Cuộc sống trong một cộng đồng người "bị thất lạc" giữa lòng Mông Cổ
Erin Craig, cây viết của National Geographic, đã tiết lộ những điều thú vị về “lần trải nghiệm kỳ diệu” của mình với bộ tộc Tsaatan.
Phim ngắn: Inside the Rugged Lives of Mongolian's Normads ̣(tạm dịch: Bên Trong Những Mảnh Đời Bấp Bênh Của Dân Du Mục Mông Cổ) của National Geographic
Tôi vừa rời khỏi Ulaanbaatar, thủ đô Mông Cổ và cũng là thủ đô lạnh nhất thế giới, nơi luôn ngập ngụa giữa bụi than vào mùa đông và các mảnh vật liệu xây dựng vào những mùa khác. Lúc đó là mùa hè năm 2016, và tôi mới dành một năm tại đây vừa dạy tiếng Anh vừa theo đuổi những câu chuyện như một cây viết tự do. Khi Anudari, người bạn giáo viên của tôi, đề xuất một chuyến đi đến taiga, tôi đã nhảy lên xe của cô ấy mà không hỏi một câu nào.
Taiga là tên gọi một vùng rừng rộng lớn tại Siberia, vắt ngang giữa biên giới của Nga và Mông Cổ. Vùng rừng nổi tiếng nhất nằm phía trên hồ Hövsgöl, điểm cực bắc Mông Cổ. Đây là nơi sinh sống của bộ tộc Tsaatan - một nhóm thiểu số những người chăn thả tuần lộc du mục. Họ thường được khắc họa là những con người “thần bí”, “bất khả xâm phạm”, hay thậm chí là “bộ tộc bị thất lạc”.
Một cách thành thạo, Anudari lái xe đưa chúng tôi băng qua những nút giao thông chật kín xe tại Ulaanbaatar để ra một con đường cao tốc lát đá vắng vẻ. Bầu trời dần hiện ra khi chúng tôi quay xe về hướng tây, cảnh quan rộng mở theo mọi hướng. Anudari vừa lái xe vừa trò chuyện một cách hứng khởi. Là người Mỹ gốc Mông Cổ, cô thường xuyên có những chuyến du lịch về nông thôn cùng gia đình, nhưng bản thân cô thì luôn muốn đến thăm Tsaatan. Đây hẳn sẽ là một trải nghiệm kỳ diệu, một chuyến đi để đời.
Vào trong rừng
Người Tsaatan đã chăn thả tuần lộc của họ ở taiga suốt nhiều thế kỷ qua. Ban đầu, họ tập trung ở Tuva – một nước cộng hòa thuộc Nga, và sau khi biên giới Liên Xô được vẽ lại vào năm 1944, thì họ chuyển sang Mông Cổ. Dù chỉ còn vài trăm người Tsaatan vẫn duy trì lối sống truyền thống, nhưng với việc công nghệ tìm kiếm hiện đại đang dần mở ra những góc khuất trong thế giới của chúng ta, chúng lại trở nên rất hấp dẫn. Các công ty du lịch tại Mông Cổ hiện nay đang cung cấp những gói thám hiểm đến taiga, nơi du khách có thể trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của người Tsaatan như chăn tuần lộc, vắt sữa, làm phô mai, thu hoạch hạt thông và ngủ trong những chiếc lều hình nón truyền thống được gọi là ortz.
Sinh sống gần vùng cực bắc của Mông Cổ, những người du mục Tsaatan chăn tuần lộc dọc theo những vùng taiga xa xôi (Ảnh: Alamy Stock)
Nhưng điều đó không có nghĩa chuyến đi của chúng tôi sẽ trở nên dễ dàng. Taiga vẫn là một vùng hẻo lánh, thậm chí nếu tính theo tiêu chuẩn sống tại Mông Cổ. Đất nước này phần lớn không có đường cho xe cộ và các chuyến du lịch bằng đường bộ thường tốn rất nhiều thời gian, và địa hình rừng chỉ có thể được đi lại bằng ngựa. Đây là chuyến hành trình mà thời gian di chuyển còn vượt xa thời gian tại điểm đến, mà chúng tôi ban đầu dự định sẽ ở trong 8 ngày, và đi lại trong 2 ngày với những người Tsaatan.
Sau vài ngày, xe đến thị trấn Mörön, nơi chúng tôi được cấp một người lái xe, một hướng dẫn viên, và được sắp xếp cho 2 con ngựa ở bìa rừng, tất cả với giá 150 USD cho một người. Chúng tôi không được hỏi có biết cưỡi ngựa hay không. Hầu hết các câu hỏi chỉ liên quan đến trọng lượng của chúng tôi và hành lý của mình. Ngựa Mông Cổ thường nhỏ và chỉ có thể mang nặng khoảng 90 kg. Chúng được chăn thả tự nhiên và chỉ phản ứng với câu lệnh: “Tchoo.”, nghĩa là “đi nhanh lên.”
Tôi đã có thêm 2 ngày để cân nhắc về kỹ năng cưỡi ngựa còn hạn chế của mình khi chúng tôi lái xe về phía bắc Mörön. Trời đang đổ mưa, và chiếc xe của chúng tôi bắt đầu rung lắc khi phải băng qua một đoạn đường đầy bùn. Tôi lúc đó đã rúc vào sau xe, giả vờ như mình không bị say xe.
Bầu trời chuyển sang màu xanh khi xe chúng tôi đi tới taiga. Cảnh rừng đột ngột hiện ra như một “bức tường” đầy ắp cây thông và tùng. Chủ nhà người Tsaatan của chúng tôi, anh Delgermagnai Enkhbaatar, đang đợi sẵn ở bìa rừng với những con ngựa.
Dù đang có tuyết trên những ngọn núi gần đó, đường đi của chúng tôi chủ yếu toàn bùn lầy, và những con ngựa đi lảo đảo như người say rượu. Sau nhiều giờ vật lộn với bùn lầy và các lạch sông, chúng tôi cuối cùng cũng đến được khu trại lúc trời đã sẩm tối.
Thời điểm đó, ánh sáng của Mặt Trăng mới mọc được phản chiếu trên mặt hồ gần đó. Bầy tuần lộc đứng thẳng chân quanh túp lều của gia đình, còn bầu trời đầy những ngôi lấp lánh. Bất chợt, tôi được nhìn thoảng qua một khoảnh khắc kỳ diệu.
Ở nhà với người Tsaatan
Sông Chuya chạy vắt vẻo bên dưới dãy núi Altai của Mông Cổ (Ảnh: Getty)
“Người Tsaatan không phải là một ‘bộ lạc chưa được khám phá’, trang web cộng đồng của họ cho biết. Thật vậy, họ giờ còn có cả các trang web (dù đang trong tình trạng ngoại tuyến). Và Tsaatan có nghĩa là “người chăn tuần lộc” trong tiếng Mông Cổ, không phải là ngôn ngữ bản địa của họ. Những người chăn gia súc này tự gọi mình là Dukha.
“Bạn sẽ không phải là khách mời đầu tiên hoặc cuối cùng của họ,” trang web cho biết thêm, “Họ là những con người hiện đại luôn chào đón du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Chúng tôi đã gặp một vài trong số những du khách như vậy trong chuyến đi đến khu trại của Enkhbaatar, áo khoác nylon của họ phản chiếu rực rỡ dù đang ở trong rừng tối. Các hướng dẫn viên chào hỏi nhau rất niềm nở trong khi những vị khách nước ngoài chỉ khẽ gật đầu, và xem nhau như những vị khách không mời. Rồi chúng tôi cưỡi ngựa đi tiếp, tựa như cuộc chạm mặt này chưa từng xảy ra.
Khi ở trong khu trại, rõ ràng “bộ tộc bị thất lạc” duy nhất ở taiga chính là những du khách như chúng tôi. Dù đã tự trang bị những thứ có thể chống lại những xa cách về địa lý như bản đồ và GPS, nhưng chúng tôi không có sẵn các “ứng dụng” để xử lý những khác biệt về văn hóa.
Điều này không chỉ đáng xấu hổ mà thậm chí có thể rất nguy hiểm. Taiga không phải là một thắng cảnh hiền hòa. Hạ thân nhiệt là một nguy cơ thực sự, ngay cả trong tháng 8. Enkhbaatar có những bộ răng của gấu và chó sói trong hộp đồ nữ trang chạm khắc của mình. Thậm chí, biên phòng Nga có thể tạt qua đây khi đang truy tìm những tội phạm đang đào tẩu. Sự thật trần trụi về vùng hoang dã này thật khủng khiếp, và cách duy nhất để vào hoặc ra khỏi nỏ là băng qua những con đường lầy lội trên mình ngựa. Tôi trở nên khó chịu khi biết rằng, với tất cả kiến thức du lịch của mình, tôi chẳng học được điều gì hữu ích cho trải nghiệm này ngoài thái độ “làm được cái gì thì làm”.
Trong khi đó, gia đình Enkhbaatar làm những việc ở nhà theo cách thức rất giống với chúng tôi. Bọn trẻ biết cách vuốt qua các ứng dụng trên smartphone và lắc lắc máy ảnh Polaroid cho đến khi tờ ảnh rơi ra. Chúng rất thích thú với những chiếc xe đồ chơi chúng tôi đã mang theo và tạo ra tiếng ồn trong khi đẩy chúng lên các cột lều của gia đình. Tuy nhiên, hầu hết các trò chơi của chúng đều bắt chước những công việc của người lớn, như đốt lửa, lấy nước, chăm sóc các con vật.
3 cậu bé và 1 người đàn ông Tsaatan đưa tuần lộc đi chăn thả tại đông Taiga, Mông Cổ (Ảnh: Getty)
Vào ngày thứ hai, Enkhbaatar đề nghị dẫn chúng tôi tới vào vùng núi Sayan phía đông. Anh chuẩn bị một vài con tuần lộc trong khi đứa con mới biết đi chập chững của anh cố gắng cưỡi lên lưng con chó của gia đình với một tấm chăn cũ.
Tôi xoay xở một cách chật vật trên thú cưỡi của mình, trong khi Enkhbaatar vẫn đang hướng dẫn cách điều khiển bằng một sợi dây cương duy nhất. Rồi chúng tôi bị gián đoạn bởi một âm thanh lạ: tiếng chuông điện thoại có giai điệu Fur Elise. Không nói một lời, Enkhbaatar đưa sợi dây cương cho đứa con của mình và chạy mất hút vào trong lều.
“Baina uu?” Tôi nghe thấy tiếng anh ấy trả lời qua điện thoại, trong khi cái của tôi đã không nhận được bất cứ tín hiệu suốt nhiều ngày qua.
Đột nhiên tôi nhận ra mình không biết cách cưỡi con tuần lộc này. Nếu nó mất cương, tôi sẽ phóng một mạch đến Siberia trước khi Enkhbaatar kịp quay ại. Tôi nhìn xuống đứa trẻ 18 tháng tuổi đang cầm dây cương và khẽ hỏi:
“Cháu cũng nhận ra được điều này, phải không?”
Huyền thoại và những ký ức
Kể chuyện là một phương thức phản ánh, nhưng những ngôn từ mà chúng tôi lựa chọn để mô tả người Tsaatan - huyền bí, bị thất lạc, bị lạm dụng, bị đe dọa – giờ đây lại đang ám chỉ vai trò của chúng tôi trong câu chuyện này. Chúng tôi có phải là những nhà thám hiểm gan dạ, những kẻ hoài nghi tự cao tự đại, hay có thể chỉ là thú tiêu khiển? Tôi trở về từ taiga với những câu hỏi hóc búa này trong đầu. Vài năm qua, tôi vẫn nghĩ về nó mỗi khi đặt bút viết một câu chuyện nào đó.
Tuy nhiên, gần đây, tôi lại nhớ nhớ chuyến đi đó vì những lý do khác, liên quan đến tình trạng bức bối hiện tại. Dịch Covid-19 đã khóa chặt cuộc sống của chúng ta sau 4 bức tường và màn hình máy tính, và giờ tôi lại khao khát một không gian không biên giới như vùng nông thôn tại Mông Cổ.
Một người phụ nữ Tsaatan đang cho tuần lộc ăn. Gần 1/3 dân số Mông Cổ hiện tại vẫn sống bằng nghề chăn thả du mục (Ảnh: Redux)
Nhưng vào lúc này, đó là một ao ước không tưởng: Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, Mông Cổ đã đóng cửa đối với du khách quốc tế kể từ tháng Ba vừa qua. Khoảng 1/3 dân số Mông Cổ là những người chăn nuôi du mục như Enkhbaatar. Được chăm sóc y tế là một hành trình rất dài đối với họ.
Dù sao, tôi vẫn phải thừa nhận những kỷ niệm của về chuyến này là rất lãng mạn, thậm chí kỳ diệu. Tôi sẽ nhớ mãi hương vị từ cốc trà sữa tuần lộc, cùng những buổi sáng lạnh thấu xương tới mức những lớp áo len đan bằng lông lạc đà vẫn là chưa đủ để tôi không bị run cầm cập, cảm giác chao đảo khi cưỡi trên lưng một con tuần lộc, bầu trời đêm lung linh sắc vàng vào mỗi dịp trăng rằm. Tôi sẽ luôn nhớ người vợ của Enkhbaatar, lúc cô ấy bật cười với kỹ năng dùng dao của chúng tôi khi nấu ăn, hay những đứa trẻ luôn rình mò chực xin tiền chúng tôi để bỏ lợn tiết kiệm, và nụ cười Enkhbaatar khi chia tay chúng tôi, cùng lời hẹn gặp lại nhau một lần nữa.
Đứa bé nắm phần cuối sợi dây cương của tôi ngày đó chắc giờ đã đủ tuổi đi học. Cô bé hẳn sẽ không còn nhớ đến tôi hay bất kỳ du khách nào khác đến thăm gia đình mình vào mùa hè năm đó. Nhưng tôi tự hỏi làm thế nào đứa bé có thể mô tả được chúng tôi, những vị khách bí ẩn đến rồi lại đi, không một mối liên lạc và thậm chí còn không biết sử dụng phòng tắm trong lều. Có thể đứa bé đã chọn được một số từ giống như chúng tôi đã sử dụng trước chuyến đi cho gia đình của cô ấy. Tôi cam đoan một trong số chúng sẽ là từ “thất lạc”.
Bên cạnh kích thước siêu to khổng lồ, những con vật đặc biệt này có thể đem lại những giá trị khoa học mà không phải...
Nguồn: https://danviet.vn/cuoc-song-trong-mot-cong-dong-nguoi-bi-that-lac-giua-lon...