chủ quyền ở Biển Đông là hai vấn đề tách bạch nhau.

Theo ThS Nguyễn Thế Phương, Bắc Kinh nhìn phần biển nằm trong khu vực đường chín đoạn (đường lưỡi bò) phi pháp đương nhiên thuộc chủ quyền của họ và các nước có tranh chấp phải có nhiệm vụ hoặc trách nhiệm tôn trọng cái chủ quyền đó của TQ. Ngoại giao vaccine chỉ đơn thuần là công cụ để TQ nâng cao quyền lực mềm của nước này ở Đông Nam Á.

“TQ không nhìn thấy được mâu thuẫn giữa hình ảnh thân thiện mà họ đang cố xây dựng ở Đông Nam Á qua vaccine và những gì mà họ đang làm ở Biển Đông. Họ không nhìn thấy được sự mâu thuẫn đó đang làm xói mòn lòng tin ở những nước như Việt Nam” - ThS Phương chia sẻ.

Nguồn: [Link nguồn]

Biển Đông: Thế giới lập các 'vành đai' cô lập Trung Quốc

Trong khi xem thường luật pháp quốc tế, Trung Quốc phải chấp nhận một sự thật rằng các quốc gia ngày càng xa rời, cô...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN